Thứ Năm, 9/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục, đào tạo sau kiểm định tại trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

Trước yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm an ninh, trật tự hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các trường Công an nhân dân nói chung và Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng trong nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Một trong những giải pháp được Nhà trường ưu tiên chọn lựa đó là thực hiện hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đồng thời coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động này đi vào nền nếp, hiệu quả, thành cơ chế thực hiện bắt buộc sau kiểm định chất lượng.

Đồng chí Đại tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học.

Thực hiện các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Nhà trường được triển khai theo đúng Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 08/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Quy định công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong Công an nhân dân (kèm theo Quyết định số 3648/QĐ-BCA-X02 ngày 20/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an); hoàn thành báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng yêu cầu trong các năm 2021, 2022. Trong năm 2022, Đoàn đánh giá ngoài của Bộ Công an đã thực hiện khảo sát tại trường, kết quả đạt 9/9 tiêu chí và đạt 94/100 tiêu chuẩn; Bộ Công an đã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài, Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng hằng năm và có lộ trình thực hiện thời gian dài (theo chu kỳ kiểm định chất lượng) nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Sau hoạt động tự đánh giá chất lượng và đánh giá ngoài, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hoạt động cải tiến chất lượng với các giải pháp đồng bộ, bao gồm: (1) xác định lĩnh vực cần ưu tiên cải tiến dựa trên kết quả tự đánh giá chất lượng hằng năm và kết quả đánh giá ngoài; (2) xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng; (3) hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng trên cơ sở kết quả tự đánh giá chất lượng và đánh giá ngoài; (4) tăng cường quản lý hồ sơ tự đánh giá chất lượng; (5) kiện toàn đội ngũ và nâng cao năng lực chuyên môn kiểm định và đảm bảo chất lượng cho cán bộ, giáo viên Nhà trường.

Đánh giá chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải tiến chất lượng giáo dục, đào tạo sau kiểm định đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường, tuy nhiên công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định: (1) việc xây dựng tầm nhìn, sứ mạng, chính sách chất lượng chưa được thực hiện mang tính tổng thể, dài hạn và dựa trên những dự báo khoa học của yêu cầu thực tiễn; chưa cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác dài hạn; (2) việc xây dựng, ban hành mục tiêu chất lượng chậm được triển khai; (3) sự gắn kết, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác bảo đảm chất lượng, cải tiến chất lượng còn chưa chặt chẽ, một số đơn vị chưa quan tâm đến các nội dung triển khai trong kế hoạch cải tiến đã được ban hành, chủ yếu hoàn thành báo cáo cải tiến chất lượng theo yêu cầu của kế hoạch, chưa coi đây là những hoạt động cần được triển khai thực chất để nâng cao chất lượng.  

Thực tế này do những nguyên nhân chủ quan và khách quan như nhận thức, năng lực của một bộ phận cán bộ, giáo viên về công tác bảo đảm chất lượng chưa được chuyên sâu; chưa quan tâm thực chất đến hoạt động bảo đảm chất lượng, chủ yếu vẫn coi đây là hoạt động của đơn vị chuyên trách, cán bộ chuyên trách; hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định là một nội dung mới, việc triển khai các nội dung cải tiến chất lượng còn chồng chéo ở nhiều kế hoạch khác nhau (kế hoạch cải tiến chất lượng, kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo...); việc triển khai hoạt động cải tiến chất lượng chủ yếu thông qua kế hoạch cải tiến, chưa ban hành quy trình bảo đảm chất lượng tổng thể phục vụ cho việc giám sát, kiểm soát nâng cao chất lượng hoạt động này.

Quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác giáo dục, đào tạo, Nhà trường đã xây dựng Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn xác định công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung và hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định nói riêng là một nội dung quan trọng, là một quy trình bắt buộc, có ý nghĩa then chốt để quản lý, nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo. Để tiếp tục phát huy vai trò của hoạt động cải tiến chất lượng giáo dục, đào tạo sau kiểm định trong thời gian tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động này cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Bộ Công an quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên chú trọng hoàn thiện hệ thống các văn bản về công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và cải tiến chất lượng sau kiểm định nói riêng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Công an nhân dân.

Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm chuyên dụng phục vụ triển khai công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo và cải tiến chất lượng sau kiểm định. Tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo và cải tiến chất lượng sau kiểm định cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ hai, các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân nói chung và Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng cần chủ động có kế hoạch và tập trung nguồn lực mở lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo và cải tiến chất lượng sau kiểm định cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nói chung và cán bộ chuyên trách nói riêng; cử cán bộ chuyên trách tham gia tập huấn và được cấp chứng chỉ kiểm định viên giáo dục nghề nghiệp, nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động tự đánh giá chất lượng, đánh giá ngoài và triển khai hiệu quả hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về việc thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo; tranh thủ ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài ngành.

Thường xuyên phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên Nhà trường về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo và cải tiến chất lượng sau kiểm định chất lượng; coi trọng "văn hóa chất lượng" trong thực hiện các hoạt động của đơn vị, coi trọng việc củng cố minh chứng về kết quả thực hiện các hoạt động; chủ động thực hiện các kế hoạch đảm bảo chất lượng, kế hoạch cải tiến chất lượng được ban hành.

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung và cải tiến chất lượng sau kiểm định nói riêng nhằm tạo cơ chế pháp lý thực hiện thống nhất, đồng bộ các công tác này trong mỗi nhà trường.

Thứ ba, đối với Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung cụ thể sau:

Lựa chọn và cử đi đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện chuyên sâu về công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm làm nòng cốt cho công tác này trong Nhà trường.

Nghiên cứu ban hành quy trình bảo đảm chất lượng về hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định nhằm đưa hoạt động này đi vào nền nếp, thuận lợi cho công tác kiểm soát, đánh giá; ban hành công cụ chất lượng (bảng kiểm cho các nội dung cụ thể khi triển khai hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định) nhằm theo dõi quá trình triển khai hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định được rõ ràng, khoa học. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các yêu cầu về hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định.

Hoàn thiện, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng trong thời gian tới phù hợp với xu thế chung của hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Công an nhân dân nói riêng; gắn kết việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng với hoạt động tự đánh giá chất lượng; nhất quán quan điểm chỉ đạo là hệ thống bảo đảm chất lượng của Nhà trường được rà soát, đánh giá và cải tiến liên tục. Thực hiện định kỳ rà soát, điều chỉnh tầm nhìn, sứ mạng, các kế hoạch dài hạn, chiến lược, mục tiêu phát triển của Nhà trường; ban hành chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng theo năm học; kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng theo năm học phù hợp. Điều chỉnh việc ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng trong Nhà trường, tránh chồng chéo hoặc ban hành nhiều kế hoạch khác nhau; chú trọng ban hành các chiến lược trung hạn và dài hạn mang tính chiến lược về công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung và cải tiến chất lượng nói riêng.

Chú trọng thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng đồng bộ, khoa học, hiệu quả; chủ động xây dựng các phần mềm phục vụ hoạt động bảo đảm chất lượng nói chung và cải tiến chất lượng sau kiểm định nói riêng. Xây dựng Nhà trường “thông minh”, làm tiền đề cho triển khai xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng, nhằm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ, hiệu quả. Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý hoạt động tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm quản lý khoa học, bài bản hoạt động này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp minh chứng cho hoạt động đánh giá ngoài.

Tóm lại, kết quả của hoạt động tự đánh giá chất lượng và đánh giá ngoài chỉ thực sự có ý nghĩa khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sau đánh giá ngoài. Điều này giúp cho Nhà trường minh bạch hóa, công khai thông tin, công tác quản lý đi vào nền nếp, khắc phục được các điểm yếu, các hạn chế sẽ tạo ra tiền đề cho xây dựng văn hóa chất lượng trong toàn hệ thống; làm cho hoạt động tự đánh giá đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công an, Cục Đào tạo, (2021), Báo cáo tổng kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong Công an nhân dân giai đoạn 2016-2021, Hà Nội.

2. Lê Hoàng Lệ Thủy, (2021), Giải pháp thực hiện cải tiến chất lượng sau kiểm định chất lượng tại Trường Đại học Tây Đô - Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, Hà Nội.

3. Trường Cao đẳng CSND I (2020), Kỷ yếu hội thảo khoa học, Công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, Hà Nội.

4. Trường Cao đẳng CSND I (2021), Báo cáo tổng kết công tác kiểm định chất lượng giai đoạn 2016-2021, Hà Nội.

5. Trường Cao đẳng CSND I (2022), Báo cáo kết quả cải tiến chất lượng giáo dục, đào tạo sau tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2019-2021, Hà Nội.

 Bài: Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Biên tập: Loan Trần

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi