Thứ Hai, 6/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhiều điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được xây dựng có nhiều đổi mới với kỳ vọng khắc phục những nhược điểm của chương trình cũ, đề ra mục tiêu làm thay đổi cách dạy, cách học, hướng đến việc phát triển cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn tập trung phát triển về phẩm chất và năng lực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng triển khai đại trà vào năm 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT) hướng tới hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực chung chủ yếu sau: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Thay vì các môn đơn lẻ như trước đây, chương trình GDPT xây dựng các môn theo hướng tích hợp với 8 lĩnh vực giáo dục:Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ - Tin học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Tuy rằng các môn về cơ bản vẫn như trước nhưng có sự sắp xếp lại theo hướng nội dung giáo dục mở và tăng cường tính tích hợp để nâng cao khả năng vận dụng kiến thức một cách tổng hợp, tăng cường tính phân hóa để phù hợp với từng học sinh nhằm phát huy cao nhất năng lực từng em học sinh. Có những bộ môn trước đây được xây dựng thành một môn để những kiến thức liên quan được xếp lại gần nhau tiện cho vận dụng vào dạy học. Trong quá trình dạy học cũng sẽ vận dụng những phương pháp dạy học cá thể để tăng cường phát huy năng lực từng học sinh. Chương trình mới cũng coi trọng việc làm thế nào học sinh được học tập trên lớp nhưng cũng tăng cường hoạt động tập thể, sinh hoạt xã hội mang tính trải nghiệm và sáng tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. (Ảnh: Lê Hà)

Thứ trưởng cho biết thêm, chương trình GDPT được biên soạn từ lớp 1 đến 12 với những điểm mới như bảo đảm các bộ môn hài hoà, thống nhất với nhau về mặt nội dung, thời gian, khắc phục những vấn đề tồn tại trước đây như chương trình bị cắt khúc, chồng lấn nhau. Ngoài ra, chương trình sẽ phát triển cho người học không chỉ kiến thức mà còn là năng lực cũng như đặt ra vấn đề yêu cầu năng lực đạt được của từng cấp học (chuẩn đầu ra hay yêu cầu cần đạt) vào từng môn. Trong mục tiêu của từng cấp học có nêu cụ thể những phẩm chất, năng lực cần hình thành cho học sinh. Ví dụ đối với bậc Tiểu học là đọc thông viết thạo, hình thành thói quen tốt trong học tập và sinh hoạt, định hướng giá trị quê hương, gia đình, dòng tộc...THCS là kiến thức phổ thông nền tảng, hình thành khả năng tự học, tự điều chỉnh bản thân theo những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội...THPT là kiến thức phổ thông hoàn thiện cao hơn nữa, theo các nhánh khác nhau để các em có thể chọn nghề, phương pháp tự học, hiểu được trách nhiệm, quyền lợi công dân...

Một điểm mới đáng chú ý là chương trình GDPT đặt ra yêu cầu phát triển học sinh theo hướng năng động hơn, có tư duy độc lập, có khả năng giải quyết vấn đề nên chương trình lần này mở rộng đến các hoạt động xã hội có hướng dẫn đối với học sinh.

Chương trình mới được đưa ra lấy ý kiến dư luận và dự kiến triển khai đại trà vào năm 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được xây dựng trên quan điểm giáo dục toàn diện và hài hoà đức, trí, thể, mỹ, cho học sinh. Mục tiêu chương trình GDPT xác định giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.

Chương trình giáo dục cấp tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực được nêu trong mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học trung học cơ sở.

Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông nhằm giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp trung học cơ sở; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Trên cơ sở đó, chương trình GDPT nhằm hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: Sống yêu thương; Sống tự chủ; Sống trách nhiệm.

Chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực chung chủ yếu sau: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

(Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể).

Trích nguồn: Báo Nhân dân
Biên tập: Hoàng Lương – Trung tâm TTKH & TLGK

Gửi cho bạn bè