Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
ASEAN và Trung Quốc mong muốn sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, từ ngày 1-3/10 vừa qua, tại Campuchia đã diễn ra cuộc họp lần thứ 37 Nhóm công tác chung ASEAN- Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tại cuộc họp này, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành trao đổi về tình hình biển Đông, việc thực hiện DOC và việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh việc thực hiện tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP.

“ASEAN và Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), sớm thông qua một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông thực chất hiệu lực và phù hợp với Luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cung cấp một số thông tin về tình hình lao động người Việt gặp khó khăn tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Người Phát ngôn cho biết: "Chúng tôi cũng đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo) và được biết là trong thời gian gần đây, Đại sứ quán có tiếp nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ, đưa về nước từ công dân Việt Nam từ CHDC Congo do có những vướng mắc với chủ sử dụng lao động trong vấn đề bố trí việc làm, sinh hoạt nợ lương hoặc trả lương".

Trước tình hình đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của CHDC Congo để cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan chức năng CHDC Congo bảo đảm đời sống cho người lao động Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã kết nối với cộng đồng người Việt tại CHDC Congo để tạo điều kiện lưu trú tạm thời cho công dân Việt Nam trong thời gian chờ giải quyết các vướng mắc, đồng thời cũng đã phát các khuyến cáo đến người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động đi làm việc tại CHDC Congo. Đến thời điểm này, tình hình đã ổn định và được cải thiện hơn.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Angola tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại làm việc với chủ sử dụng lao động để xứ lý các vấn đề phát sinh. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kịp thời có các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

"Một lần nữa, chúng tôi khuyến cáo công dân Việt Nam, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động ở nước ngoài, tránh bị lừa đảo hay bị môi giới lao động bất hợp pháp. Khi có vấn đề phát sinh, người lao động cần liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân", bà Hằng nhấn mạnh. 

Nguồn: Báo Công an nhân dân.

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi