Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ban hành luật để phát huy sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của Cảnh sát cơ động

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật CSCĐ. Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), việc nghiên cứu, xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của CSCĐ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới. Bày tỏ nhất trí với dự thảo luật và báo cáo thẩm tra, đại biểu cũng băn khoăn về nhiệm vụ của CSCĐ tại Điều 9. "Dự thảo luật quy định 7 nhóm nhiệm vụ của CSCĐ, trong đó, có những nhiệm vụ thực hiện biện pháp vũ trang để thực hiện, tuy nhiên dự thảo cần làm rõ điều kiện, trình tự thực hiện các nhiệm vụ này", nữ đại biểu nêu. Bà lấy dẫn chứng, thời gian qua, do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, người có thẩm quyền quyết định việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho CSCĐ nên nhiều trường hợp còn lúng túng, chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Điển hình như các vụ bạo loạn xảy ra tại Tây Nguyên (2001, 2004), Mường Nhé, Điện Biên (2011), Iachim, Kon Tum (tháng 7/2019).

ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, dự thảo luật quy định rõ căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định, nhất là đối với những nhiệm vụ ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân như: giải tán các vụ tập trung đông người, gây rối ANTT, bạo loạn, biểu tình trái pháp luật; nhiệm vụ bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bảo đảm ANTT...

Về hệ thống tổ chức, cơ cấu lực lượng, đại biểu tỉnh Hưng Yên tán thành quy định của Phương án 1 dự thảo luật, hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật CAND năm 2018. Bà lý giải, cơ cấu tổ chức không nên quy định cụ thể trong luật , vì có thể thay đổi trong thực tiễn; mặt khác, vừa qua Bộ Công an nói chung, Bộ Tư lệnh CSCĐ nói riêng đã tinh giảm đầu mối, nếu quy định trong luật sẽ gây biến động...

ĐBQH Trần Đình Chung (Đà Nẵng) cho rằng, những năm gần đây hoạt động chống phá, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, gây rối ANTT của các thế lực thù địch, phản động, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí "nóng" và các yếu tố an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong nhiều vụ việc "nóng", phức tạp về ANTT, trong tình huống đặc biệt như dịch bệnh vừa qua, lực lượng CSCĐ đã phát huy được vai trò rất lớn trong giải quyết, ổn định tình hình ở những giai đoạn cam go nhất, cần phải được sử dụng những biện pháp mạnh, quyết liệt.

"Việc ban hành luật thay thế cho pháp lệnh là cần thiết và quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc, phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của CSCĐ cũng như xác định rõ phạm vi hoạt động của lực lượng này. Vì hoạt động của lực lượng CSCĐ có tính chất đặc thù, tác động trực tiếp đến quyền công dân", đại biểu nhấn mạnh.

Về quy định CSCĐ được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm, ĐBQH Trần Đình Chung đề nghị nghiên cứu, bổ sung việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình đối với phương tiện giao thông, tàu biển, tàu lửa, máy bay vì thực tế ở các nước đã xảy ra khủng bố trên các phương tiện này...

Thống nhất cao với việc ban hành Luật CSCĐ, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) khẳng định, quy định vị trí, chức năng của CSCĐ như tại Điều 3 dự thảo luật là cần thiết, trong đó nhiệm vụ quyền hạn của CSCĐ được bố trí dành riêng một điều, có kế thừa, có sửa đổi, có bổ sung là phù hợp, qua đó phát huy vị trí, vai trò, đáp ứng yêu cầu tác chiến, cơ động nhanh của CSCĐ.

Nữ đại biểu cũng đồng tình việc bổ sung quyền của CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT.

"Việc bổ sung quyền này là cần thiết và chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn thực tiễn trong thời gian qua, đồng thời phù hợp trong trường hợp cấp bách để giải quyết vụ việc", bà nhấn mạnh.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi