Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Khi người trẻ quan tâm tới vận mệnh đất nước

“Đọc bài làm của học sinh, tôi rất vui. Vui vì đề thi đã tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ tình cảm của mình, vui vì giới trẻ không thờ ơ mà rất quan tâm đến vận mệnh của đất nước” - Một giáo viên chia sẻ trong ngày thứ hai chấm thi tốt nghiệp THPT môn Văn.

Theo các giám khảo chấm thi môn Văn tại TPHCM, một trong những đặc điểm dễ thấy nhất trong mùa thi năm nay là đa số thí sinh đều làm được bài mặc dù đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT cải tiến mạnh mẽ đề thi.

Theo sát tình hình thời sự

Hầu hết giám khảo mà chúng tôi đã gặp đều cho biết họ cảm thấy dễ chịu và thích thú với bài làm của Câu 3, phần I: Yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của mình đối với sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai kể: “Đề thi đã đưa ra vấn đề nóng, tất cả thí sinh đều quan tâm nên các em viết rất tốt.

Tùy theo trình độ, năng lực của từng học sinh mà các em viết lên những suy nghĩ, quan điểm của mình, có em viết ít, có em viết nhiều, có bài nông, bài sâu nhưng điều dễ thấy nhất là các em viết tràn đầy cảm xúc.

Có em còn viện dẫn cả bài thơ Nam quốc sơn hà vào bài. Có em viện dẫn cả những số liệu, những sự kiện diễn ra ngày 30/5, sát với ngày thi tốt nghiệp cho thấy học sinh theo dõi rất sát tình hình thời sự nước nhà”.

Ở phần II cũng vậy, khác với mọi năm, câu hỏi này tích hợp cả phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Ngay cả tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng gây bất ngờ đối với thí sinh.

Tuy vậy, các giám khảo lại nhận xét: Bài làm của thí sinh ở TPHCM rất khả quan. Những năm trước đề thi chỉ yêu cầu thí sinh tái hiện kiến thức đã học, học sinh cứ học thuộc lòng đề cương là làm bài được, em nào không “trúng tủ” thì để giấy trắng.

Còn năm nay, các giám khảo cho biết sau hai ngày chấm thi chưa phát hiện bài thi nào phải để giấy trắng mà nội dung các bài thi khá phong phú, đa dạng.

“Mặc dù chưa phát hiện bài thi nào thật sự xuất sắc nhưng tỉ lệ bài thi đạt điểm trên trung bình và trung bình có vẻ nhiều hơn năm trước.

Tỉ lệ học sinh viết được bài, viết có ý (chứ không phải “chém gió” bừa bãi) cao hơn năm trước do các em không phải thuộc lòng văn bản, lại được bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống” - Một giám khảo ở quận 3 cho biết.

Cũng theo giám khảo này, đây là tín hiệu tích cực từ việc đổi mới cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh “sung” quá

“Đối với câu hỏi về biển, đảo (Câu 3 phần I), có những bài viết vượt qua mong muốn của giám khảo vì quá hay, quá đầy đủ, có lẽ do thí sinh quá phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

Nếu xét theo mối quan hệ giữa người đọc với người viết thì quá đã. Nhưng xét trong khuôn khổ của một đề thi, thí sinh đã “làm quá” so với yêu cầu của đề.

Yêu cầu “Viết một đoạn văn ngắn” và điểm tối đa cho phần này chỉ 1 điểm nhưng có thí sinh đã phấn khích viết thành cả một bài văn có mở bài, thân bài, kết luận - vừa mất thời gian không cần thiết lại bị trừ điểm. Đây là điều các thí sinh năm sau cần rút kinh nghiệm” - Một giám khảo ở quận Bình Thạnh nhận định.

Tương tự, một giáo viên môn văn Trường THPT Trưng Vương cũng cho rằng từ việc ra đề “mở” như năm nay mới thấy kỹ năng viết của thí sinh chưa tốt. Với phần II, có em đã viết thành hai bài riêng biệt: một bài nghị luận văn học, một bài nghị luận xã hội.

Có em lồng hai yêu cầu vào với nhau nhưng sự chuyển ý còn vụng về, chưa thuyết phục. Với câu 3 phần I cũng vậy, có em quá hấp tấp, vội vàng, không phân biệt được đoạn văn và bài văn”.

Các giám khảo dự đoán: thang điểm giỏi môn văn sẽ không nhiều nhưng số thí sinh dưới điểm trung bình môn văn sẽ ít hơn các năm trước và điểm trung bình - khá sẽ tăng.

Ngay cả người chấm cũng thích thú và thoải mái hơn khi đọc bài thi (mỗi bài làm là một suy nghĩ, thể hiện thái độ, tình cảm của mỗi thí sinh), không nhàm chán khi phải đọc những bài văn na ná nhau như những năm trước.

Nhiều thí sinh mất điểm

Ở Câu 1, phần I, việc nêu các ý chính của văn bản không khó nên hầu hết học sinh đều làm được. Riêng Câu 2 phần I: yêu cầu thí sinh xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản nhưng hướng dẫn chấm thi đòi hỏi thí sinh phải lý giải đúng (ngoài xác định phong cách ngôn ngữ) mới được trọn 0,5 điểm. Trên thực tế nhiều thí sinh không lý giải, bị trừ 0,25 điểm.

Theo nguồn tin của chúng tôi, trong buổi thảo luận của các giám khảo môn văn ở TPHCM vào ngày 7/6, nhiều người đã đề nghị Bộ GD&ĐT cần thay đổi hướng dẫn chấm thi câu này, nếu không sẽ rất thiệt thòi cho thí sinh. Đáng lẽ đề thi phải hỏi thêm “tại sao” thì mới đầy đủ, thí sinh mới hiểu cần phải lý giải.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình với việc này, một giáo viên dạy văn ở quận 1 cho rằng: “Thí sinh quá hời hợt và không đọc kỹ đề bài, chưa quen với kiểu đề đổi mới. Ngay trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã luôn yêu cầu học sinh phải lý giải cho những chọn lựa của mình.

Ví dụ: Khi giáo viên yêu cầu học sinh xác định trong câu văn, đoạn văn sử dụng biện pháp tu từ nào, nếu học sinh trả lời biện pháp nhân hóa thì phải giải thích tại sao lại là nhân hóa.

Đề thi cũng vậy. Khi thí sinh xác định đoạn văn dùng phong cách ngôn ngữ chính luận chẳng hạn thì phải nói được tại sao mình chọn phong cách đó chứ”.

Từ kết quả chấm thi môn văn, các giám khảo kết luận: phải thay đổi việc dạy và học văn, bỏ học thuộc lòng, bỏ học tủ, rèn luyện nhiều hơn cho học sinh về kỹ năng đọc - hiểu... Theo kế hoạch, dự kiến ngày 14/6 Sở GD&ĐT TPHCM sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên.

Bình Thuận: Thí sinh hiểu biết về tình hình biển Đông

Ngày 9/6 tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (TP Phan Thiết, Bình Thuận), 75 giáo viên của Bình Thuận bước sang ngày thứ hai chấm thi môn văn tốt nghiệp THPT, GDTX năm 2014. Tổng cộng có 13.273 bài của thí sinh dự thi môn văn dự kiến được chấm xong vào ngày 156.                                                               Ông Võ Văn Tám - Phó trưởng phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục&Đào tạo Bình Thuận - cho biết: Môn Văn có câu hỏi liên quan đến tình hình Biển Đông. Qua công tác chấm bài các giáo viên nhận thấy nhiều thí sinh nêu quan điểm vững vàng, có theo dõi và hiểu biết về thời cuộc.                                                            Ông Võ Văn Tám nêu ví dụ có bài văn thí sinh bày tỏ việc yêu nước cần tỉnh táo để tránh tái diễn sự vụ đám đông đập phá nhà máy tại Bình Dương, Đồng Nai, gây thiệt hại cho đất nước và làm xấu hình ảnh Việt Nam với nước ngoài.

Biên tập: Hồng Thắm, Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo Giáo dục Thời đại.vn

Gửi cho bạn bè