Thứ Tư, 8/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Khoa Cảnh sát môi trường tích cực, chủ động đẩy mạnh hoạt động thực hành, thực tế nhằm nâng cao chất lượng dạy và học

Trong bối cảnh Nhà trường mới được nâng cấp lên Cao đẳng, Trường Cao đẳng CSND I đang tích cực thực hiện nhiều cải cách quan trọng trong giáo dục, đào tạo; trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo, duy trì thường xuyên các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt…Vì thế, các hoạt động đổi mới trong dạy học thực hành, tăng cường kiến thức thực tế trong giảng dạy của Khoa Cảnh sát môi trường càng có ý nghĩa quan trọng và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ giảng viên và học viên chuyên ngành.

 

Giờ học thực hành của học viên chuyên ngành Cảnh sát môi trường

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động thực hành, thực tế, Khoa Cảnh sát môi trường đã cử nhiều lượt cán bộ giảng viên đi luân chuyển và công tác thực tế để bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ giảng viên. Số giảng viên đi luân chuyển thực tế chiếm 30% tổng số cán bộ, 100% cán bộ, giảng viên trong Khoa đều đã từng tham gia công tác thực tế tại các Phòng nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc  Công an các đơn vị địa phương. Khoa đã chủ động đã tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học đặc biệt là trong dạy học thực hành. Về mặt nhận thức, 100% cán bộ, giảng viên trong Khoa đều chú trọng đầu tư đến chất lượng của giờ học thực hành, dành thời gian và tâm huyết để xây dựng những tình huống thực tiễn thuộc chuyên ngành đào tạo như việc hướng dẫn cho học viên thực hiện đúng các thao tác nghề nghiệp theo quy trình, thủ tục hành chính, pháp lý, nghiệp vụ, biết sử dụng các phương tiện nghiệp vụ chuyên ngành và phương tiện hỗ trợ khác. Đối với chuyên ngành đào tạo Trinh sát Cảnh sát môi trường, việc tiếp cận với môi trường thực tiễn sinh động của hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường chính là để học viên bước đầu làm quen và tư duy về nghề nghiệp, về công việc cụ thể, giúp học viên tự tin và làm chủ về kiến thức nghiệp vụ khi ra trường.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Khoa cũng quán triệt đến từng giảng viên việc phát huy và sử dụng có hiệu quả các phương tiện, đồ dùng dạy học trong giảng dạy. Năm 2013, Nhà trường đã đầu tư xây dựng Phòng học thực hành chuyên ngành Cảnh sát môi trường và trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, phục vụ có hiệu quả cho việc học tập, giảng dạy thực hành các kỹ năng trong kiểm tra xử lý và thu thập bảo quản mẫu vật của lực lượng Cảnh sát môi trường. Để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng của phòng học thực hành, lãnh đạo Khoa đã phân công cho các giảng viên đã qua đào tạo, có nhiều kinh nghiệm tổ chức tập huấn về thiết bị môi trường và trực tiếp quản lý phòng thực hành nghiệp vụ của Khoa.

Hiệu quả từ việc kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ trong hoạt động giảng dạy thực hành của Khoa đã được khẳng định bằng những thành tích nổi bật trong hoạt động dạy giỏi, Hội giảng của đơn vị. Trong năm học 2015-2016, giảng viên của Khoa đã thể hiện nội dung thực hành bài giảng đạt giải cao: Điển hình như đồng chí Nguyễn Văn Cường đạt giải Nhì Hội giảng với phần giờ giảng thực hành thu thập mẫu vật đạt kết quả xuất sắc và ấn tượng, được Hội đồng Nhà trường đánh giá cao.

Bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh các giờ giảng thực hành, Khoa Cảnh sát môi trường còn tích cực thiết lập mối quan hệ phối hợp giữa Nhà trường và các đơn vị nghiệp vụ Cảnh sát môi trường thuộc Công an các địa phương nhằm gắn kết lý luận và thực tiễn trong đào tạo, học đi đôi với hành, đảm bảo học viên khi ra trường đáp ứng được yêu cầu cao của thực tiễn công tác trong tình hình mới. Tháng 5/2016, Khoa đã phối hợp với Phòng PC49 Công an thành phố Hà Nội tổ chức cho học viên chuyên ngành thăm quan, kiến tập tại khu xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Thông qua hoạt động trên đã đảm bảo gắn kết giữa lý luận giảng dạy trong Nhà trường và thực tiễn công tác chiến đấu. Cán bộ, giảng viên và học viên của Khoa được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, số liệu, tài liệu và những vấn đề tồn tại của thực tiễn. Có thể nói, trong năm học vừa qua, Khoa Cảnh sát môi trường đã chủ động, thường xuyên xây dựng các chương trình, hoạt động thực tế cho học viên, nội dung thực tế mang tính chiều sâu, tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc.

Trong thời gian tới, Khoa Cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được để đẩy mạnh hoạt động thực hành, thực tế trong hoạt động dạy và học của đơn vị, tiếp tục triển khai kế hoạch dạy học chuyên ngành theo hướng tích cực đổi mới nội dung, phương pháp; triển khai việc mời cán bộ thực tế tham gia giảng dạy thực hành đối với các học phần kiến thức chuyên ngành trình độ cao đẳng...

Việc gắn đào tạo trên giảng đường với các chương trình thực hành, thực tế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới chương trình và phương pháp dạy học. Hoạt động thực hành, thực tế sẽ được Khoa Cảnh sát môi trường chú trọng nhiều hơn, giúp cho học viên có điều kiện thực hiện kĩ năng nghề nghiệp, tạo bước đột phá quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và rèn luyện của giảng viên và học viên.

Bài và ảnh: Lăng Thúy Nga - Khoa Cảnh sát Môi trường



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi