Thứ Bảy, 21/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thế giới lo đối phó với biến thể Delta của virus Sars-CoV-2

Nỗ lực kiềm chế dịch bị đe dọa

Ngày 25-6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nhiều nước hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định từ trước đến nay. Hiện biến thể này xuất hiện ở ít nhất 98 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm vaccine COVID-19. Ông cũng nhận định dịch bệnh đang gia tăng trở lại trên khắp thế giới là do các nước nới lỏng những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại ở nhiều nước, một phần là do biến thể Delta.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Nước Úc đang vật lộn với nhiều ổ dịch liên quan đến biến thể Delta. Cho tới nay, Úc đã ghi nhận hơn 30.000 ca mắc COVID-19, trong đó 910 người đã chết. Úc buộc phải áp dụng lại một loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 20 triệu dân, tương đương 80% dân số Úc. "Chúng tôi biết nguy cơ do COVID-19 gây ra và chúng tôi hiểu nhiều nước trên thế giới đang xem biến thể Delta là con quái vật mới nên không thể lơ là chút nào" - Thủ hiến bang Tây Úc Mark McGowan nói trong cuộc họp báo tối 28-6.

Trong khi đó, tại Nga, chính quyền cho rằng chính biến thể Delta và tiến độ tiêm chủng chậm chạp là nguyên nhân làm tăng số ca COVID-19 thời gian qua ở nước này. Ngày 28-6, Nga có 21.650 ca mắc mới trong 24 giờ, cao nhất kể từ tháng 1. Cũng trong 24 giờ đó, Nga có thêm 611 người chết vì COVID-19, trong đó Moscow có 124 ca. Theo trang Moscow Times, chính quyền thủ đô đã áp dụng lại làm việc từ xa. Kể từ 28-6, các doanh nghiệp ở Moscow phải đảm bảo chỉ 30% nhân viên đến công sở.

Ngay cả những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Anh, Mỹ cũng đang chật vật ứng phó với biến thể Delta. Các chuyên gia y tế Anh cho rằng đợt bùng dịch thứ ba hiện nay là do biến thể Delta. Họ cảnh báo kế hoạch mở cửa lại của chính phủ vào ngày 19-7 tới "có thể là quá sớm".

Theo Đài NDTV, Mỹ cũng đang tăng số ca mắc biến thể Delta. Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nhận định Delta đang là "mối đe dọa lớn nhất" đối với mục tiêu chống dịch ở nước này.

Các ca nhiễm biến thể Delta đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã coi Delta là "biến thể đáng lo ngại". Giới chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo Delta sẽ trở thành biến thể trội nhất ở Mỹ trong vài tuần tới.

Các nước tăng cường biện pháp ứng phó

Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt biến thể Delta dễ lây lan. Cho rằng biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci đã kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine COVID-19.

Tại Canada, giới chức y tế cho biết 75% người dân Canada phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp bảo vệ ở không gian trong nhà có thể được dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng nếu biến thể Delta trở thành dòng "chủ đạo" ở Canada, 80% dân số sẽ phải được tiêm chủng đầy đủ thì các biện pháp đó mới được dỡ bỏ, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa Thu.

Chính phủ Anh cảnh báo người dân về biến thể Delta.

Tại Nam Phi, Tổng thống Nam Phi dự kiến áp đặt các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn sau khi các nhà khoa học công bố phần lớn các ca nhiễm COVID-19 mới là do nhiễm biến thể Delta.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, nguy cơ lây nhiễm từ chủng Delta là từ "cao cho tới rất cao", đặc biệt với một số nhóm không tiêm vaccine. Trung tâm này ước tính tới cuối tháng 8, biến chủng Delta sẽ chiếm tới 90% trong tổng số các ca bệnh ở Liên minh châu Âu (EU, gồm 27 nước thành viên), và cảnh báo: "Việc triển khai tiêm vaccine mạnh mẽ là điều rất quan trọng".

Hiện nay Hà Lan đang mở rộng chương trình tiêm vaccine cho những người từ 12 tới 17 tuổi, nhằm ứng phó với mối lo về đợt bùng phát mới. Tại Hy Lạp, người trẻ được tặng 150 euro (hơn 4 triệu đồng) xem như "phần thưởng" nhằm khuyến khích họ tiêm liều đầu tiên.

Ở Rome (Ý), chính quyền cân nhắc phương án đưa xe tải ra bãi biển để tiêm cho người ở đây. Tại Ba Lan tuần trước lập chương trình "xổ số" tặng xe hơi cho người trưởng thành đã tiêm đủ các liều vaccine và trúng thưởng.

Tương tự, ở Bồ Đào Nha, chính quyền đang nới thêm giờ làm tại các trung tâm tiêm chủng, lập thêm phòng khám nhanh và đưa quân nhân vào hỗ trợ vận hành, cũng như giảm thời gian chờ giữa hai lần tiêm AstraZeneca, từ 12 tuần xuống còn 8 tuần. Bộ trưởng Nội các Bồ Đào Nha Mariana Vieirra da Silva nói: "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian".

Một trong những vấn đề lớn châu Âu đang đối mặt là sự kiên nhẫn chống dịch của người dân ở đây đang cạn dần. Ông Tiago Correia, Phó giáo sư tại Viện Vệ sinh và Y học nhiệt đới ở Lisbon (Bồ Đào Nha), nói về sự thiếu kiên nhẫn của công chúng, đặc biệt ở người trẻ: "Họ đang muốn quay lại cuộc sống bình thường nhanh hơn tiến độ của chương trình tiêm chủng hiện nay".

Vaccine có là giải pháp?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vaccine COVID-19 hiện nay có hiệu quả kém hơn một chút trong phòng ngừa biến thể Delta, nhưng vẫn cho thấy hiệu quả cao nếu tiêm đủ 2 liều.

Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cho thấy nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta.

Tổng giám đốc WHO Tedros cho biết, các nước giàu đang chia sẻ vaccine một cách quá chậm chạp với các nước thu nhập thấp để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta nguy hiểm. Ông Tedros cảnh báo tiến độ chậm chạp này đang làm đe dọa tới tính mạng của hàng triệu người.

Cảnh báo của ông Tedros được đưa ra sau khi Giáo sư Đại học Oxford (Anh) Dame Sarah Gilbert cảnh báo rằng, thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Bà Gilbert kêu gọi Chính phủ Anh thận trọng với kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và "cần phải cân bằng giữa đề xuất tiêm chủng cho trẻ em ở các nước thu nhập cao với việc tiêm chủng phần còn lại của thế giới vì chúng ta cần chặn đà lây toàn cầu của dịch bệnh". Chuyên gia này lo ngại việc virus tiếp tục bị lây lan bùng nổ sẽ gây ra sự xuất hiện của biến chủng mới và khiến việc chống dịch trở nên khó lường hơn.

Ông Tedros kêu gọi các lãnh đạo thế giới cần đảm bảo ít nhất 10% dân số tại toàn bộ các quốc gia nên được tiêm chủng trước khi tháng 9 kết thúc, để những người dễ bị tổn thương và nhân viên y tế được bảo vệ. Ông cảnh báo Delta không ngừng đột biến và vẫn đang lây lan ở cả quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và tiêm chủng thấp.

Theo Hãng thông tấn RIA, Viện Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V của Nga ngày 29-6 cho biết vaccine này đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng chống biến thể Delta.

Kết quả một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford thực hiện và công bố trên tạp chí Cell ngày 23-6 cho thấy vaccine COVID-19 của AstraZeneca và liên doanh Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) vẫn có hiệu quả chống lại hai biến thể là Delta và Kappa.

Cụ thể, vaccine Pfizer/BioNTech và AstraZeneca vẫn có hiệu quả bảo vệ người tiêm chủng cao tới hơn 90% để không phải nhập viện điều trị do nhiễm biến thể Delta. Qua đó, các nhà nghiên cứu khuyến khích các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để phòng dịch COVID-19.

CDC Mỹ cảnh báo sự đáng sợ của biến thể Delta.

Ngày 29-6, Công ty Moderna cho biết kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy những người được tiêm vaccine Moderna đều cho phản ứng kháng thể đối với tất cả biến chủng được thử nghiệm, kể cả biến chủng Delta.

Còn chuyên gia dịch tễ học cấp cao Trung Quốc Zhong Nanshan ngày 25-6 khẳng định các vaccine của Trung Quốc hiệu quả với biến thể Delta, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm để tạo miễn dịch cộng đồng. Cựu Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc Feng Zijian cho biết: "Trong đợt bùng phát dịch tại Quảng Đông, những trường hợp từng tiêm vaccine đều không bị nặng, trong khi tất cả các ca bệnh nặng đều là ca chưa được tiêm phòng". Tuy nhiên, theo ông Feng, hiện chưa có số liệu chính xác bao nhiêu người trong số này nhiễm biến thể Delta.

Vaccine vẫn được coi là biện pháp chống lại biến thể Delta hữu hiệu bên cạnh các yêu cầu giãn cách xã hội, hạn chế đi lại.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng Delta đang dần thay thế mọi loại biến chủng khác. Ví dụ, biến chủng này có thể chỉ mất 8 tuần để chiếm áp đảo so với biến chủng Alpha ở Anh và đang dần thay thế Beta ở Nam Phi.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi