Thứ Bảy, 27/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phát huy giá trị cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa

Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại phát biểu tổng kết Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” tại Hà Nội, ngày 27/2.

Phiên toàn thể của hội thảo diễn ra với sự chủ trì của các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã cùng phân tích và khẳng định giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi, giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đề xuất nhiều giải pháp kế thừa, phát huy giá trị Đề cương trong bối cảnh mới.

Cần tiếp tục vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam -0
Phiên toàn thể của hội thảo.

Trình bày báo cáo trung tâm của hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), thể hiện tư duy, tầm nhìn, và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Về định hướng và giải pháp phát huy giá trị của Đề cương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương, kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa. Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Cần tiếp tục vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam -0
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội thảo.

Trình bày tham luận “Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam”, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, mà còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc, đó chính là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam.

Trong tham luận về phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Đề cương không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.

Trình bày tham luận "Vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa-con người Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng đồng hành với ngành văn hóa trong việc xây dựng các nền tảng số của văn hóa Việt Nam… Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay có một thực tế là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "sợ" làm về công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ thì "sợ" làm nội dung về văn hóa. Giải quyết “nút thắt” này, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành thông tin và truyền thông có thể hỗ trợ các nền tảng thể công nghệ số để chuyển đổi số ngành văn hóa, còn nội dung thì ngành Văn hóa tự đưa lên.

Cần tiếp tục vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam -0
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham luận tại hội thảo.

Giá trị của Đề cương và giải pháp phát huy giá trị Đề cương cũng được phân tích, làm rõ trong phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Trưởng phòng Văn hóa, văn nghệ, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS về ngoại giao văn hóa - điều phối Bùi Nguyên Bảo...

Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: Hội thảo cùng với thành quả nghiên cứu và những tư liệu lịch sử đã công bố, thêm một lần nữa chứng minh và khẳng định giá trị to lớn, toàn diện của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự ra đời của Đề cương đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc, trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng... Với những luận điểm khoa học và thuyết phục, Đề cương có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tầm thời đại, có vai trò là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hóa của Đảng.

Cần tiếp tục vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam -0
Tọa đàm bàn tròn tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc ta. Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu.

“Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi