Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kết thúc 2 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Hàng chục ngàn chỉ tiêu có nguy cơ lãng phí

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, có 170 trường Đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ) có nhu cầu tuyển sinh với tổng chỉ tiêu 131.000, tuy nhiên kết thúc 2 đợt xét tuyển bổ sung, các trường mới chỉ nhận được 99.000 lượt hồ sơ đăng ký xét tuyển. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, vẫn còn nhiều trường ĐH, CĐ trên toàn quốc dư thừa hàng ngàn chỉ tiêu và phải tiếp tục “vét” thí sinh xét tuyển bổ sung đợt 4.

Thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 20-9, có 21 trường ĐH, 19 trường CĐ phía Bắc và 6 trường ĐH, 26 trường CĐ phía Nam còn dư thừa hàng chục nghìn chỉ tiêu. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, rất nhiều trường công lập cũng còn dư nhiều chỉ tiêu như: ĐH Lâm nghiệp dư gần 1.000 chỉ tiêu; ĐH Công nghiệp Việt - Hung 1.000 chỉ tiêu; ĐH Thái Nguyên 2.530 chỉ tiêu hệ ĐH và 978 chỉ tiêu hệ CĐ; ĐH Công nghiệp Việt Trì dư 1.000 chỉ tiêu ĐH và 250 chỉ tiêu CĐ; ĐH Sao Đỏ cũng còn dư 1.000 chỉ tiêu cả hai hệ; ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh cũng dư  1.100 chỉ tiêu.

Tương tự, phía Nam chỉ tiêu còn dư tập trung chủ yếu vào các trường ĐH vùng như: ĐH Phú Yên, ĐH Bà Rịa -Vũng Tàu; ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An; ĐH Đồng Nai… Hầu hết các trường còn chỉ tiêu đều đưa ra mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT và xét tuyển thông qua học bạ THPT. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ rất ít trong xét tuyển đợt 3.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Cao Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết: “Kết thúc 2 tháng xét tuyển, trường mới chỉ tuyển được chưa đầy 1/3 số thí sinh so với chỉ tiêu. Nhà trường sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 4  theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ dự kiến trong đợt 4 sẽ rất ít, thậm chí là không có”.

Cũng theo chia sẻ của ông Dũng, với việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển thông qua học bạ, về mặt lý thuyết, lẽ ra nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn so với các năm trước. Song thực tế lại không diễn ra như vậy khi mà số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ vào các trường tốp dưới rất ít, ít hơn nhiều so với các năm trước khiến hầu hết các trường đều bị vỡ kế hoạch.

“Năm nay, Bộ GD&ĐT không khoán chỉ tiêu cho các trường mà để cho các trường được tự đề xuất dựa trên các điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực hiện có, nên hầu hết các trường đều tăng chỉ tiêu dự kiến so với trước đó, đặc biệt là các trường tốp trên và tốp giữa. Do đó, thay vì vào các trường tốp dưới, nhiều thí sinh có điểm trên mức điểm sàn đã có thêm cơ hội để vào các trường tốp giữa. Kết quả là trường tốp dưới không tuyển được đủ chỉ tiêu như kế hoạch đề ra” - ông Dũng đưa nhận định.

Cùng chung băn khoăn này, ông Cao Quốc An - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cho biết: Hiện trường vẫn còn dư hơn 1.000 chỉ tiêu. Trường sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 4 nhưng dự kiến không khả quan. “Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, ngành nông, lâm vẫn là ngành khó tuyển vì rất kén người học. Tuy nhiên, các năm trước do trường được chủ động về hồ sơ tuyển sinh nên không rơi vào tình thế khó khăn và căng thẳng như năm nay” - ông An cho hay.

Giải thích về việc nguồn tuyển dồi dào nhưng nhiều trường vẫn không thể tuyển đủ sau gần 2 tháng nhận hồ sơ xét tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, số thí sinh được điểm từ 15 trở lên là 530.000 em, từ 12 điểm trở lên là 620.000 em, trong đó có 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH và 150.000 chỉ tiêu hệ CĐ lấy theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, số dư xét tuyển sẽ gấp đôi so với chỉ tiêu. Vậy thì tại sao các trường lại rơi vào tình trạng “mỏi mắt” chờ thí sinh mà không thấy, dẫn đến dư thừa hàng ngàn chỉ tiêu so với kế hoạch?

Theo bà Phụng, lý do một số trường vẫn xét tuyển không đủ chỉ tiêu chỉ có thể là vì thí sinh đã được phân luồng, các em đủ điểm xét tuyển nhưng không gửi hồ sơ vì đã chọn theo con đường khác.

“Thông tin về số lượng cử nhân thất nghiệp được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ra đời tạo công ăn việc làm ngay khiến các em có sự cân nhắc việc có nhất thiết phải vào ĐH hay không? Tỷ lệ 30% học sinh chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp năm nay cũng thể hiện rõ sự phân luồng. Ngoài ra, uy tín và chất lượng đào tạo của các trường cũng là một trong những yếu tố quyết định việc trường có thu hút được thí sinh không? Thực tế cho thấy, vì không muốn vào học ở các trường và ngành học mà mình không thích nên nhiều thí sinh trên điểm sàn đã quyết định chờ cơ hội ở kỳ xét tuyển năm sau” - bà Phụng cho biết.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè