Thứ Sáu, 27/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19

Tại các tỉnh, thành vùng châu thổ Cửu Long những ngày qua số F0 tăng nhanh. Tại TP Cần Thơ, trung bình mỗi ngày ghi nhận 1.000 ca F0, Đồng Tháp khoảng 600 ca, Vĩnh Long 400 ca, Bạc Liêu trên 500 ca... Các địa phương đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và triển khai việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

TP Cần Thơ đã tiêm gần 1,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ người tiêm mũi 1 đạt 82% và tiêm đủ 2 mũi đạt hơn 69,2%. Trong đó, người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi đạt hơn 91%, người trên 50 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi, đạt hơn 73% và trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt hơn 90%. TP Cần Thơ đang quản lý, điều trị tại nhà 12.000 F0 và hơn 3.000 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Ngành Y tế đã phân tầng điều trị. Tầng 1, quản lý và điều trị F0 tại nhà do Trạm Y tế lưu động và Trạm Y tế thực hiện. Tầng 2 điều trị F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc F0 đang quản lý tại nhà có diễn biến bệnh vượt khả năng chuyên môn của Trạm Y tế. Tầng 3 điều trị F0 mức độ nặng, nguy kịch.

mientay1.jpg -0
Các tỉnh, thành vùng châu thổ Cửu Long đang đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ đã biên soạn sổ tay hướng dẫn F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ tự theo dõi bằng phương pháp y học cổ truyền dành cho những người đang điều trị tại nhà. TP Cần Thơ đã kích hoạt hoạt động của 83 Trạm Y tế lưu động, thành lập thêm 62 đội y tế lưu động hỗ trợ (gồm bác sĩ và sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ); phân bổ 10.530 túi thuốc A (gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bổ sung vitamin và khẩu trang), 6.930 gói thuốc B và 980 túi thuốc Đông Tây y kết hợp cho các Trạm Y tế để phục vụ, điều trị F0 tại nhà.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 phối hợp tổ công tác Bộ Y tế hướng dẫn chuyển giao một số phần mềm điều trị F0 tại nhà, F0 chuyển tầng. TP Cần Thơ đã làm việc với 3 đầu mối sản xuất, cung ứng oxy và đã chuẩn bị 2.000 vỏ bình oxy dự phòng hỗ trợ cho điều trị F0 tại nhà. Về điều trị tầng 2 và tầng 3, TP Cần Thơ đã làm việc Quân khu 9, Bệnh viện Quân y 121 hỗ trợ điều trị. Bệnh viện Quân y 121 đã thống nhất, đang hoàn thiện 50 giường điều trị tầng 3. Đồng thời triển khai Bệnh viện Dã chiến số 6 ở Trung đoàn Bộ binh 932, với công suất điều trị 150 F0 tầng 2…

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị cần tập trung toàn lực, ưu tiên bảo vệ tính mạng nhân dân là trước hết, trên hết. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy theo sát, chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, giám sát công tác chống dịch tại các quận, huyện được phân công.

Tại An Giang, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, tỉnh đang triển khai thí điểm phần mềm quản lý, điều trị F0 (https://angiang.dieutrif0.vn) tại nhà trên địa bàn TP Long Xuyên và TP Châu Đốc. Đối với những F0 đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà đều được Trạm Y tế lưu động cấp các túi thuốc điều trị COVID-19. Ngoài ra, mỗi trạm đều trang bị sẵn các bình oxy, máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) để hỗ trợ kịp thời F0 khi chuyển biến bệnh. Nhờ vậy bước đầu việc điều trị F0 tại nhà cho thấy hiệu quả rất tốt, chỉ có số ít trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên nhưng cũng ở mức trung bình và giảm hẳn tình trạng lây nhiễm chéo nếu như đưa các F0 này vào trong khu cách ly tập trung. Đây cũng là cách làm hay, hiệu quả nhằm giảm "gánh nặng" cho cán bộ y tế phường trong công tác quản lý điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Nhờ phần mềm này bước đầu giảm tải cho cán bộ y tế địa phương.

Bác sĩ Hàng Quang Định, Trưởng trạm Y tế phường Mỹ Bình (TP Long Xuyên) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về F0 điều trị tại nhà, cán bộ y tế sẽ đến nhà nhập thông tin cá nhân F0 vào phần mềm, sau đó hướng dẫn F0 cài app trên điện thoại. Các F0 đăng nhập bằng số điện thoại cá nhân. "Qua phần mềm, hằng ngày chúng tôi biết chỉ số oxy trong máu của các F0, nhiệt độ cơ thể, bệnh nhân nào đến ngày test, tình trạng sức khỏe ra sao", bác sĩ Định nói.

Bà Vương Mai Trinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình (TP Long Xuyên) nhận định, khi điều trị F0 thể nhẹ tại nhà, quan trọng nhất là khâu khám sàng lọc ban đầu. Phường thành lập tổ đánh giá, sàng lọc ban đầu, gồm: lãnh đạo phường, cán bộ Trạm Y tế, Tổ COVID cộng đồng… Để F0 được cách ly điều trị tại nhà, cán bộ y tế tiến hành khám sàng lọc, các thành viên khác xem xét điều kiện cách ly, điều trị tại nhà, khi đảm bảo các điều kiện mới cho F0 cách ly điều trị tại nhà. Riêng các trường hợp F0 lớn tuổi, có bệnh nền phải chuyển ngay đến cơ sở y tế điều trị. Ngoài ra mỗi khu vực có 3 tổ tư vấn chăm sóc sức khỏe cho các F0 cách ly điều trị tại nhà. Riêng Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng, cán bộ y tế được phân công tại khu vực, theo dõi sát nồng độ oxy trong máu của F0 và nếu SpO2 dưới 90 thì báo ngay với Trung tâm Chỉ huy để chuyển viện cấp tốc, không xảy ra trường hợp F0 tử vong tại nhà.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết nguyên nhân số ca tử vong trên địa bàn tỉnh còn cao là do số người dân chủ quan không tiêm vaccine. Một số người lớn tuổi mắc bệnh nền cũng không dám tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều. Ngoài ra khâu sàng lọc ban đầu chưa chặt chẽ nên một số bệnh nhân đúng ra ở điều trị tầng 1, tầng 2 nhưng đẩy lên tầng 3, gây áp lực lớn việc điều trị. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân lớn tuổi, người mắc bệnh nền cần đến gặp bác sĩ tư vấn để được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tránh tình trạng nể nang cho F0 (do quen biết hay gia đình có điều kiện) lớn tuổi, mắc bệnh nền được cách ly, điều trị tại nhà. Nhưng khi các trường hợp này trở nặng, chuyển viện không kịp, có nguy cơ tử vong cao hơn các trường hợp khác.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đang tập trung xác định và ngăn chặn nguồn lây nhiễm COVID-19, sau khi số F0 tăng nhanh, trung bình mỗi ngày 600 ca. Đồng Tháp đang điều trị cho hơn 7.000 F0, trong đó hơn 2.000 F0 là điều trị tại nhà và 5.000 F0 điều trị tại các cơ sở y tế. Lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu chuẩn hóa quy trình điều trị F0 tại nhà, đảm bảo thống nhất trong toàn tỉnh và cung cấp túi thuốc kịp thời cho người bệnh, hạn chế ca bệnh chuyển nặng. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã tiêm hơn 2,1 triệu liều vaccine. Người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 là hơn 1,2 triệu liều (đạt 98,74% dân số) và tiêm đủ 2 mũi đạt là 920.674 liều (đạt 73,94% dân số). Đồng Tháp đã tiêm hơn 141.000 liều cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (đạt hơn 84% dân số). Trước mức độ phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương chủ động và linh hoạt hơn trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và đánh giá việc điều trị, theo dõi F0, F1 tại nhà, đề xuất nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả tại các địa phương.

Ngày 4/12, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Trung tâm phòng, chống COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với thời gian tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bắt đầu từ đầu tháng 1/2022. Theo kế hoạch của Trung tâm phòng, chống COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, thời gian dạy học trực tiếp đối với cấp THPT và tương đương, dự kiến cho học sinh đến trường từ ngày 4/1/2022; đối với cấp THCS và tương đương dự kiến từ ngày 10/1/2022; đối với cấp Tiểu học và trẻ mẫu giáo dự kiến từ ngày 14/2/2022; riêng đối với nhà trẻ vẫn tiếp tục tạm dừng cho đến khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát. Bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện người từ 12 đến 18 tuổi ở Sóc Trăng tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đạt gần 95% và tiêm mũi 2 đạt 26%; phấn đấu đến trước ngày 15/12, đạt trên 95% người từ 12-18 tiêm mũi 2…

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành công văn tổ chức thực hiện phương án quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện phương án quản lý, chăm sóc F0 tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng quy định, đồng thời xử lý nghiêm các cơ quan, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã dừng hoạt động 7 chốt cửa ngõ kiểm soát người, phương tiện ra, vào tỉnh. Từ 0h ngày 4/12, tỉnh Cà Mau còn một địa phương cấp độ 4 là thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước). Tỉnh có 29 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 3 (trong đó có 3 ấp, khóm áp dụng cấp độ 4) và 71 xã áp dụng cấp độ 2, không có xã cấp độ 1.

Nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi