Thứ Ba, 24/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần

Theo đó, Thông tư này quy định Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp, không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:


Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần.

 Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y

Đối với giám định viên pháp y, về trình độ chuyên môn: Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học phù hợp với mỗi lĩnh vực giám định. Cụ thể: Nhóm ngành đào tạo y học (trừ ngành đào tạo y học dự phòng) đối với người thực hiện giám định về lĩnh vực pháp y; nhóm ngành đào tạo dược học, ngành đào tạo hóa học đối với người thực hiện giám định pháp y về lĩnh vực độc chất; nhóm ngành đào tạo sinh học, sinh học ứng dụng đối với người thực hiện giám định pháp y về lĩnh vực y sinh; nhóm ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực giám định pháp y khác.

Về nghiệp vụ giám định, phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y do Viện Pháp y Quốc gia cấp.

Thời gian thực tế hoạt động chuyên môn: Phải có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên. Trường hợp đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 3 năm trở lên.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y tâm thần

Đối với giám định viên pháp y tâm thần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn là bác sĩ thuộc ngành đào tạo y đa khoa đã được cấp Chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận đào tạo chuyên môn về tâm thần từ 6 tháng trở lên tại cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo chuyên ngành tâm thần; hoặc bác sĩ đã được cấp văn bằng đào tạo sau đại học chuyên khoa tâm thần (Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ).

Nghiệp vụ giám định: Phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y tâm thần do Viện Pháp y tâm thần Trung ương hoặc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cấp.

Thời gian thực tế hoạt động chuyên môn: Phải có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo theo quy định tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 5 năm trở lên. Trường hợp đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y tâm thần thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 3 năm trở lên.

Ngoài ra, thủ tục bổ nhiệm giám định viên ở cấp Trung ương quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề nghị bổ nhiệm, như sau: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y thuộc Bộ mình.

Thủ tục bổ nhiệm giám định viên ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề nghị bổ nhiệm, trong đó Công an tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư này, hướng dẫn cá nhân hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, gửi đến Sở Y tế tỉnh…

 Nguồn: Cổng TTĐTBCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi