Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là bước đột phá về tư duy quản lý

Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đánh giá dự thảo luật là bước đột phá về tư duy quản lý, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, điển hình nhất là trước đây khung giá đất Nhà nước áp đặt một mức theo chủ quan thì bây giờ xây dựng bảng giá theo trị thị trường, đây cũng chính là cái gốc để giải quyết mọi vướng mắc, bất bình đẳng, không đảm bảo lợi ích của người dân.

"Nếu chúng ta thực hiện đúng nguyên tắc này thì xoá bỏ phần lớn tham nhũng về đất đai hoặc khiếu kiện. Vì trước đây khung giá đất thấp, khi các cơ quan có thẩm quyền giao đất chuyển đất từ khu vực công sang khu vực tư thì đương nhiên áp mức giá thấp, sinh ra tham nhũng. Còn bây giờ chúng ta có bảng giá sát giá trị thị trường rồi thì không có chuyện cố tình sai phạm", đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Góp ý về vấn đề thu hồi đất, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường từ đến nay có 2 phương thức thu hồi: Nhà nước ra quyết định thu hồi; người sử dụng đất (chủ đầu tư, doanh nghiệp) có dự án đứng thoả thuận với người dân mua đất và Nhà nước ra quyết định công nhận. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn tồn tại 2 phương thức này, từ đó sẽ đặt ra một số vấn đề: Chúng ta để nhà đầu tư và người dân tự thoả thuận nghe chừng rất dân chủ, đảm bảo lợi ích của người dân, nhưng khi đặt cạnh nhau sẽ thấy bất cập, đây là dự án Nhà nước thu hồi vì an ninh quốc phòng, vì mục đích an ninh quốc gia thì giá đất bình thường; cạnh bên là dự án do nhà đầu tư tự thoả thuận thì "trả cao vọt lên", từ đó tạo sự bất bình đẳng.

"Về phía nhà đầu tư, khi người ta muốn nhanh người ta sẵn sàng trả cao lên, thậm chí có những nhà đầu tư có những cách vận động, bên ngoài nhận giá đất thấp nhưng bên trong lại trả giá cao", đại biểu phân tích.

Thứ hai, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, đất đai là sở hữu của toàn dân mà Nhà nước là đại diện để thực hiện quyền quản lý. Khi chuyển đất đai từ người này sang người khác, tại sao Nhà nước không thực hiện quyền đó mà cho chủ đầu tư tự thoả thuận? Cho tự thoả thuận là tự bỏ đi quyền của Nhà nước.

"Thứ ba, nguy hiểm hơn sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người dân đang sử dụng đất và chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng. Ví dụ, tôi đang sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch vùng là đất ở nhưng tôi không được quyền chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, trong khi một doanh nghiệp đến mua đất của tôi, gom được mảnh đất lại được chuyển đổi thành đất ở thì đương nhiên xảy ra việc khiếu kiện", đại biểu dẫn chứng.

Từ đó, đại biểu đề nghị, tất cả đất đai thuộc diện Nhà nước quyết định có dự án đầu tư (kể cả vì an ninh quốc phòng, vì lợi ích công cộng như khách sạn, trung tâm thương mại...) thì đều phải đưa vào Nhà nước đứng ra thu hồi. Chỉ cho tự thoả thuận trong trường hợp nhiều người dân góp chung vốn, hoặc tự chuyển dịch, điều chỉnh đất đai...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính.

Đề cập thực tiễn công tác xét xử của ngành toà án với 90% giải quyết khiếu nại hành chính liên quan đến đất đai, 50% các vụ tranh chấp dân sự liên quan đất đai và nhiều vụ án hình sự lớn cũng liên quan đến đất đai, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện về đất đai là cơ chế về giá, cơ chế bồi thường và cơ chế quản lý.

Về giá, có nhiều vấn đề bất cập, như quy định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp, chưa đầy đủ, còn chồng chéo, mâu thuẫn; quy định giá bồi thường đất quá thấp, không phù hợp thực tiễn, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai. Chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù quá thấp, khi chúng ta thu hồi giá quá thấp nhưng khi chuyển nhượng dự án bán được cả trăm triệu, dân rất bức xúc, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.

"Cùng với đó, chênh lệch về giá đất giữa thành phố, nông thôn; chênh lệch giữa thành phố và các tỉnh lân cận, dẫn đến khiếu kiện kéo dài; chênh lệch giữa giá bồi thường giữa thành thị và nông thôn quá cao...", đại biểu đề cập.

Một nguyên nhân khác là chưa có cơ chế quản lý thích hợp, phù hợp, chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức thu hồi đối với đất đai. Ví dụ có địa phương thu hồi đất của nông dân, ra thông báo, có thời gian, quy trình thu hồi, tuy nhiên còn có nơi thông báo xong cưỡng chế ngay, dẫn đến nhận thức của người dân chưa cao, gây bức xúc, tranh chấp khiếu kiện hàng năm kéo dài.

Việc cấp, thu hồi sổ đỏ còn nhiều bất cập. Có những chỗ diện tích gần cạnh, kề nhau mà có nhà thì được cấp sổ đỏ, có nhà không được cấp sổ đỏ. Việc cấp, thu hồi sổ đỏ chưa chuẩn, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, nếu chúng ta không có cơ chế hợp lý sẽ khiếu kiện kéo dài liên tục.

Góp ý vào khoản 2, Điều 97, Chương 7 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất "phải đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở", ĐBQH Nguyễn Hữu Chính cho rằng điều này hết sức khó.

"Nếu chúng ta làm đúng nguyên tắc này thì dân sung sướng vô cùng. Nhưng thực tế không được, bởi lẽ nhu cầu người dân rất cao, diện tích phải lớn hơn diện tích đền bù, rồi có sinh kế, thu nhập... Trong khi tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá bằng hoặc hơn rất khó. Viết như này về lý thuyết tất cả người dân đồng ý, nhưng chúng ta không làm được thì khiếu kiện đất đai kéo dài", đại biểu lý giải và đề nghị nên sửa thành, đảm bảo điều kiện phù hợp, thoả đáng.

Nguồn:  Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi