Thứ Bảy, 27/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Không thể xuyên tạc thành quả của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19

 

Cùng với lực lượng tuyến đầu, chúng ta đang khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân các khu công nghiệp để sớm ổn định sản xuất kinh doanh

Nhận diện những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc

Chúng ta đang căng mình ứng phó với đợt dịch Covid-19 thứ tư kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên hồi tháng 1-2020 tới nay. Đây được xem là đợt dịch lây lan nhanh, diễn biến phức tạp và khó lường nhất.

Bên cạnh việc triển khai những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời và hiệu quả, chúng ta cũng thực thi những biện pháp căn cơ, chiến lược để vừa sớm nhất có thể dập đợt dịch thứ tư này vừa đẩy lùi đại dịch một cách lâu dài. Theo thông tin mới nhất, những tâm dịch phức tạp đã cơ bản được kiểm soát với số ca mắc mới đang chững lại như khẳng định của lãnh đạo TP.HCM, thành phố đã cơ bản quản lý, kiểm soát các nguồn lây lan các ca bệnh; trong khi lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết phấn đấu trong vòng 7-10 ngày tới kiểm soát số ca F0 phát sinh ở các khu cách ly, từ 10-14 ngày nữa sẽ cơ bản dập xong dịch bệnh.

Điều đó khẳng định các biện pháp, chiến lược chống dịch Covid-19 của nước ta đến nay là đúng đắn, hiệu quả. Thế nhưng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước trong chiến lược diễn biến hòa bình xuyên suốt đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào, từ bỏ bất cứ dịp nào, luôn tìm mọi cách để nhằm chống phá Việt Nam và trong lúc cả nước đang tập trung mọi nỗ lực chống dịch Covid-19 này cũng vậy.

Chúng bất chấp thực tế, tung ra những thông tin bịa đặt, bóp méo, luận điệu xuyên tạc, thậm chí dựng đứng, vu cáo trắng trợn nỗ lực phòng, chống Covid-19 tại nước ta. Mục đích của chúng là nhằm liên tục phát tán các luận điệu xuyên tạc, thù địch về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, phủ nhận nỗ lực chống dịch của Chính phủ, công kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội, tạo sự hoài nghi về công tác phòng, chống dịch… để từ đó có điều kiện gây bất ổn chính trị-xã hội trong nước.

Có thể thấy, trong “dàn đồng ca” xuyên tạc, bóp méo tình hình dịch bệnh cũng như cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” ở nước ta gồm đủ các thành phần, từ các tổ chức phản động lưu vong như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Hội anh em dân chủ… cho đến các phần tử phản động, cơ hội chính trị, bất mãn trong nước. Chúng cố “mũ ni che tai” để cấu kết, a dua, “tung hứng” các thông tin, luận điệu sai trái nhằm phủ nhận những thành quả bước đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đi đôi với đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống xã hội, an sinh của người dân được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Gần đây, trước thông tin một số nước rục rịch mở cửa nền kinh tế, mở cửa cho du khách quốc tế nhờ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước liền thừa cơ, núp bóng cái gọi là “góp ý với cách chống dịch của Việt Nam” nhằm đưa ra những thông tin, luận điệu sai trái hòng gây phân tâm, nhiễu loạn. Thậm chí, có những kẻ còn muốn phủ nhận sạch trơn mọi nỗ lực và thành quả chống dịch của nước ta khi dấy lên luận điệu thâm độc rằng “ngộ nhận về hình mẫu chống dịch Covid-19”, rằng “Việt Nam chậm trễ, bị động; Đảng, Nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vaccine Covid-19”.

Chúng ta luôn trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, đóng góp giá trị, khoa học, khách quan, mang tính xây dựng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng rất tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc với dụng ý chống phá xấu xa, đen tối.

Chiến lược phòng chống dịch đúng đắn, hiệu quả

Nhìn vào thực tế chống dịch theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” ở nước có thể thấy Đảng, Nhà nước ta đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Các đợt dịch từng bước được khống chế, kiểm soát, qua đó đã giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với đời sống và sức khỏe của người dân.

Cùng với các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi các đợt dịch, chúng ta cũng đã rất tích cực, khẩn trương, chủ động, tìm mọi cách để có thể nhanh chóng tiếp cận, tìm nguồn, nhập về vaccine phòng Covid-19 và triển khai tiêm cho nhân dân, trước hết là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, các đối tượng ưu tiên. Việt Nam vì thế đã được WHO đánh giá rất cao về những biện pháp phòng, chống dịch mang tính lâu dài, hiệu quả.

Đồng thời với việc tìm kiếm, nhập vaccine phòng Covid-19 từ nhiều nguồn để đa dạng và tránh bị động về nguồn cung, chúng ta cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 trong nước. Đây là chiến lược đúng đắn, khẳng định tầm nhìn chiến lược cũng như tâm nguyện luôn chăm lo cho dân, luôn vì dân.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đã nêu rõ “Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng...”. Với quyết định này, Đảng, Nhà nước đã đưa Việt Nam vào danh sách không nhiều quốc gia trên thế giới sớm có chủ trương tiêm vaccine Covid-19 đại trà cho toàn dân. Chính phủ, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất trong lĩnh vực y tế là Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối, sử dụng vaccine phòng Covid-19 trong giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vaccine phòng Covid-19 toàn cầu) hỗ trợ.

Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã đặt hàng 170 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ nhiều nguồn, nhiều nhà cung cấp trong năm 2021 này để tiêm 2 mũi cho khoảng 70% số dân, là những người đủ 18 tuổi trở lên. Đây cũng là tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Biện pháp và chiến lược phòng chống dịch Covid-19 đúng đắn, hiệu quả của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong bài trả lời phỏng vấn BBC ngày 2-6 vừa qua, nhà báo David Hutt đã nhận định tích cực về phản ứng nhanh và đồng bộ của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát mới hiện nay. Cây bút chuyên bình luận về Đông Nam Á này đánh giá, Việt Nam là một trong những nước tại Đông Nam Á chủ động nhất và thành công nhất trong phòng chống dịch Covid-19 khi quyết liệt hơn, chú trọng tới nhiệm vụ kinh tế đặt trong bối cảnh chiến dịch tiêm vaccine đã được triển khai và những kinh nghiệm thực hiện giãn cách trong 18 tháng qua.

Dư luận quốc tế cho rằng, tiêm vaccine phòng Covid-19 đại trà cho toàn dân là một “vũ khí” hiệu quả, song vẫn rất cần những biện pháp phòng, tránh khác. Vì thế, “Chiến lược 5K + Vaccine” của Việt Nam cho đến nay là một chiến lược đúng đắn, hiệu quả và căn cơ để đẩy lùi đại dịch Covid-19, đưa mọi hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi