Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đem lửa mà thử “ vàng ròng” ...

Sự hy sinh thầm lặng ấy cao đẹp như phẩm chất “vàng” của người chiến sĩ PCCC luôn tỏa sáng... Đó là những lời động viên, ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành cho lực lượng PCCC và CNCH trong buổi lễ tôn vinh các điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH tối 28/9 tại Hà Nội. Trong số 3 tập thể và 1 cá nhân được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân dịp này, có Đội CC và CNCH Khu vực số 4 - một trong những mũi chủ công chống giặc lửa ở Thủ đô.

Trận đánh lớn và những giọt mồ hôi màu đen

Trụ sở Đội CC và CNCH Khu vực số 4, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội có khuôn viên xanh mát, thoáng rộng. Ngay đầu cổng, ở vị trí tiên phong là dãy xe “khủng” màu rực đỏ trong tư thế thường trực chiến đấu; là những slogan cũng đỏ rực: “Yêu xe như con”, “Quý xăng như máu”. Kế đến là dãy phòng làm việc của cán bộ chiến sĩ (CBCS) với quân tư trang luôn ở tư thế sẵn sàng. 5 năm trôi qua kể từ khi Đội thành lập, thời gian chưa nhiều nhưng nhiệm vụ, chiến công thì không hề ít.

“Hai quận Thanh Xuân và Hà Đông, bốn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa là địa bàn tổ chức CC và CNCH của Đội chúng tôi. Ở quận thì nhiều chung cư cao tầng, dưới huyện thì đủ các làng nghề, kho xưởng, bến bãi, cụm công nghiệp với diễn biến phức tạp về công tác PCCC và CNCH. Do đó, có muôn hình vạn trạng các loại hình chữa cháy”, Trung tá Vũ Hoài Nam - Đội trưởng Đội CC và CNCH Khu vực số 4 mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Đem lửa mà thử “ vàng ròng” ... -0
Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thăm hỏi, động viên Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh đang điều trị tại bệnh viện do bị sặc khói khi tham gia chữa cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, ngày 28/8/2019.

Anh hồ hởi “khoe” rằng Đội có đến 7 loại xe chuyên dụng CC và CNCH hiện đại và đầy đủ thiết bị bảo hộ như quần áo chữa cháy, găng tay, mũ, ủng. Đặc biệt là bộ quần áo chữa cháy chịu được nhiệt độ lên đến 600 độ C. “Được trang bị số phương tiện chiến đấu đa dạng, nhiều chủng loại cũng đồng nghĩa với việc đương đầu với nhiều nhiệm vụ nặng nề. Vì thế, CBCS của Đội luôn giữ vững tinh thần chiến đấu cùng giặc lửa”, Trung tá Nam chia sẻ.

Đội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc thù ở những vụ cháy được coi là hy hữu chưa từng có. Điển hình là vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở quận Thanh Xuân năm 2019. Đối với lực lượng PCCC và CNCH Thủ đô, trong đó có Đội CC và CNCH Khu vực số 4, kí ức suốt 15 giờ 42 phút chiến đấu với giặc lửa vẫn nóng rực trong tâm trí.

Chiều muộn ngày 28/8/2019, đội CC và CNCH khu vực số 4 nhận được tin báo cháy. Oái oăm thay lại đúng giờ cao điểm, đường phố đông nghịt xe cộ, Công ty Rạng Đông lại nằm trong khu vực đông dân cư, đường bao xung quanh nhỏ khiến việc di chuyển, tiếp cận đám cháy gặp khó khăn. Khi đến hiện trường, lửa cháy rừng rực, khói bốc cao thiêu đốt một vùng diện tích 6.000 m2. Đội đã nhanh chóng cử một tổ phối hợp với Công an quận Thanh Xuân tiến hành trinh sát khu vực xảy ra cháy để tìm kiếm người bị nạn, nắm tổng quát tình hình vụ cháy, áp dụng chiến thuật CC và CNCH hợp lý nhất.

Khoảng 14.000 m2 nhà xưởng tại khu vực cháy có khả năng bị thiêu rụi, có đến 64 hộ gia đình và kho của Công ty Cổ phần Động Lực nằm sát vách với kho, xưởng của Công ty Rạng Đông có nguy cơ cháy lan. Một lượng lớn thủy ngân lỏng và Amal[1]gam trong kho có thể bốc cháy, bồn chứa gas 20 tấn chực chờ phát nổ. Nếu điều đó xảy ra thì sẽ là thảm họa, đồng thời đe dọa trực tiếp đến sự thành bại của công tác CC và CNCH.

Đem lửa mà thử “ vàng ròng” ... -0
Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 4 làm nhiệm vụ trong vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, ngày 19/7/2023.

Đội xác định đây là một trận đánh lớn, thực sự cân não và khẩn trương. Cho đến giờ, CBCS của Đội vẫn nhớ từng giai đoạn, từng mũi tấn công. Những gương mặt CBCS ám đầy khói bụi, những giọt mồ hôi màu đen rịn trên mặt; quần áo, tay chân lấm bẩn. Trong quá trình làm nhiệm vụ, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh và chiến sĩ Nguyễn Văn Huy bị sặc khói, được đồng đội phát hiện kịp thời và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, Thượng úy Mạnh lại tiếp tục quay lại hiện trường để chiến đấu cùng đồng đội.

Với tinh thần chiến đấu quả cảm, chuyên nghiệp, sử dụng chiến thuật chữa cháy hợp lý, lực lượng PCCC Thủ đô, trong đó có CBCS Đội Khu vực số 4 đã chặn đứng thảm họa, không để xảy ra thiệt hại về người, bảo vệ và cứu được nhiều tài sản có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Đến 10 giờ ngày 29/8/2019, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

“Ngăn chặn được thảm họa là nỗ lực của tập thể CBCS PCCC. Không chỉ thế, sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức CC và CNCH cho thấy sự quan tâm, đầu tư của thành phố Hà Nội và Bộ Công an về phương tiện, trang thiết bị của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô”, Đội tưởng Vũ Hoài Nam đúc kết lại.

Một nghìn lẻ một tình huống cứu hộ

15 giờ 37 phút, ngày 22/1/2023, tức mùng 1 Tết Nguyên đán, nhận được tin báo một cháu bé rơi từ tầng 11 chung cư 16B Nguyễn Thái Học (quận Hà Đông) xuống mái tôn tầng 2 của nhà dân, Đội CC và CNCH Khu vực số 4 nhanh chóng đến hiện trường, sử dụng các phương tiện chuyên dụng để cắt gỡ các cấu kiện xây dựng, nhanh chóng tiếp cận người bị nạn. Nhận thấy cháu bé còn tỉnh táo, bị thương phần chân, cánh tay, CBCS đã thực hiện sơ, cấp cứu ban đầu, nẹp cố định cổ, chân, tay nạn nhân, sau đó đưa lên cáng cứng, sử dụng xe CNCH đưa nạn nhân xuống vị trí an toàn và bàn giao cho lực lượng y tế. Cứu được cháu bé, anh em mừng lắm, coi đây là chiến công ngày đầu năm mới.

3 ngày sau, sáng 25/1, tức mùng 4 Tết, nhận được tin một phụ nữ leo lên cột điện cao thế cao 25m tại một con ngõ ở quận Hà Đông, Đội lập tức lên đường. “Khi đến nơi, người phụ nữ đang chót vót trên cột điện, mà cột điện lại trong ngõ nhỏ nên xe CNCH và xe thang không thể tiếp cận. Nạn nhân có dấu hiệu không tỉnh táo, tinh thần bị hoảng loạn, có thể rơi xuống đất bất cứ lúc nào.

Hàng loạt biện pháp CNCH nhanh chóng được triển khai: Liên hệ công ty điện lực cắt điện trên cột, chặt cây cối xung quanh để tiếp cận nạn nhân, đưa đệm hơi vào vị trí chân cột điện, yêu cầu giải tán đám đông để tránh cho nạn nhân bị hoảng hốt. Đơn vị đã phân công một mũi CNCH liên tục trấn an tinh thần người bị nạn nhằm đánh lạc hướng, đồng thời phân công 2 CBCS mang theo các phương tiện bảo hộ chuyên dụng leo lên cột điện tiếp cận và giải cứu nạn nhân. Sau 2 giờ, anh em đã tiếp cận và đưa nạn nhân xuống đất an toàn. “Vậy là anh em chúng tôi đã có một cái tết “thót tim”, Đội trưởng Nam dí dỏm tổng kết.

Đó chỉ là 2 trong nhiều vụ CNCH mà CBCS Đội Khu vực số 4 phải đối mặt. Mỗi vụ CNCH là một “cuộc chiến” không có trong kịch bản, thách thức sự mưu trí, dũng cảm của những người lính. 39 CBCS của Đội phần nhiều đã có gia đình, con nhỏ, nhiều người nhà xa đơn vị. Nhưng, tất cả những khó khăn đó sẽ không có trong “phần ghi chú”. Họ phải chủ động sắp xếp công việc cá nhân để bảo đảm thường trực CC và CNCH bất kể đêm ngày. Ở Đội, anh em đã quá quen với tiếng kẻng báo cháy vang lên dồn dập. Chỉ có 90 giây để khoác áo, đội mũ, đi ủng, lên xe và lao đi. Bởi họ biết, người dân vùng hỏa hoạn đang trông ngóng chiếc xe màu đỏ và sắc áo xanh sẫm mang hàng chữ Cảnh sát PCCC và CNCH vàng chói trên lưng.

“Chữa cháy phải mau lẹ, mà CNCH cũng phải khẩn trương. Ngay cả khi nhận nhiệm vụ CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất, cũng chỉ sau vài giờ đồng hồ nhận lệnh là lên đường”, Thượng úy Lê Quang Đạo chia sẻ. Anh là cán bộ của Đội tham gia đoàn công tác của Bộ Công an thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất ngày 6/2/2023 và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trăn trở về nhiệm vụ tuyên truyền

Là người trải qua nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực PCCC, Trung tá Vũ Hoài Nam rất tâm huyết với nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật về PCCC. Anh chia sẻ rằng những năm qua, việc tuyên truyền được thực hiện bằng mọi hình thức, ở khắp mọi nơi. Từ việc dán pa nô, áp phích trên xe bus, khu nhà cao tầng, cơ quan, trường học đến phát tờ rơi, dựng clip hướng dẫn kĩ năng phòng hỏa hoạn và thoát hiểm an toàn khi có cháy. Tất cả nhằm thay đổi từng chút một những thói quen của người dân.

Đem lửa mà thử “ vàng ròng” ... -0
Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 4 Vũ Hoài Nam giới thiệu mô hình luyện tập chữa cháy tại trụ sở.

Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 200 vụ cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội gây thiệt hại về người và tài sản. Điều đáng tiếc là có nhiều vụ cháy xuất phát từ những thói quen tưởng như vô hại của người dân. Một bộ ghế sôfa không dùng đến, thay vì bỏ đi thì nhiều nhà lại chất lên tầng thượng, nhà kho. Một chiếc điện thoại đang sạc, thay vì để xuống nền gạch, mặt kính thì thường để trên giường đệm. Để rồi, trong tình huống xấu, đó lại là mồi lửa bùng lên và cháy lan rất nhanh.

Có một thực tế đáng buồn là nhiều người chưa “mặn mà” với những kiến thức, kĩ năng PCCC. Họ vẫn coi việc cháy nổ là chuyện nhà ai đó chứ không phải nhà mình. Họ có thời gian để lướt Facebook, TikTok hàng giờ đồng hồ nhưng lại bỏ qua những video vài phút về PCCC. Nhiều người có thể mua “cả thế giới” nhưng lại quên mua mặt nạ phòng độc và bình chữa cháy phòng tình huống bất trắc. Để đến khi lửa bùng thì họ sẽ cuống quýt, loay hoay dập lửa mà quên bẵng việc gọi số 114 để báo cháy, làm vuột mất thời gian vàng CC và CNCH.

Dù được trang bị phương tiện đầy đủ, hiện đại đến đâu thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Sự mưu trí, dũng cảm là “phẩm chất vàng” của những người lính cứu hỏa. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm chữa cháy thì rất cần khả năng phán đoán, tinh thần cảnh giác cao độ để vừa dập được lửa, cứu được người, vừa tránh được thương vong cho bản thân. Song, để có thể lực tốt, thao tác mau lẹ, thành thục thì phải khổ luyện với tinh thần “đổ mồ hôi trên thao trường để chiến trường bớt đổ máu”. Bởi thế, ở Đội Khu vực số 4, không khí “luyện quân” luôn khẩn trương. Bể bơi ngoài trời to rộng để tập lặn, bơi; có cả mô hình container cháy để luyện tập leo trèo, khuân vác, cõng cáng, chữa cháy. Cả việc trấn an, thuyết phục đối tượng ở mọi tình huống cũng được coi là bài tập sống còn.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi