Thứ Sáu, 27/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hà Nội vượt mốc 1.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, y tế đáp ứng ra sao?

Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 13/12, Hà Nội ghi nhận 1.000 ca mắc COVID-19, cao nhất cả nước. Số ca mắc cộng đồng của Hà Nội liên tục tăng cao, ngày 14/12, Thủ đô ghi nhận 900 F0, trong đó có 315 ca cộng đồng.

Hà Nội hiện đang điều trị cho gần 10.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có hơn 3.500 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà... Người dân lo lắng việc cách ly, điều trị tại nhà được chăm sóc y tế ra sao?

1.jpg -0
Khu vực khám sàng lọc, thu dung F0 của Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bệnh nhân nặng tăng lên

Trong 1 tuần qua (từ ngày 6-14/12), Hà Nội đã phát hiện thêm 6.200 ca COVID-19, với trung bình mỗi ngày khoảng 750 ca mắc mới. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 13/12, Hà Nội đang điều trị cho 9.463 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà (chiếm hơn 35%). Số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện trực thuộc Hà Nội, bệnh viện trung ương.

Đến thời điểm này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho Hà Nội hơn 60 ca F0. BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện bệnh viện có hơn 100 F0 tổn thương phổi nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy dòng cao (HFNC) tới thở máy, ECMO. Mới đây, Bộ Y tế đã giao bệnh viện triển khai 500 giường hồi sức tích cực (ICU) nhằm đáp ứng số F0 nặng đang tăng cao tại miền Bắc. Bệnh viện đang nỗ lực cải tạo hạ tầng và bổ sung trang thiết bị, sắp xếp nhân lực để sẵn sàng cho phương án này.

Theo BS Cấp, bệnh viện đã có sẵn khoảng 100 máy thở, khi nâng công suất lên 500 giường ICU, hiện cần bổ sung thêm máy thở, máy lọc máu, monitor theo dõi bệnh nhân, máy ECMO và các thiết bị khác.

Hiện nay, các bệnh viện tầng 3 của Hà Nội như Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Sơn Tây, Phụ sản Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch. Theo các bệnh viện, số bệnh nhân nặng tăng hơn so với tháng 11, bởi số ca mắc tăng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các bác sĩ, tỷ lệ bệnh nhân nặng và bệnh nhân tử vong giảm mạnh so với thời kỳ chưa tiêm vaccine.

 TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Hiện bệnh viện đang điều trị cho 158 F0, có 21 bệnh nhân nặng (trong đó 7 trường hợp phải thở máy, lọc máu). Sở Y tế Hà Nội giao chỉ tiêu cho bệnh viện là 300 giường, trong đó có 250 giường hồi sức, với tình hình hiện tại, bệnh viện vẫn đáp ứng được. Bên cạnh đó, bệnh viện đã chuẩn bị nhân lực tham gia điều trị với khoảng 300 người, trong đó hơn 100 y, bác sĩ được đào tạo về hồi sức để hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng ở tầng 3. Để chuẩn bị sẵn sàng cho các ca bệnh nặng chuyển đến, bệnh viện đã có khoảng 20 chục khối oxy lỏng, 17.000m3 khí, máy thở, trang thiết bị, thuốc...

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên phòng, chống dịch COVID-19, có 120 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại tầng 2, 3 của bệnh viện. Trong số này, có khoảng 36 bệnh nhân nặng thuộc tầng 3 (từ mức độ thở oxy cho đến phải can thiệp máy thở), trong đó có 8 bệnh nhân phải thở máy. Đa số bệnh nhân nặng từ 80 - 90 tuổi, nhiều bệnh nền, chưa tiêm vaccine hoặc tiêm 1 mũi nên khi trở nặng rất khó khăn vì tuổi già và bệnh lý nền.

Hiện bệnh viện được tổ chức thành 3 vòng. Vòng lõi là lực lượng y, bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19. Vòng tiếp theo là các bác sĩ trưởng khoa sẽ phụ trách từng khu vực. Vòng ngoài, có tiểu ban chống dịch có thể kết nối hoặc giao ban trực tuyến, để khi bệnh nhân trở nặng sẽ có sự hội chẩn kịp thời, hoặc trong trường hợp cần thiết sẽ chuyển tuyến cho bệnh nhân…

“Chúng tôi điều phối nhân lực theo cấp độ bệnh nhân. Ví dụ mức độ 2 chúng tôi có khu vực riêng, số lượng bác sĩ, nhân lực điều trị đơn giản hơn nhiều. Nhưng bệnh nhận tầng 3 phải là bác sĩ, nhân lực hồi sức, do vậy nhân lực phải cần lớn. Vì chăm sóc bệnh nhân thở máy phải đòi hỏi có ca có kíp, đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng phải đào tạo hồi sức mới hỗ trợ được cho tầng 3”, BS Hường nêu.

Lập thêm trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà

Để đáp ứng tình hình dịch bệnh ở Thủ đô, ngoài các cơ sở thu dung và các bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội, có kế hoạch thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng. Tại quận Hai Bà Trưng, sắp đưa vào vận hành cơ sở thu dung và điều trị F0 thể nhẹ tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng (phường Đồng Tâm) với quy mô 250 giường. Cơ sở này do UBND quận vận hành. Khu vực thu dung F0 thể nhẹ này có các khu đón tiếp bệnh nhân, khu căng tin, khu làm việc của các y, bác sĩ với hệ thống camera giám sát cũng như hệ thống loa truyền thanh để theo dõi bệnh nhân. Quận Hai Bà Trưng qua rà soát, chưa tới 30% hộ gia đình đủ điều kiện thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà. Hiện quận đang có khoảng 50 F0 đang điều trị tại nhà.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, tối 13/12, Trung tâm giáo dục từ xa Nguyễn Văn Tố và trường tiểu học Quang Trung (số 9 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được trưng dụng để lắp ráp trạm y tế lưu động. Đồng thời, chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 trạm y tế lưu động Đồng Xuân, Hàng Thiếc. Những trạm này sẽ thu dung, khám, điều trị cho F0 không triệu chứng, F0 nhẹ; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng. Theo kế hoạch, quận Hoàn Kiếm có thể thành lập tới 38 trạm y tế lưu động.

Tại quận Tây Hồ, cũng đã tiếp nhận F0 thể nhẹ ở trạm y tế lưu động số 1 tại Nhà thi đấu quận (phường Xuân La) với quy mô 300 giường. Cơ sở thu dung không tiếp nhận các trường hợp F0 là phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.

Người dân hiện rất lo lắng vì có nhiều F0 chưa được tiếp cận với y tế ngay khi họ phát hiện dương tính. Theo phản ánh, có nhiều hộ gia đình đến nay chưa được khảo sát điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Có gia đình cả 4 người đều dương tính nhưng chưa được đến cơ sở y tế mà điều trị tại nhà vì triệu chứng nhẹ, tuy nhiên những người trong gia đình khá lo lắng vì không biết khi nào bệnh có thể diễn tiến nặng.

BS Nguyễn Thành Quân, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cho biết, nếu F0  điều trị tại nhà thấy các triệu chứng sau thì báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe cho gia đình để được xử trí kịp thời: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở khò khè khi hít vào; người lớn khi đếm nhịp thở trên 21 lần/phút, trẻ nhỏ từ 1- dưới 5 tuổi nhịp thở trên 40 lần/phút, trẻ từ 5- 12 tuổi có nhịp thở trên 30 lần/phút; chỉ số SpO2 của bệnh nhân dưới 95%, nếu có máy đo và đo chính xác; phát hiện bất thường cần đo lại lần 2 sau lần 1 từ 30 giây đến 1 phút; mạch trên 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút. Huyết áp tối đa dưới 90mm hoặc huyết áp tối thiểu dưới 60mm; đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu…

  • Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi