Cùng với đó là việc hỗ trợ các nước phân phối công bằng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), phương pháp xét nghiệm, điều trị, cũng như việc tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.
Trước những gì thế giới trải qua trong 10 ngày đầu tháng 7, cả ở những quốc gia tưởng chừng đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm của đại dịch”.
Thực tế đã chứng minh, sau 9 tháng kể từ khi xuất hiện trên bản đồ thế giới, virus SARS-CoV-2 cướp đi sinh mạng của 1 triệu người, song chỉ 3 tháng rưỡi sau, con số này là 2 triệu người. Trong 3 tháng tiếp đó, số ca tử vong tăng lên 3 triệu và thời gian để vượt mốc 4 triệu ca chỉ là 2 tháng rưỡi. Số ca nhiễm mới trong 1 tuần qua trên khắp thế giới đã tăng 10%, với mức trung bình hơn 450.000 ca mỗi ngày.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi giới chuyên gia và bản thân người đứng đầu WHO đều khẳng định con số thực tế thậm chí còn cao hơn nữa, đặc biệt ở các nước có tiềm lực kinh tế yếu. Hiện biến thể Delta đang tấn công dữ dội châu Á và châu Phi, 2 khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn ở mức tương đối thấp. Ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực châu Á cũng không tránh được sức “tàn phá” của biến thể Delta.
|
Chia sẻ công bằng và giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp thế giới vượt qua thời điểm nguy hiểm của đại dịch.
|
Nhật Bản phải áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ tư tại Thủ đô Tokyo tới cuối tháng 8, trong khi Hàn Quốc cũng quyết định nâng hạn chế ở Thủ đô Seoul và một số khu vực lân cận từ ngày 12/7. Đánh giá về tình hình dịch bệnh của các nước châu Á, chuyên gia Kim Woo-joo thuộc Bệnh viện Guro (Hàn Quốc) cho rằng: “Chúng ta đang trong cuộc đua ngăn chặn sự lây lan của các biến thể”.
Biến thể Delta cũng tấn công trực diện các nước châu Âu, Mỹ và Israel, những nơi “cuộc sống thường nhật” đang dần quay trở lại nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine hiệu quả. Số ca nhiễm mới ở châu Âu đang tăng dần, khép lại xu hướng giảm trong suốt 10 tuần.
Tiến sĩ Hans Kluge, người đứng đầu WHO khu vực châu Âu cảnh báo biến thể Delta đã "sẵn sàng chiếm ưu thế” tại 53 quốc gia “lục địa Già” vào tháng 8 tới. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng dự báo biến thể Delta sẽ chiếm tới 70% số ca mắc mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 8 và con số này còn có thể lên tới 90% ngay trong cuối tháng đó. Nhiều nước châu Âu phải hoãn các kế hoạch mở cửa hoàn toàn, nhiều nước như Pháp, Đức phải ban hành cảnh báo đi lại tới các nước đang bùng phát dịch trong EU, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 đã giảm mạnh từ mức đỉnh khoảng 250.000 ca/ngày xuống còn 11.000 ca/ngày vào giữa tháng 6 nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi. Tuy nhiên, con số này đã có xu hướng tăng cao trở lại trong 2 tuần qua. Giới chuyên gia cảnh báo hiện biến thể Delta đang là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Mỹ, thậm chí, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, thực tế “ở một số khu vực, cứ 2 người nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có 1 người nhiễm biến thể Delta”.
Tín hiệu đáng mừng là ở các nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao, như Anh, số ca nhiễm biến thể Delta dù tăng cao, song số người nhập viện lại tăng rất ít, đặc biệt những người đã được tiêm phòng nếu bị nhiễm cũng ở mức độ nhẹ. Theo nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE), những người tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca có khả năng bảo vệ lên đến 92% trong việc giảm số ca nhập viện do biến thể Delta và không có trường hợp tử vong nào xảy ra.
Tại Mỹ, thống kê cũng cho thấy số ca nhiễm biến thể Delta đều tập trung ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng dưới 40%. Chuyên gia Andy Slavitt – cựu cố vấn cấp cao thuộc nhóm phản ứng COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng với vaccine “chúng ta thực sự có một công cụ để ngăn chặn biến thể Delta”.
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh rằng biến thể Delta “vô cùng nguy hiểm”, do nó vẫn biến đổi, trong đó phải kể tới Delta Plus. Cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể khác, trong đó có biến thể Lambda, được WHO xếp vào danh sách “đáng quan tâm” do có thể tránh được các kháng thể do vaccine tạo ra và gia tăng khả năng lây nhiễm thậm chí có thể còn cao hơn cả biến thể Delta.
Theo người đứng đầu WHO, tình hình hiện nay cho thấy COVID-19 vẫn đang là mối đe dọa, dù thế giới đã đạt được tiến triển trong kiểm soát đại dịch, và giải pháp duy nhất để đưa cả thế giới thoát khỏi là hỗ trợ các nước phân phối công bằng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), phương pháp xét nghiệm, điều trị và vaccine, bên cạnh việc tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội. Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế đảm bảo cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Đó là lý do các nước đều cố gắng tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine nhằm hạn chế hậu quả của làn sóng lây nhiễm biến thể Delta.
Sáng 10/7, Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, với phương châm bảo đảm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Trước đó, Chính phủ Pháp ngày 8/7 đã kêu gọi “huy động tổng lực” cho tiêm chủng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/7 đã một lần nữa kêu gọi người dân đi tiêm vaccine bởi “cuộc chiến chống lại COVID-19 vẫn chưa kết thúc”. Các nước đang phát triển, dù còn nhiều khó khăn, cũng đang nỗ lực hết khả năng, bằng nhiều cách để huy động nguồn vaccine, bảo đảm tiêm chủng cho người dân.
Như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO, mối đe dọa của biến thể Delta rõ ràng đang đòi hỏi thế giới phối hợp để huy động sức mạnh tập thể, đặc biệt là chia sẻ công bằng và giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19. Đây là cách tốt nhất để vượt qua thời điểm nguy hiểm của đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nguồn: Báo CAND