Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Niềm tin vào chuyển đổi số

Sau khoảng 5 năm, thuật ngữ chuyển đổi số (Digital transformation) được nhắc đến tại Việt Nam, cho đến thời điểm này, người dân đã và đang được sử dụng và nhận thức khá đầy đủ về tiện ích của điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data) trong lưu trữ thông tin, chia sẻ, kết nối. Nhưng từ một cuộc cách mạng về công nghệ đến cuộc cách mạng về suy nghĩ, ý thức lại đòi hỏi một quá trình nhận thức để thấu hiểu, vận dụng, phân tích. Từ đó mới tạo ra một giá trị văn hóa mới.

Các đại biểu bấm nút triển khai ứng dụng iMuseum tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuộc cách mạng 4.0 (Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013, nó đang cho thấy diện mạo rõ nét hơn thông qua các con số cụ thể. Trong lĩnh vực kĩ thuật là tỷ lệ sử dụng robot ở các nước trong khu vực như Singapore 488 robot/10.000 công nhân, Thái Lan là 45 robot/10.000 công nhân, Malaysia là 34 robot/10.000 công nhân…

Trong lĩnh vực y tế, các bệnh viện ở Việt Nam như Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình dân (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S (Cần Thơ)… đã sử dụng hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật, can thiệp tim mạch trong điều trị. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chuyển đổi số cũng là một yêu cầu thiết yếu đối với các nhà quản lý, người sáng tác, biểu diễn… Từ năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã đi tiên phong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là một trang mới mở ra với những người yêu nghệ thuật, giúp họ  vượt qua được những trở ngại về địa lý, sự eo hẹp về thời gian trong xã hội công nghiệp để tiếp cận những tác phẩm đỉnh cao. Nói về điều này, đại diện Công ty CP Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (Vinmas), bà Cai Thái Hoàng Uyên chia sẻ: "Điểm đặc biệt nhất của ứng dụng đó là từ bất kỳ đâu trên thế giới, tại bất kỳ thời gian nào, chỉ cần với một chiếc điện thoại di động kết nối Internet, du khách có thể thưởng thức hình ảnh chất lượng cao về tác phẩm, được nghe âm thanh sống động giới thiệu về tác phẩm bằng 8 thứ tiếng khác nhau. Quý khách cũng có thể chậm rãi đọc những dòng text giới thiệu về tác giả, bối cảnh ra đời và giá trị nghệ thuật của tác phẩm...".

Nhưng chuyển đổi số không chỉ đem lại những lợi ích trước mắt về sự thuận tiện mà còn có khả năng dự báo, tạo ra nếp sinh hoạt mới, giảm thiểu những lo âu, rủi ro cho con người. Hay nói cách khác, nó sẽ tạo ra tư duy số như định nghĩa của Ths.Phan Y Lan (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội): "Chuyển đổi số lẽ dĩ nhiên phải gắn với tư duy số. Không những số hóa quy trình, thao tác mà còn phải số hóa cả tư duy. Một trong những lợi ích của việc chuyển đổi số là khả năng theo dõi và phân tích dữ liệu. Việc quyết định mọi việc dựa trên dữ liệu còn giúp doanh nghiệp hiểu hơn nhu cầu khách hàng, từ đó tạo ra những phản hồi và cải thiện kịp thời, phù hợp, linh hoạt hơn".

Thay vì những nỗi lo mang tên sai lệch thông tin trên giấy khai sinh, hộ khẩu, bị thiếu sót trong quá trình phổ cập cho cấp tiểu học, thiếu lớp, thiếu trường ở các cấp học hay phụ huynh bốc thăm để con được vào học mầm non… Sau khi chuyển đổi số, mỗi em bé sinh ra sẽ được cấp một mã định danh duy nhất. Từ đó, các nhà quản lý dự đoán được lượng vacine cần tiêm chủng, trường lớp, mật độ dân số, giao thông và các nhu cầu khác…

Chuyển đổi số có tạo văn hóa số hay không lại là câu chuyện dường như mới bắt đầu. Có thể khái quát thành ba điểm cơ bản: Quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và cách hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số mà có thể chung quy lại là văn hóa số.

Văn hóa số sẽ dần được hình thành trên nền tảng của chuyển đổi số.

Đi tìm một từ khóa "văn hóa số" trên google không hề khó nhưng có được một định nghĩa cần những chủ điểm. Trên tinh thần đó, ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT đã có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội". Trong đó, ở "Điều 4. Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân" có những điểm cho thấy chúng ta vẫn tiếp tục kế thừa những chuẩn mực đạo đức và pháp luật của truyền thống dân tộc.

Cụ thể như: "Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội"; "Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy"; "không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo"; "sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép..."…

Nói cách khác, trên hệ sinh thái số vẫn cần có những chuẩn mực đạo đức mà ông bà ta từng nhắc đến trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao trước đây và đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ.

Theo một con số thống kê, "Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng mạng xã hội nói chung. Với số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 57% dân số…".

Như vậy, hiện nay có đến quá nửa dân số là cư dân của hệ sinh thái số, đang chia sẻ thông tin, tương tác và trực tiếp tạo ra môi trường sống trên nền tảng số. Nếu với các doanh nghiệp, ngành nghề, chuyển đổi số đang và sẽ là sự lựa chọn thì với lĩnh vực đời sống tinh thần, chúng ta đã thực hiện cuộc chuyển đổi từ những lá thư viết tay, từ các cuộc điện thoại hay việc trực tiếp thăm nom, đối thoại sang các hình thức chat, bình luận, view từ khá lâu, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Thế nhưng, có điều đáng băn khoăn là lâu nay, mạng xã hội mới sôi động bởi những vụ việc về  thói xấu trong giao tiếp, ứng xử, chưa lan tỏa, chia sẻ được nhiều nét đẹp văn hóa.

Để tạo ra một văn hóa mới trên hệ sinh thái này, chúng ta không thể trông chờ vào sự thay đổi theo thời gian mà cần chủ động tạo nên những ứng xử đẹp từ chính những người của công chúng.

Trong một bài viết của tác giả Thiếu Anh đã trích nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam về chủ đề này: "Văn nghệ sĩ là những người được công chúng biết đến rộng rãi, chính vì thế những phát ngôn hay phong cách sống, ứng xử của họ luôn là điều mà nhiều người ngưỡng mộ, dõi theo, chịu ảnh hưởng cả ở những điều tốt và chưa tốt, tích cực và tiêu cực. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn mong muốn văn nghệ sĩ phải là những tấm gương tốt trong xã hội, để từ đó định hướng lối sống cho công chúng nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng. Vì vậy, chúng ta cũng luôn mong muốn văn nghệ sĩ phát ngôn phù hợp, hành vi chuẩn mực trên mạng xã hội".

Những tiêu chí "phát ngôn phù hợp, hành vi chuẩn mực trên mạng xã hội" mà nhà nghiên cứu văn hóa nhắc đến chính là những dường mối đầu tiên, là sự chuyển đổi, thích nghi của chính văn hóa ứng xử chứ không đơn thuần là nền tảng của tiện ích điện toán và dữ liệu.

Trong cuộc chuyển đổi về "văn hóa số" này, mỗi cư dân sẽ tham gia góp một phần giá trị, tạo nên những suy nghĩ, cảm nhận và giá trị tốt đẹp từ chính các tài khoản, các trang và phát ngôn của mình. Trong kinh doanh đó là thói quen tiếp thu các phản hồi, thích ứng môi trường làm việc mới; như cuộc vận động "Cuộc vận động 3 hơn" với các tiêu chí "Nhanh hơn - Hợp lý hơn - Thân thiện hơn" của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trẻ Sở Nội vụ TP Đà Nẵng; là sự hình thành tư duy số với mỗi người cũng như tổ chức, doanh nghiệp,

Chuyển đổi số là con đường tất yếu trong sự phát triển và đem lại niềm tin cho chúng ta.

Nguồn: Báo Công an nhân dân.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi