Thứ Năm, 2/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giải quyết mọi vướng mắc về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Theo Tờ trình, Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) gồm 8 chương và 57 điều. Tại thời điểm Luật GDĐT năm 2005 được ban hành, do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu là do công nghệ chưa sẵn sàng nên một số loại giao dịch bị loại khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này (bao gồm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác).

Việc loại trừ này làm hạn chế việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.

Về chữ ký điện tử, Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng chính phủ và chữ ký số công cộng.

Luật GDĐT (sửa đổi) giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý.

Quang cảnh phiên họp.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) còn quy định về dịch vụ tin cậy, trong đó ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử và dịch vụ cấp dấu thời gian đã có, dự thảo Luật bổ sung thêm dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.

Với sửa đổi này, Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành dịch vụ chứng thực, xác thực đảm bảo giá trị pháp lý, tính chính xác, không thể chối bỏ về thời điểm giao dịch, chứng từ giao dịch, hợp đồng điện tử...

Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) bổ sung thêm quy định về hợp đồng được ký kết thông qua hệ thống thông tin tự động theo hướng:

Hợp đồng được giao kết hoặc thực hiện giữa chủ quản hoặc bên sử dụng hệ thống thông tin tự động với một người hoặc giữa các chủ quản hoặc các bên sử dụng hệ thống thông tin tự động với nhau thông qua sự tương tác giữa hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý;

Hợp đồng được giao kết hoặc thực hiện thông qua sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với một người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay hợp đồng được giao kết.

Với những sửa đổi như trên, Luật GDĐT (sửa đổi) cơ bản sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, bảo đảm triển khai giao dịch hợp đồng điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên môi trường mạng.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về chứng thư điện tử, quy định pháp luật hiện hành về giao dịch điện tử mở ra nhiều cơ hội cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử (giao dịch tài khoản thanh toán, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ…). Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo Luật thì các tổ chức tín dụng phải gia tăng chi phí, tăng thời gian vận hành khi cung cấp chứng thực điện tử chữ ký số theo yêu cầu.

Với chữ ký điện tử, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử để người dân và cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay, không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.

Nguồn: Báo ANTĐ

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi