Thứ Sáu, 27/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công nghệ mRNA đang đến châu Á

Rộng đường sản xuất vaccine

Công bố này được WHO đưa ra trong họp báo ngày 23-2 tại Geneva (Thụy Sĩ). Tại họp báo, WHO và Hàn Quốc cũng thông báo việc thành lập Trung tâm đào tạo sản xuất sinh phẩm tại Hàn Quốc với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và sự phối hợp của Học viện WHO (trụ sở tại Lyon, Pháp) nhằm tổ chức đào tạo chuyên môn cho các nước thu nhập thấp và trung bình muốn sản xuất sinh phẩm, chẳng hạn như vaccine, insulin, kháng thể đơn dòng và các phương pháp điều trị ung thư.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Một trong những rào cản chủ yếu đối với chuyển giao công nghệ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao và hệ thống quản lý yếu kém. Xây dựng những kỹ năng đó sẽ đảm bảo rằng họ có thể sản xuất các sản phẩm y tế mà họ cần với tiêu chuẩn chất lượng tốt".

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tham dự và phát biểu trực tuyến, nhấn mạnh rằng: “Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua. Hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận. Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia sáng kiến này, Việt Nam có thể sản xuất vaccine mRNA trên quy mô lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine”.

Việc WHO thúc đẩy tạo ra và phổ biến công nghệ mRNA mới là một phần trong nỗ lực của tổ chức này nhằm khắc phục sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine COVID-19 trong thời kỳ đại dịch. Sự bất bình đẳng này phần lớn là kết quả của những hạn chế trong sản xuất. Thứ nhất, các nước giàu có nguồn cung hạn chế, đó là lý do tại sao mới chỉ 17% người châu Phi nhận được liều thuốc đầu tiên. Thêm nữa, các công ty dược phẩm từ chối chia sẻ công nghệ của họ và châu Âu từ chối bắt buộc làm vậy nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn ủng hộ nỗ lực của WHO trong việc kích thích sản xuất thông qua các chương trình như chương trình chuyển giao công nghệ mRNA này. 

Được biết, Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại thành phố Cape Town, Nam Phi vào tháng 6-2021 theo sáng kiến WHO, trên cơ sở quan hệ đối tác giữa WHO với công ty Afrigen của Nam Phi, các đối tác Nam Phi và các đối tác quốc tế, trong đó có Tổ hợp Bằng sáng chế Thuốc (MPP - tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc thúc đẩy chuyển giao công nghệ y tế miễn phí).

image1170x530cropped.jpg -0
Nhân viên phòng thí nghiệm tại Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA ở Nam Phi                                    Ảnh: MPP/WHO.

Một loại vaccine phòng ngừa nhiều bệnh?

Công nghệ vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến để sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả cao như vaccine của Moderna, Pfizer ngừa COVID-19; cho phép cập nhật với các biến chủng mới và sản xuất với số lượng lớn, do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống COVID-19 mà còn giúp chủ động ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh khác trong tương lai.

Theo WHO, vaccine mRNA chỉ mới được cung cấp rộng rãi cho người dân trên thế giới khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu và thử nghiệm vaccine mRNA trong nhiều thập kỷ qua. Cụ thể, vaccine mRNA đã được nghiên cứu trước đây cho bệnh cúm, sốt Zika, bệnh dại và virus cytomegalo (CMV).

Ngay khi có sẵn các thông tin cần thiết về virus gây bệnh COVID-19, các nhà khoa học đã bắt đầu thiết kế các hướng dẫn mRNA để tế bào tạo dựng protein tăng đột biến duy nhất vào trong vaccine mRNA. Cơ chế hoạt động của vaccine mRNA hoàn toàn khác biệt. Cụ thể, để kích hoạt phản ứng miễn dịch, nhiều vaccine đã đưa mầm bệnh yếu hoặc bất hoạt vào cơ thể.

Nhưng vaccine mRNA không hoạt động như vậy mà nó được tạo ra trong phòng thí nghiệm để dạy các tế bào cách tạo ra protein hoặc thậm chí chỉ là một mảnh protein rồi kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ cơ thể không nhiễm bệnh nếu có virus thực sự xâm nhập.

Giống như tất cả các loại vaccine, vaccine mRNA mang lại lợi ích cho người được tiêm chủng bằng cách cung cấp khả năng bảo vệ chống các loại bệnh như COVID-19 mà không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi mắc bệnh. Chẳng hạn vaccine mRNA chống COVID-19 sau khi được tiêm ở bắp tay trên, sẽ xâm nhập vào các tế bào cơ và sử dụng cơ chế của tế bào để sản sinh ra mảnh vô hại của protein gai.

Protein gai này được tìm thấy trên bề mặt virus gây ra bệnh COVID-19. Sau khi sản sinh mảnh protein, các tế bào của chúng ta sẽ phá vỡ và loại bỏ mRNA. Tiếp theo, các tế bào thể hiện protein gai trên bề mặt của chúng. Hệ miễn dịch của con người nhận ra rằng protein này không thuộc về chỗ đó và sản sinh ra các kháng thể và kích hoạt các tế bào miễn dịch khác để chống lại tình trạng mà hệ miễn dịch gọi là bị nhiễm bệnh. Vào cuối quá trình này, cơ thể chúng ta sẽ học được cách bảo vệ để chống lại việc nhiễm bệnh sau này do virus gây ra.

Đặc biệt, công nghệ vaccine mRNA tương lai có thể cho phép để một loại vaccine cung cấp khả năng bảo vệ đối với nhiều loại bệnh, nhờ đó giảm thiểu số mũi tiêm cần thiết để bảo vệ chống lại các bệnh thông thường có thể ngăn ngừa bằng vaccine. Ngoài ra, nghiên cứu về ung thư đã sử dụng mRNA để kích hoạt hệ miễn dịch để nhắm tới các tế bào ung thư cụ thể.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi