Thứ Tư, 4/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
"Mối đe dọa lớn nhất" đối với cuộc chiến chống đại dịch

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: "Tôi biết rằng trên toàn cầu hiện đang có rất nhiều mối quan tâm về biến thể Delta và WHO cũng lo ngại về nó". Theo ông, đây là biến thể có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay. 

Ông nói: "Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay. Biến thể này đã xuất hiện ít nhất 85 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang lây lan nhanh chóng trong các nhóm người chưa được tiêm chủng. Khi một số quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng bệnh, chúng tôi đã bắt đầu thấy sự lây lan gia tăng trở lại. Điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc số ca nhập viện nhiều hơn, tử vong nhiều hơn", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. 

Thực tế cho thấy, ở châu Âu, Delta dù được phát hiện ở Anh cách đây không lâu nhưng đã nổi trội hơn biến thể Alpha (B.1.1.7) được phát hiện đầu tiên tại nước này về tốc độ lây lan. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính đến đầu tháng 8, biến thể Delta có thể chiếm tới 70% số ca mắc COVID-19 mới tại "Lục địa già" và đến cuối tháng 8 sẽ là 90%. 

Biến thể Delta và Delta Plus đang là mối đe dọa lớn đối với cuộc chiến chống đại dịch.

Trước viễn cảnh này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi châu Âu thống nhất các biện pháp chống lại biến chủng mới. Biến thể Delta đã khiến ngành Du lịch Bồ Đào Nha vừa khởi sắc vào tháng trước lại quay trở lại tình trạng ảm đạm. Italy khuyến nghị người dân chỉ đi du lịch khi tiêm chủng đủ 2 liều vaccine. Nam Phi đối mặt với làn sóng thứ 3 với nhiều quy định hạn chế được nối lại; còn Israel đã phải quay trở về với "những chiếc khẩu trang" trước đây. Tại Nga, biến thể Delta cũng khiến số ca mắc và tử vong tăng mạnh; song cũng khiến người dân nước này đi tiêm chủng nhiều hơn, do tâm lý lo sợ. 

Tại Ấn Độ và Mỹ, xu hướng "kỳ thị vaccine" cũng đang bị đảo ngược. Theo kênh truyền hình CNN, người dân Mỹ đã thay đổi quan điểm khi thấy những người thân của họ qua đời vì COVID-19. Trong khi, người dân Ấn Độ đã bắt đầu chú ý tới tiêm chủng nhiều hơn, sau khi quốc gia Nam Á này trải qua thảm kịch COVID-19 mới đây. 

Liên quan đến diễn biến tình hình dịch bệnh, khu vực Đông Nam Á vẫn đang là một điểm nóng phức tạp. Indonesia có số ca mắc mới ở top đầu thế giới với hơn 20.000 ca mỗi ngày. Malaysia cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc khó được nới lỏng, nếu tình trạng lây lan không được cải thiện. Thái Lan cũng đã phải triển khai quân đội để kiểm soát việc cách ly ở một số điểm nóng.

Trong khi đó, một phiên bản mới và thay đổi một chút của biến thể Delta, được gọi là Delta Plus, đang bắt đầu lan rộng ở một số quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Ấn Độ. Chủng virus này được gọi là B.1.617.2.1 hoặc AY.1. Nó được ghi nhận lần đầu tiên bởi Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) vào ngày 11/6. Nhưng một số trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể virus này ở Anh đã được xác định vào ngày 26/4, cho thấy Delta Plus có thể đã xuất hiện và lây lan vào mùa xuân. 

Chính phủ Ấn Độ cho biết họ đã gửi thông tin biến thể mới lên Hệ thống Dữ liệu Toàn cầu và gửi các mẫu để kiểm tra bộ gien. Cho đến nay, khoảng 200 ca nhiễm Delta Plus đã được phát hiện ở 11 quốc gia và chỉ có một trường hợp tử vong được báo cáo ở Ấn Độ. Mỹ đã xác nhận số ca nhiễm Delta Plus cao nhất, với 83 ca tính đến ngày 16/6, theo Cơ quan Y tế Công cộng Anh. Ấn Độ đứng thứ hai với 48 trường hợp. trong đó một phụ nữ 80 tuổi đã tử vong vào ngày 25/6. Các ca nhiễm bắt đầu ở ba tiểu bang. sau đó đã lan rộng ra tổng cộng tám bang. 

Anh đã báo cáo 41 trường hợp tính đến ngày 16/6. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Anh, một số trường hợp đầu tiên mắc Delta Plus ở Anh là các ca tiếp xúc với những người đã đi hoặc quá cảnh qua Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước còn lại ghi nhận ca nhiễm Delta Plus còn có Canada, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Cơ quan giải trình tự bộ gien COVID-19 của Chính phủ Ấn Độ, biến thể Delta Plus có một số đặc điểm đáng lo ngại như tăng khả năng lây nhiễm, liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và khả năng làm giảm phản ứng kháng thể. Hiện vẫn chưa rõ đột biến có thể có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vaccine - nhưng Julian Tang, Giáo sư khoa học hô hấp tại Đại học Leicester, cảnh báo rằng nó có thể mang lại cho biến thể Delta Plus "những đặc tính kháng vaccine đáng kể". Hầu hết các loại vaccine COVID-19 được thiết kế để huấn luyện cơ thể nhận ra protein gai hoặc các bộ phận của nó - nơi tạo ra đột biến bổ sung của Delta Plus. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận điều gì và các chuyên gia đã bày tỏ sự thận trọng. 

Hôm 23/6, Chính phủ Ấn Độ cho biết vai trò của đột biến trong Delta Plus trong "khả năng thoát khỏi miễn dịch, mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc tăng khả năng lây truyền,v.v... đang được tiếp tục giám sát". "Loại virus này cũng đã được phân lập và nuôi cấy", Balram Bhargava, Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cho biết, "Chúng tôi sẽ có kết quả sau 7-10 ngày về việc liệu vaccine có hoạt động chống lại Delta Plus hay không".

Hiện tại, các chuyên gia chủ yếu cảnh báo công chúng và các chính phủ nên thận trọng nhưng bình tĩnh. Mặc dù đã được phát hiện ở 11 quốc gia nhưng số trường hợp nhiễm Delta Plus được ghi nhận còn thấp và cần thêm dữ liệu để xác định tốc độ lây lan thực tế. 

Ông Jacob John, Trưởng khoa Virus học lâm sàng tại Đại học Y khoa Christian của Ấn Độ cho biết: "Theo như tôi được biết, tốc độ lây lan của một biến thể không thể được đo lường bằng tần suất lây lan sớm. Không có thông tin rằng Delta Plus đang lây cho những người đã bị nhiễm trong làn sóng đầu tiên, những người đã được chủng ngừa hoặc những người bị nhiễm trong làn sóng thứ hai. Sự lây lan của Delta Plus phải được theo dõi để nắm rõ hơn".

Trước bức tranh dịch bệnh không mấy lạc quan ở nhiều khu vực trên thế giới, Iceland ngày 26/6 nổi lên là 1 điểm sáng tích cực khi nước này dỡ bỏ các hạn chế, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Quyết định được đưa ra khi Iceland có tới 88% dân số trên 16 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi