Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chuyên gia chỉ cách nhận biết website giả mạo các công ty để lừa đảo

Theo Công an Thành phố Hà Nội, thời gian qua, nhiều cá nhân nhận được đường dẫn website, app giao dịch sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng trên mạng xã hội để giao dịch mua bán chứng khoán nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư, sau đó chiếm đoạt tiền.

Thủ đoạn của các đối tượng là hướng dẫn, đề nghị cá nhân truy cập vào các đường link lừa đảo để thực hiện các dịch vụ chuyển tiền nhiều ngân hàng. Khi cá nhân truy cập vào đường link sẽ mở ra giao diện giống với giao diện của tổ chức, các công ty chứng khoán để mua bán các mã chứng khoán.

Sau khi chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định, nhà đầu tư không rút được tiền từ tài khoản đã đăng kí trên giao diện giao dịch chứng khoán giả mạo.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, thời gian qua đã có không ít đối tượng lập website giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh và địa chỉ của doanh nghiệp khiếnngười tiêu dùng nhầm lẫn.

Về chế tài xử lý, điểm e, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp sẽ bị xử phạt theo Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với tổ chức, 5-10 triệu đồng với cá nhân.

Website giả mạo EVN.

Trường hợp giả mạo website nhằm mục đích đánh cắp quyền truy cập tài khoản, đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản thì tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại (nếu có).

Về những dấu hiệu của website lừa đảo, theo anh Phan Anh - Kỹ sư công nghệ thông tin cho biếttrước hết có thể nhận biết qua đường link dẫn độc hại/URL có dấu hiệu lạ. Mỗi cá nhân cần kiểm tra lại địa chỉ (URL) của website, nếu thấy thiếu thông tin và có lỗi chính tả, tên miền có tiền tố hoặc hậu tố sử dụng ký tự lạ; Tên miền phụ cố bắt chước tên miền của một trang web hợp pháp hoặc quá dài nhằm đánh lừa người dùng nhầm lẫn…thì tuyệt đối không nên nhấn vào.

Bên cạnh đó, một website chính thống thường có giao diện rất chuyên nghiệp, tương thích cho cả điện thoại, laptop hay máy tính bảng. Trang web sử dụng hình ảnh không đúng quy chuẩn là trang web không an toàn.

Ngoài ra, nội dung trang web, website lừa đảo không an toàn thường ghi thông tin đơn vị chủ quản không chính xác, không có nhiều thông tin, nội dung chứa nhiều lỗi chính tả, sử dụng những phương thức thanh toán khác thường. Đặc biệt những website này thường yêu cầu điền nhiều thông tin cá nhân của người dùng như địa chỉ nhà hay số CMT, tài khoản ngân hàng…

“Cách kiểm tra website lừa đảo chính xác và nhanh nhất là tra cứu thông tin doanh nghiệp để kiểm tra website, tuổi tên miền, thông tin đăng ký của website” - anh Phan Anh nhấn mạnh.

Khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng, cá nhân cần thu thập các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng. Sau đó tố giác hành vi lừa đảo này tới công an nơi cư trú để được giải quyết kịp thời.

Nguồn: Báo ANTĐ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi