Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhân hệ số điểm ưu tiên, có lợi cho thí sinh

Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố công thức tính điểm ưu tiên với trường có môn thi chính. Báo  GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) về cơ sở lý luận của  việc nhân hệ số điểm ưu tiên, nguyên tắc tính điểm ưu tiên trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Ông có thể cho biết nghiên cứu tác động của nhân hệ số điểm môn chính khi không có tác động của điểm ưu tiên (coi như học sinh ở khu vực 3 không có ưu tiên gì)?

PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Việc nhân hệ số hai của điểm môn chính sẽ chuyển từ hệ điểm 30 sang hệ điểm 40, chính vì vậy điểm xét tuyển tối thiểu có tính đến hệ số môn chính sẽ bằng điểm xét tuyển cơ bản nhân với 4 chia cho 3, và điểm ưu tiên cũng bằng điểm ưu tiên theo Quy chế (ứng với hệ điểm 30) nhân với 4 chia cho 3.

Xét 3 trường hợp: a) điểm môn chính bằng điểm trung bình của 3 môn; b) điểm môn chính thấp hơn điểm trung bình của 3 môn và c) điểm môn chính cao hơn điểm trung bình của 3 môn:

a) Học sinh thi khối B  có kết quả: Toán 4, Hóa 6, Sinh 5. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (bằng điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định Sinh là môn chính,  tổng điểm có xét hệ số môn chính là 20 (4+6+10) và điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là:15x4/3=20. Như vậy dù quy định môn chính hay không thì học sinh vẫn đạt ở mức điểm xét tuyển tối thiểu mà trường chọn.

b)  Học sinh thi khối B  có kết quả: Toán 5, Hóa 6, Sinh 4. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (bằng điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định Sinh là môn chính,  tổng điểm có xét hệ số môn chính là 19  (5+6+8)  dưới mức điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (15x4/3=20).

c)  Học sinh thi khối B  có kết quả: Toán 4, Hóa 4, Sinh 6. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 14 điểm (dưới điểm xét tuyển cơ bản); nếu quy định Sinh là môn chính,  tổng điểm có xét hệ số môn chính là 20  (4+4+12)  bằng mức điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (15x4/3=20).

Qua 3 thí dụ trên có thể thấy: Nếu điểm môn chính bằng điểm trung bình 3 môn thì việc nhân hệ số môn chính không có tác động gì, nhưng nếu học sinh có kết quả môn chính cao hơn trung bình sẽ được lợi khi xét tuyển còn thấp hơn thì sẽ bị thiệt khi xét tuyển. đây là ưu điểm của việc quy định môn chính (cho phép chọn được học sinh có năng lực ở môn chính).

Vậy cơ sở nghiên cứu tác động của việc nhân hệ số cho điểm ưu tiên, khi không có tác động của việc nhân hệ số môn chính thì sao, thưa ông?

Như phân tích ở trên, để loại bỏ tác động của việc nhân hệ số môn chính, ta phải chọn ví dụ sao cho điểm môn chính bằng điểm trung bình của 3 môn.

Học sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo Quy chế  có kết quả: Toán 5, Hóa 3, Sinh 4. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (5+3+4+3điểm ưu tiên) bằng điểm xét tuyển cơ bản

a) Nếu quy định Sinh là môn chính, và không nhân hệ số cho điểm ưu tiên tổng điểm có xét hệ số môn chính là 5+3+8+3 điểm ưu tiên=19) và điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là:15x4/3=20. Như vậy nếu không nhân hệ số điểm môn chính thì học sinh sau khi nhân hệ số môn chính sẽ có kết quả dưới điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính

b) Nếu nhân hệ số cho điểm ưu tiên, điểm của học sinh sẽ là: 5+3+8+3x4/3=20 đúng bằng điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính

Như vậy, có thể khẳng định: Không nhân hệ số điểm ưu tiên, thí sinh sẽ bị thiệt.

Thưa ông, với những cách tính này, liệu trong thực tế có bị lẫn lộn tác động của việc nhân hệ số môn chính không?

Để chỉ ra các nhận định sai có thể có khi lẫn lộn tác động của việc nhân hệ số môn chính, tôi đưa thêm 2 ví dụ, đều nhận hệ số cho điểm ưu tiên, nhưng chọn 2 tình huống  khác nhau sẽ có kết quả khác nhau:

a) Học sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo Quy chế  có kết quả: Toán 5, Hóa 4, Sinh 3. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (5+4+3+3điểm ưu tiên) bằng điểm xét tuyển cơ bản; nhưng khi xét đến hệ số môn chính, điểm sẽ là: 5+4+6+4=19 thấp hơn điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (20 điểm) mặc dù vẫn nhân hệ số cho điểm ưu tiên;

b) Học sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo Quy chế  có kết quả: Toán 3, Hóa 3, Sinh 5. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 14 điểm (3+3+5+3điểm ưu tiên) thấp hơn điểm xét tuyển cơ bản; nhưng khi xét đến hệ số môn chính, điểm sẽ là: 3+3+10+4=20  bằng  điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính. Điều này có thể gây ra nhần lẫn rằng học sinh được lợi do nhân hệ số cho điểm ưu tiên. Nhưng thực chất đấy là do tác động của việc nhân hệ số cho môn chính.

Có thể thấy rằng, việc nhân hệ số cho điểm ưu tiên khi quy định môn thi chính với đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Xin cảm ơn ông!

Công thức tính điểm ưu tiên với trường có môn thi chính

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường, ngành đã công bố môn thi chính xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm xét tuyển có tính đến hệ số 2 của môn chính.

Điểm ưu tiên được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên thực tế bằng điểm ưu tiên xác định theo quy chế (điểm trung bình được làm tròn đến 2 chữ số thập phân) nhân 4, tất cả chia 3.

Đối với các trường, các ngành không quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là các mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi.

Đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường.

Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học hoặc cao đẳng đã được Bộ công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ).

Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH và TLGK
Trích nguồn: Báo Giáo dục thời đại

Gửi cho bạn bè