Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hệ thống giáo dục ‘mang bản sắc riêng’ của Phần Lan

Ngưỡng mộ hệ thống giáo dục “mang bản sắc riêng” của Phần Lan: Cấm học sinh thi cử và coi giáo viên là nhà khoa học, GS Toner Wagner của ĐH Harvard (Mỹ) đã đặt chân đến đây, thâm nhập vào các trường học để giải mã nền giáo dục của đất nước này.

Không thi cử, không cần nhà quản lý giáo dục

Bắt đầu từ những năm 1970, người Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai của họ. Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sĩ và tất cả phải được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao. Kể từ đó dạy học trở thành một nghề được tôn trọng nhất trong xã hội, không được trả lương cao nhất nhưng cao quý nhất. Kết quả là trong các bài đánh giá học sinh quốc tế, PISA, Phần Lan đã liên tục xếp trên tất cả các nước phương Tây và thực sự chỉ có một vài nước phương Đông có kết quả tương tự.

Ở Phần Lan không hề có cuộc kiểm tra học sinh cấp quốc gia nào ngoại trừ một chương trình kiểm tra mẫu nhân khẩu của bọn trẻ; không phải để giải trình, không phải cho công chúng, hay để so sánh giữa các trường học. Điều tuyệt vời đó bởi vì họ đã tạo ra một mức độ chuyên nghiệp rất cao trong nghề giáo để họ có thể hoàn toàn tin tưởng vào các giáo viên của mình. Khẩu hiệu ở đây là: “Niềm tin thông qua sự chuyên nghiệp”.

Phần Lan được xếp hạng cao nhất trên thế giới về cải tiến, khởi nghiệp và sáng tạo trong giáo dục. Chính David Kearns của Xerox và Lou Gerstner của IBM đã kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh quốc gia về giáo dục và họ đã không hề mời bất kỳ một nhà hoạt động giáo dục nào cả. Họ chỉ mời các CEO, thống đốc, thượng nghị sĩ và những người trong quốc hội.

Về nguyên tắc, giáo dục Phần Lan dành cho mọi người nên không thu học phí.

Không học thuộc lòng

Người ta có thể nói rằng hệ thống giáo dục ở một nước không thể một mình giải quyết đói nghèo và trong nhiều trường hợp nó sẽ tự nhiên phản ánh sự đói nghèo. Phần Lan là một xã hội có ít bất bình đẳng về mặt kinh tế hơn Mỹ rất nhiều. Ở Mỹ, bạn muốn biết điểm thi ở một quận là bao nhiêu, bạn hãy tìm xem họ nghèo như thế nào.

Nhưng tôi đã đến một vài trường học tốt nhất ở những quận tốt nhất và ngay cả những trường tư của Mỹ và tôi nhìn thấy sự giáo dục quá đỗi là tầm thường của giáo viên ở đó khi họ dạy học sinh để thi. Và những bài kiểm tra thực tế chỉ là việc nhớ lại những thông tin, học nhồi nhét đề thi - nơi học sinh có thể vượt qua các kỳ thi nhưng lại chẳng học được kỹ năng gì cần thiết trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Đây chính là điểm mấu chốt mà Phần Lan đã làm khác đi. Họ đã định nghĩa giáo dục chất lượng cao là gì và không chỉ là giáo dục ở mức độ trung bình. Họ có tiêu chuẩn cho nó. Thứ hai, họ định nghĩa những gì cần thiết phải học. Đó không phải là chương trình dựa trên việc học thuộc lòng mà là dựa trên sự suy nghĩ.

Làm thế nào mà Phần Lan đã nâng tầm vai trò của giáo viên trong con mắt dân chúng tới mức độ nó không chỉ là một nghề được tôn trọng mà còn là một nghề được tôn sùng? Họ thực sự nghĩ về giáo viên như những nhà nghiên cứu khoa học và lớp học là phòng nghiên cứu của họ. Vì vậy mỗi giáo viên buộc phải có bằng thạc sĩ và nó là một bằng theo đúng nghĩa của nó. Họ học những khóa học với nội dung giúp họ chuẩn bị tới một mức độ cao về mặt tri thức trong lớp học. Đó là điều đầu tiên.

Điểm thứ hai, họ định nghĩa sự chuyên nghiệp đó là làm việc tập thể hơn. Họ dành cho giáo viên thời gian trong trường học hằng ngày và hằng tuần để làm việc cùng nhau, để nâng cấp chương trình học và các bài giảng. Còn ở Mỹ hay nhiều nước khác thì sao? Chúng ta chỉ có mức độ chuyên nghiệp của thế kỷ 19 hoặc thậm chí tệ hơn thời trung cổ. Giáo viên làm việc cả ngày một mình. Sự cô lập chính là kẻ thù của cải tiến và sáng tạo, đó là những gì người Phần Lan tìm ra nhiều năm trước đây.

Hệ thống trường học đáng ngạc nhiên nhất trên thế giới

Trước chuyến đi thâm nhập giáo dục Phần Lan, GS Toner Wagner đã cùng với nhà làm phim Robert Compton thực hiện bộ phim tài liệu dài hơn một giờ đồng hồ về nền giáo dục Phần Lan với tên gọi: The Finland Phenomenon: Inside The World’s Most Surprising School System - Hiện tượng Phần Lan - Bên trong hệ thống trường học đáng ngạc nhiên nhất trên thế giới. Bộ phim nhằm kiến giải cho câu hỏi: Làm thế nào một đất nước công nghiệp hóa có thể tạo ra một trong những hệ thống giáo dục thành công nhất trên thế giới theo một cách khác lạ đến thế? Bộ phim không chỉ nói về giáo dục Phần Lan mà còn so sánh nó với nền giáo dục của Mỹ đặt nặng việc thi cử cùng với yêu cầu cải cách giáo dục đang nóng hổi trên chính trường Mỹ.

Trích nguồn: Báo Pháp luật TP HCM
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè