Chủ Nhật, 28/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thông điệp mới trong chống tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Đại biểu Quốc hội dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa.

Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ, đảng viên phải giữ cho được phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống trong sạch, kỷ luật, kỷ cương. “Vừa rồi bắt một loạt vụ tưởng như không làm được. Hôm qua mới họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí cũng đã đưa bao nhiêu vụ rồi và sắp tới sẽ làm vụ nào thì đều đã được kể tên rồi. Không bí mật gì, khối anh sợ” - Tổng Bí thư cho biết.

Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức có sai phạm thì tự giác xin thôi việc, tự giác xin nộp lại tiền tham ô, tham nhũng sẽ được xem xét.

“Không phải xử nặng mới là tốt, cách chức hết cả mới là tốt. Vừa rồi mấy đồng chí Trung ương xin thôi, tức là phạm sai lầm rồi tự giác xin thôi công tác. Đây là cái mới, rất nhân văn” - Tổng Bí thư nêu ví dụ, đồng thời lưu ý, nếu người nào còn ngoan cố thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Nhấn mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh nội bộ, trong chính chúng ta, trong mỗi con người, Tổng Bí thư nêu rõ, vì khó nên phải làm kiên trì, bền bỉ, nhân văn, nhân đạo. Đồng thời khuyến khích ai đã trót nhúng chàm rồi mà chủ động “rửa tay” thì sẽ được xử lý nhẹ hơn.

Với một số vụ có người trốn đi nước ngoài, theo Tổng Bí thư, trốn đi nước ngoài thì thực hiện các biện pháp để bắt về nước rồi xử lý, trường hợp đã thực hiện các biện pháp mà không có kết quả thì xử vắng mặt. Luật pháp của chúng ta cho phép xử vắng mặt, trốn cũng không được, trốn đi vẫn có quyền xử vắng mặt, tuyên bố công khai. “Phải phòng chống tham nhũng quyết liệt, nếu không hư hỏng bộ máy, làm mất chế độ của chúng ta” - Tổng Bí thư nêu rõ.

Trước đó, kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật.

Cùng với xử lý nghiêm sai phạm phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 ủy viên Trung ương Đảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, UBND tỉnh.

“Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm nản chí, chùn bước, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi và “Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm””- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Những quan điểm chỉ đạo trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giải đáp rõ nhiều vấn đề dư luận đặt ra gần đây, khẳng định thông điệp mới trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Đó là gần đây, khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, đã xuất hiện những quan điểm cho rằng, xử lý mạnh tay thì hết cán bộ, lấy ai làm việc, đồng thời cảnh báo “nhóm lò mạnh” sẽ gây bất ổn xã hội (!?). Từ đó, những ý kiến này đề nghị nên dừng lại công cuộc “nhóm củi, đốt lò”, dành thời gian để phát triển kinh tế, xã hội; cổ súy quan điểm không xử hình sự mà chỉ cần xử lý hành chính, nhẹ hơn thì nhắc nhở, răn đe là đủ!

Có ý kiến lại đặt vấn đề “vì sao bắt nhiều, xử nhiều mà tham nhũng vẫn phức tạp”, có ý kiến “khuyên” nên phó mặc vì “bắt sâu này lại có sâu khác”! Trong khi đó, với việc có hiện tượng trong một số vụ án lớn, bị can bỏ trốn ra nước ngoài nhưng sau thời gian dài truy nã chưa có kết quả, đã xuất hiện luồng quan điểm “phải chăng trốn đi sẽ thoát”, “trốn ra nước ngoài thì vụ án sẽ chìm”! Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến đặt nghi vấn đằng sau sự bỏ trốn của bị can, từ đó suy diễn lệch lạc, sai trái về quan điểm, chủ trương của chúng ta trong xử lý các vụ án tham nhũng lớn.

Thực tiễn việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy, quan điểm trong xử lý án tham nhũng là khách quan, công minh, kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Đây là thông điệp mới, thể hiện sự xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, xóa bỏ những nghi ngờ, những luồng thông tin sai lệch rằng “trốn là thoát”, khiến vụ án bị đình trệ, “chìm xuồng”!

Thông điệp này cũng khẳng định rõ, càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu cho rằng “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, gây nhiễu và làm nhụt chí những người khác…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi