Thứ Ba, 17/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phát huy sở trường, năng lực trong môi trường quốc tế (bài 3)

Với sự tín nhiệm của LHQ, những người lính mũ nồi xanh từng bước khẳng định vai trò, sứ mệnh của CAND Việt Nam trong nhiệm vụ GGHB thế giới.

Bản lĩnh của người chỉ huy

Bang Đông Xích Đạo - một trong 10 bang của Nam Sudan có hơn 1 triệu dân nhưng thuộc 18 tộc người. Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc. Tháng 4/2024, khoảng 1 nghìn người thuộc tộc Murles mang theo vũ khí từ bang Jonglei tràn sang bang Đông Xích Đạo để cướp gia súc của tộc người Toposa. Có đến 17 nghìn đầu gia súc như dê, ngựa, bò,... bị cướp. Nghiêm trọng hơn, 90 phụ nữ và 32 trẻ em tộc Toposa bị bắt cóc, 40 người thiệt mạng khi chống trả lại toán cướp. 

Bài 3: Phát huy sở trường, năng lực trong môi trường quốc tế -0
Thiếu tá Đinh Mạnh Cường vận động người dân Nam Sudan tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cộng đồng.

Nhận tin báo từ người dân, Thiếu tá Đinh Mạnh Cường - Chỉ huy trưởng Văn phòng Cảnh sát địa bàn Torit nhanh chóng cử các sĩ quan cảnh sát xuống địa bàn nắm bắt tình hình. Nhận định đây một vụ cướp có vũ trang quy mô lớn, tính chất phức tạp và đặc biệt nguy hiểm, anh xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cảnh sát phái bộ, cảnh sát Nam Sudan; đồng thời phối hợp với quân đội, cảnh sát địa phương, các tổ chức của LHQ đóng trên địa bàn để đưa ra kế hoạch tác chiến.

Cấp thiết nhất là yêu cầu về nhân đạo, vì vụ tấn công đã khiến người dân tộc Toposa bị cướp hết gia súc dẫn đến không còn tài sản, đồ ăn thức uống. Sau khi có sự kêu gọi của Văn phòng Cảnh sát, các tổ chức nhân đạo đã viện trợ lương thực, thuốc men y tế cho người dân. Các biện pháp đối phó với toán cướp được ráo riết triển khai. Kết quả có 7 trẻ em và 30 phụ nữ bị bắt cóc được thả, 3 nghìn con bò được trả lại cho người dân. Tư lệnh Cảnh sát phái bộ đã đánh giá rất cao về kế hoạch; cách thức ứng phó và giải quyết vụ việc của Chỉ huy trưởng Đinh Mạnh Cường và đồng nghiệp.

Đây chỉ là trường hợp điển hình trong số nhiều vụ việc phức tạp liên tiếp xảy ra tại địa bàn khiến Thiếu tá Cường và các đồng nghiệp luôn căng như dây đàn. Cho đến thời điểm hiện tại, anh là sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên và duy nhất đặt chân tới vùng đất này với nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành Văn phòng Cảnh sát GGHB LHQ tại bang Đông Xích Đạo. Thiếu tá Cường hiện là chỉ huy trẻ tuổi nhất trong số 10 chỉ huy trưởng của Cảnh sát LHQ tại Nam Sudan. 

Bài 3: Phát huy sở trường, năng lực trong môi trường quốc tế -1
Trung tá Nguyễn Ngọc Hải họp giao ban bộ phận Cảnh sát tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ).

Với những kiến thức, kĩ năng đã được tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động GGHB; được sự động viên, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ, gần một năm qua, Thiếu tá Cường từng bước lãnh đạo Văn phòng Cảnh sát hoạt động ổn định, hiệu quả. Với nhân viên văn phòng cảnh sát địa bàn, anh là vị chỉ huy quyết đoán và chuyên nghiệp. Lãnh đạo Cảnh sát phái bộ nhận xét rằng, Chỉ huy trưởng Đinh Mạnh Cường là một trong những vị chỉ huy nghiêm khắc nhất, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực ở địa bàn từ khi nhận nhiệm vụ.

Người duy nhất được gọi tên

Vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao, cạnh tranh với gần 200 ứng viên của nhiều nước, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải là sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm hiện tại vinh dự làm nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình LHQ, trụ sở New York, Hoa Kỳ, với vai trò là chuyên gia LHQ về phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Tại đây, anh đã phát huy tốt khả năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tham mưu chính sách, hướng dẫn, điều phối các hoạt động phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia/có tổ chức của lực lượng Cảnh sát LHQ tại các phái bộ GGHB. Đây là những hoạt động chiến lược, có tính chất chỉ đạo và hướng dẫn đối với những hoạt động thực thi ở phái bộ. Mới đây anh còn được tin tưởng giao thêm mảng trợ lý tham mưu cho Trung tướng Faisal Shahkar, Cố vấn Cảnh sát LHQ - Giám đốc Bộ phận Cảnh sát thuộc Cục Hoạt động hòa bình.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thượng tá Lương Thị Trà Vinh đã xuất sắc vượt qua khóa huấn luyện sát hạch viên đánh giá năng lực tham gia GGHB LHQ để có thể tham gia đoàn sát hạch, là người cầm cân nảy mực để lựa chọn ứng viên từ các quốc gia. Chị nhớ lại: “Khi chứng kiến các ứng viên tham dự kì thi, tôi thấy bóng dáng của nhóm sĩ quan chúng tôi khi thi sát hạch ở Thổ Nhĩ Kỳ đầu năm 2022. Khi ấy chúng tôi là những sĩ quan công an đầu tiên của Việt Nam đi thi, chưa hề có kinh nghiệm nên mọi thứ đều mới lạ. Với nỗ lực cao nhất, chúng tôi đã nhập cuộc một cách bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả tốt”. 

Nếu Đại tá Lê Quốc Huy gây ấn tượng với đồng nghiệp bởi khả năng đánh giá nội bộ công tác của tất cả các đơn vị thuộc cảnh sát phái bộ tại Nam Sudan với yêu cầu cao về việc sử dụng tiếng Anh để viết báo cáo, thì Thượng tá Vũ Việt Hùng lại là người có đóng góp hiệu quả trong công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cảnh sát địa phương. Tư lệnh Cảnh sát bang Trung Xích Đạo đánh giá cao và đã tặng bằng khen cho Thượng tá Hùng vì những đóng góp của anh trong việc xây dựng hòa bình và nâng cao năng lực cho Cảnh sát Nam Sudan.

Bài 3: Phát huy sở trường, năng lực trong môi trường quốc tế -1
Đại úy Trần Thị Thu Trang nắm tình hình địa bàn.

Khai phá địa bàn mới

- “Ồ, lần đầu tiên tôi gặp một cảnh sát Việt Nam ở đây”. - “Vì đây là lần đầu tiên Việt Nam chúng tôi đưa cảnh sát sang tham gia hoạt động GGHB LHQ ở khu vực này”. - “Các bạn có lịch sử dựng nước và giữ nước thật hào hùng”. - “Đến từ một đất nước đã đi qua chiến tranh, chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết giá trị của độc lập tự do, của hòa bình. Bởi thế, chúng tôi mong muốn được góp công sức vào hoạt động GGHB cho nhiều vùng đất trên thế giới”... Đó là những câu đối thoại quen thuộc giữa các sĩ quan công an của Việt Nam với các đồng nghiệp quốc tế và người dân tại nhiều địa bàn châu Phi.

Tháng 6/2024, Thiếu tá Vũ Trần Thắng và Đại úy Nguyễn Lan Anh có mặt tại một phái bộ hoàn toàn mới: Phái bộ UNISFA thuộc khu vực Abyei, châu Phi - khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan. 2 tháng sau, Trung tá Trịnh Xuân Hiển cũng có mặt tại vùng đất này. Ở đây không hề có lực lượng cảnh sát riêng. Việc duy trì trật tự được tiến hành thông qua lực lượng tình nguyện trong cộng đồng. Hiện tại, tổ công tác số 3 đang phối hợp các bộ phận của cảnh sát phái bộ triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ trong xung đột. 

“Thị trấn Abyei là trung tâm của cả vùng nhưng rất nghèo nàn, tỉ lệ người dân mắc bệnh cao, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, đây lại là nơi có các cơ sở giam giữ. Do vậy, chúng tôi cùng đồng nghiệp quốc tế thường xuyên tới đó nhằm xây dựng năng lực cho lực lượng an ninh địa phương trong việc quản lý người bị tạm giữ, kiểm tra cơ sở vật chất các cơ sở giam giữ, mở các lớp học cho trẻ vị thành niên phạm tội, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ bị giam giữ có con nhỏ”, Thiếu tá Thắng chia sẻ.

Bài 3: Phát huy sở trường, năng lực trong môi trường quốc tế -0
Trung tá Trịnh Xuân Hiển thực hiện nhiệm vụ tuần tra cùng đồng nghiệp quốc tế.

Ngày 19/6 vừa qua, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống lại bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, tổ công tác số 3 đã tham gia hoạt động quy mô của Phái bộ nhằm tuyên truyền về chống bạo lực tình dục cho phụ nữ tại Abyei. Các sĩ quan được tận tay trao từng suất cơm, túi quà tới những người phụ nữ và được xem họ hát múa, nhảy những điệu nhảy dân tộc để cảm ơn lực lượng GGHB.

Cũng giống như tổ công tác số 3, từ tháng 7/2024, tổ công tác số 4 gồm Thiếu tá Hoàng Trọng Hòa, Đại úy Nguyễn Thế Anh và Đại úy Trần Thị Thu Trang là những sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên đến địa bàn Bor, bang Jonglei, Nam Sudan. Đây là điểm nóng xung đột vũ trang giữa các nhóm sắc tộc nên luôn trong tình trạng bất ổn kéo dài với nạn di dân, nạn đói và bệnh tật. Vượt lên mọi nguy hiểm, khó khăn, cả 3 sĩ quan đang kiên cường bám địa bàn ở các vị trí công tác độc lập tại Văn phòng Cảnh sát Bor, bang Jonglei.

Đại úy Trần Thị Thu Trang là sĩ quan đào tạo tại Đội Đào tạo, Xây dựng năng lực. Thiếu tá Hoàng Trọng Hòa thực hiện nhiệm vụ tại Đội Tuần tra. 
Đặc biệt, đầu tháng 12 vừa qua, Đại úy Nguyễn Thế Anh đã vượt qua quá trình tuyển chọn khắt khe của LHQ để trúng tuyển vị trí Trưởng nhóm của đơn vị Trung tâm Tác chiến khẩn cấp và hỗ trợ cơ sở dữ liệu 112 tại Phái bộ UNMISS.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và xây dựng chiến lược, Đại úy Nguyễn Thế Anh đã chứng minh năng lực vững vàng để đảm nhận vai trò chiến lược trong khối tác chiến. Làm nhiệm vụ tại địa bàn mà những xung đột vượt ngoài sức tưởng tượng càng khiến các sĩ quan của Việt Nam trân trọng hơn nền hòa bình mà đất nước ta đã có được, quyết tâm đóng góp nhiều hơn cho sứ mệnh GGHB quốc tế.

Trong buổi gặp mặt các sĩ quan tại thủ đô Juba, Nam Sudan, tháng 3/2024, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang (nay là Bộ trưởng Bộ Công an) phát biểu: “Tôi ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các sĩ quan Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ. Các sĩ quan của Việt Nam đều phát huy được những phẩm chất cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn, thích nghi nhanh với điều kiện và môi trường hoạt động của LHQ.

Bên cạnh đó, các đồng chí đã góp phần tô thắm thêm truyền thống CAND Việt Nam anh hùng, phát huy được hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND Việt Nam, qua đó làm tốt nhiệm vụ lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và yêu chuộng hòa bình đến với LHQ và bạn bè quốc tế”.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi