Thứ Hai, 29/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giáo dục - Đào tạo 70 năm cùng đất nước “Đổi mới, hội nhập và phát triển”

Trong 70 năm qua, với những cố gắng bền bỉ, không sợ hi sinh, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân; sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, nhà giáo, những người làm công tác giáo dục đã vượt qua mọi khó khăn, tận tâm, tận lực với sự phát triển của Ngành, tạo nên thành tựu giáo dục to lớn và đáng tự hào.

Ghi nhận những thành tựu đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ngành Giáo dục những phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh.

Dấu ấn giáo dục và đào tạo trong 70 năm qua góp mặt cùng 27 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trưng bày trong Triển lãm thành tựu Kinh tế - Xã hội 2015 với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển”, chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015).

Sống dậy không khí toàn dân chống nạn mù chữ

Bác Hồ đến thăm một lớp học ở khu lao động Lương Yên (Hà Nội) năm 1956

Những hình ảnh tại gian trưng bày đã làm sống dậy không khí toàn dân cùng chống lại “giặc dốt” một thời. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chủ tịch, Hồ Chủ tịch đã nêu 6 việc cấp bách phải làm, trong đó việc thứ hai là chống mù chữ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, đề nghị “Mở chiến dịch chống nạn mù chữ” và đã được Chính phủ thông qua thành quyết định. Tiếp đó tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”.

Tháng 11/1945, Bộ Quốc gia giáo dục, trực tiếp là Nha Bình dân học vụ đã phát động chiến dịch diệt giặc dốt, tổ chức khóa học bình dân học vụ đầu tiên. Tình hình đất nước lúc này còn vô vàn khó khăn, nhưng nhân dân ta: “Đi học là yêu nước”, “Dạy học bình dân học vụ là yêu nước”, “Giúp đỡ bình dân học vụ là yêu nước”, “Chống nạn thất học cũng như chống ngoại xâm”, “Giặc dốt diệt, Việt Nam hùng cường!”... Hàng triệu người đã hăng hái đi học, hàng vạn người tích cực đi dạy, hàng vạn người khác ủng hộ các lớp bình dân; lớp bình dân có ở khắp nơi.

Sự biến đổi về chất trong 9 năm kháng chiến trường kỳ

Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm đầy hy sinh gian khổ, sự nghiệp giáo dục từ phổ thông đến đại học không những được duy trì và không ngừng phát triển mà còn có cả sự biến đổi về chất. Các trường từ phổ thông đến đại học đều giảng dạy bằng tiếng Việt. Cuộc cải cách giáo dục năm 1950 cho đến năm 1954 dù có mặt còn hạn chế, nhưng đã thay đổi cơ bản nền giáo dục thực dân cũ, xây dựng nền tảng cho một nền giáo dục mới: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Công tác xóa nạn mù chữ ngay sau Cách mạng tháng Tám và suốt trong những năm kháng chiến, liên tục phát triển và đạt được kết quả to lớn; công tác bổ túc văn hóa kế tiếp và đi liền với xóa nạn mù chữ được kịp thời xây dựng và phát triển cùng với giáo dục phổ thông và đại học chuyên nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

Về tổ chức và quản lý giáo dục, đội ngũ cán bộ giáo dục và giáo viên đã trưởng thành lên một bước về cả số lượng và chất lượng, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.

Thắng cả trên mặt trận giáo dục

10 năm sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, sự nghiệp giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn: Đã cải tạo và cải cách căn bản nền giáo dục cũ; xây dựng và thống nhất hệ thống giáo dục mới: Dân tộc, dân chủ và tiến bộ, mang tính chất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Các ngành học đều được xây dựng và phát triển cả về số lượng, lẫn chất lượng. Sự nghiệp giáo dục mới ở miền núi và các vùng dân tộc ít người được phát triển mạnh với những chính sách và hình thức trường, lớp thích hợp.

Bộ và toàn ngành Giáo dục đã có nhiều sáng tạo, chỉ đạo xây dựng nhiều điển hình tốt, phong trào thi đua “Hai tốt” được phát động sâu rộng trong toàn ngành - đặc biệt là trong ngành học phổ thông - nhiều trường và đơn vị tiên tiến, nhiều điển hình mới xuất hiện trong các ngành học. Năm học 1962 - 1963, Bác Hồ đã thăm và làm việc với giáo viên Trường THPT Bắc Lý.

Bộ Giáo dục đã phát huy sức mạnh to lớn của Ngành, góp phần xây dựng miền Bắc, đồng thời đã có những cố gắng lớn trong việc chuẩn bị cán bộ, giáo viên cho miền Nam và chi viện cho sự nghiệp giáo dục ở miền Nam. Bộ đã tiếp nhận, tổ chức tốt việc học tập cho con em miền Nam và nhiều cán bộ miền Nam tập kết, hoặc vượt tuyến ra Bắc với 28 trường học sinh miền Nam nội trú được thành lập; 32.000 học sinh miền Nam, phần lớn đều được học hết phổ thông cấp III hoặc bổ túc văn hóa, được đào tạo tiếp ở các trường đại học và chuyên nghiệp.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đầy thử thách và không cân sức, nhân dân Việt Nam đã thắng trên mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và cũng thắng cả trên mặt trận giáo dục. Đó là tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, đẩy mạnh bổ túc văn hóa, phát triển quy mô lớn các trường phổ thông, xây dựng hệ thống các trường sư phạm và ngành sư phạm, củng cố và phát triển các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, phát triển giáo dục miền núi và vùng dân tộc rất ít người…

Thắng lợi đó mãi mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam. Đó cũng là chiến thắng rực rỡ trong lịch sử của ngành Giáo dục và Đào tạo, trong lịch sử của các nhà trường nước ta.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn và phức tạp, sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển mạnh ở tất cả các ngành học, cấp học, đáp ứng được nhu cầu đào tạo cán bộ, nhu cầu học tập của trẻ em và người lớn, nâng cao được trình độ văn hóa chung của nhân dân.

Niềm tin đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Sau 30 năm đổi mới, giáo dục đã góp phần chủ đạo trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, thoát khỏi tình trạng nước nghèo với nhiều thành tựu to lớn.

Thống nhất hệ thống, phát triển quy mô, nâng cao chất lượng

Hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh và thống nhất. Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân mới, tập trung vào hệ thống giáo dục bậc cao, đảm bảo tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành, nghề, địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng tham gia học tập trong suốt cuộc đời.

Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh. Chúng ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; 32 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đến tháng 6/2015.

Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chất lượng giáo dục đỉnh cao có bước phát triển mới.

Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được tăng thêm và từng bước hiện đại hóa.
Đổi mới phù hợp với sự phát triển của đất nước

Trong thời kỳ đổi mới, giáo dục cũng có những đổi mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước như giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống; tiếp tục tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học trong nước (VSEF) và cử học sinh tham dự các cuộc thi quốc tế, đạt được những kết quả xuất sắc.

Mở rộng việc áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết 29 như: Phương pháp “Bàn tay nặn bột”; Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) với định hướng lấy học sinh làm trung tâm và thí điểm mô hình ở cấp THCS; Chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục; Mô hình trường học gắn kết với sản xuất, kinh doanh tại địa phương giúp gắn kết nhà trường, gia đình và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục, đồng thời góp phần phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Bộ đã phối hợp với Tập đoàn Viettel khai trương trang mạng “truonghocketnoi.edu.vn” giúp giáo viên, học sinh trên mọi miền Tổ quốc chia sẻ các hoạt động học tập và giảng dạy.

Công tác xây dựng xã hội học tập đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Công tác xóa mù chữ được tích cực thực hiện. Hệ thống mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng được củng cố và phát triển.

Các chương trình khung đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển sinh, đào tạo theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng quyền tự chủ cho các trường; chỉ đạo tổ chức xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo cách tiếp cận năng lực hành nghề theo chuẩn mực quốc tế và chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, chuyên gia theo hướng này.

Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học nâng tầm

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động, các nhà tài trợ; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo; quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Triển khai rà soát lại hệ thống quy chế đào tạo, triển khai rộng rãi đào tạo theo tín chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện cho sinh viên chủ động thực hiện chương trình học tập của mình, qua đó các nhà trường đổi mới công tác quản lý, các giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy; tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội. Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng trong nhà trường.

Tuyển chọn, thẩm định và phê duyệt các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”. Các đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ tập trung ưu tiên phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với đào tạo cao học, nghiên cứu sinh, có sản phẩm rõ ràng, địa chỉ ứng dụng cụ thể. Nhiều công trình của các nhà giáo tiêu biểu đạt giải thưởng quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng vào sản xuất, mang hiệu quả kinh tế cao.

Tích cực học tập  và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Trong các năm qua, ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội và các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ trong học sinh, sinh viên. Công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học tiếp tục được tăng cường. Công tác giáo dục về bảo vệ chủ quyền biển đảo được triển khai với nhiều hình thức.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các hoạt động lớn về thể thao, văn nghệ, khen thưởng trong học sinh, sinh viên được tổ chức thành công, tạo dư luận xã hội tốt trong việc giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên. Công tác giáo dục trẻ khuyết tật và giáo dục vùng dân tộc được tích cực thực hiện thông qua các đề án, dự án và các nguồn tài trợ khác.

Ngành Giáo dục đã tích cực và chủ động tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế với phương châm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, giữ vững độc lập và chủ quyền, tiếp thu tinh hoa của thế giới về khoa học và công nghệ, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam.

Để tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các bên, đồng thời góp phần đẩy mạnh sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo đã ký chương trình phối hợp với một số bộ, ban, ngành, hội.

Phát huy truyền thống và thành tựu của bề dày lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Giáo dục tiếp tục đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước tin cậy giao phó.

Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè