Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tầm quan trọng của sách và việc đọc sánh – một nét đẹp trong đời sống tinh thần

"Hãy yêu quý sách, nó làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, nó dạy cho các bạn biết quý trọng con người và bản thân mình, nó chắp cánh cho trí tuệ và đem lại cho trái tim tình yêu… Hãy yêu quý sách - nguồn gốc của kiến thức" - M. GOÓC-KI

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: Sách là chiếc chìa khoá vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh; Sách là kho tàng tri thức quan trọng đối với tất cả mọi người bởi sách ghi lại những kiến thức, những giá trị của cuộc sống mà người đi trước đã kiếm tìm, học tập, trải nghiệm và truyền lại cho thế hệ sau. Những cuốn sách có nội dung tốt sẽ đưa đến cho chúng ta không chỉ những hiểu biết mới mà còn cả những sự suy nghĩ tìm tòi và sự biến đổi về tâm hồn. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người. Mọi thành công của con người đều nhờ sự kết hợp của kinh nghiệm bản thân với tri thức lĩnh hội được từ việc học trong cuộc sống và trong sách vở. Chính vì vậy mà từ lâu sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của loài người trên thế giới.

Nhân dịp ngày sách Việt Nam 21/4, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vai trò của sách đối với nhân loại, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách trong đời sống tinh thần và làm thế nào để đọc sách hiệu quả.

Trước hết nói về vai trò của sách đối với nhân loại

Chúng ta khi mới lớn lên, học đọc, học viết, học tính toán... là nhờ Thầy, Cô giáo hướng dẫn là chính. Nhưng khi học các kiến thức cao hơn, rộng hơn, chuyên ngành hơn, lúc ấy ta phải tự đọc sách, nên sách là thầy, là người hướng dẫn ta đến tri thức của nhân loại.

Khi ta đọc truyện cười ta thấy vui, đọc những câu chuyện "Hạt giống tâm hồn" ta thấy xúc động, đọc đến các mảnh đời bất hạnh ta thấy xót xa... Khi ấy sách là bạn cùng ta chia sẻ các cảm xúc của cuộc sống.

Ta đọc một cuốn sách hay và muốn đem chia sẻ với mọi người. Khi ta mua được cuốn sách quý và muốn lưu lại cho con cháu, lúc ấy sách là tài sản.

Sách là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Ngoài việc học ở ngoài đời, thực tế, từ mọi người xung quanh, sách là người bạn không thể thiếu của con người. Nó là nguồn tri thức vô giá mà mỗi chúng ta có thể tự tìm tòi trong suốt cuộc đời của mình và cũng là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại. Khi đọc sách bạn sẽ có cảm giác như mình đang được dẫn vào thế giới thực, từ đó bạn  thấy, hiểu và bắt gặp nhiều điều bổ ích. Cũng như M.Gorki đối với ông :"Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khác cuộc sống."

M.Gorki, ông không học qua trường lớp nhiều nhưng lại có cái nhìn phong phú và tinh tế về cuộc sống, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng và gây được sự chú ý với bạn đọc thế giới, những tác phẩm của ông được đưa vào trường học. Những điều ông có được là từ cái nhìn về thực tế và qua việc tự học cho nên bản thân ông đã là nhân chứng hùng hồn cho câu nói "Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức.".

Không những thế ngoài ông ra còn có nhiều nhà khoa học, bác học lớn trên thế giới cũng thành công qua việc tự học, tự nghiên cứu qua sách. Vì thế nên chọn một quyển sách hay, có giá trị, nội dung tốt, bổ ích. Mọi thứ đều phải có sự chắt lọc mới có kết quả như ý, vì như  N.Ô-xtơ-rốp-xki đã nói: “Sách có thể ít đi một chút nhưng phải tốt đẹp hơn, không nên đặt một cuốn sách tầm thường lên giá sách”.

Về ý nghĩa của việc đọc sách

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích lũy ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hóa, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xóa bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ, thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

Đọc sách là sự tôn vinh đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích lũy mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới.

Về lợi ích của việc đọc sách

Trong thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà đọc sách còn là một biện pháp để hoàn thiện mọi mặt của con người. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Những cái lợi của chuyện đọc sách đã quá rõ ràng, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện cho bạn những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi bạn không nhận ra.

Thứ nhất, đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo

Sách được viết bằng hệ thống ngôn ngữ, cụ thể là các chữ viết được nối kết liên tục với nhau tạo thành câu, dòng, đoạn, bài… Từ ngữ được dùng luôn có nghĩa và nét nghĩa đó lại được quy chiếu vào các sự vật tương ứng trong cuộc sống. Như vậy, quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng.

Rồi cũng có khi sự liên tưởng nảy sinh khi bạn so sánh những vấn đề đã được đọc trong sách này và sách khác, trong quan điểm của người này người khác, cái giống và khác nhau, tại sao lại có giống và khác như vậy,… Trí tưởng tượng phong phú, suy nghĩ cặn kẽ, kết hợp với những động lực khám phá tìm tòi sẽ giúp bạn hình thành năng lực sáng tạo, nghĩ ra cái mới, tìm ra cái mới và từ đó làm ra cái mới. Không có đọc sách, người ta khó có thể thực hiện được điều đó.

Thứ hai, đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ

Bạn thường viết sai chính tả và rất ngại viết vì sợ mọi người chọc. Bạn hay viết những câu không đúng ngữ pháp tiếng Việt hoặc những câu không đủ các thành phần chính. Cũng có thể bạn sử dụng những từ ngữ không hợp với đối tượng bạn muốn đề cập. Hoặc bạn có vốn từ vựng quá ít, không đủ để huy động ra trình bày sáng tỏ một vấn đề. Thậm chí bạn không hiểu rất nhiều từ ngữ trong tiếng Việt có nghĩa là gì vì bạn chưa hề nghe qua…

Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót đó trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bạn đọc một cuốn sách văn chương thấy tác giả dùng những từ ngữ rất hay để miêu tả bầu trời trong những trạng thái khác nhau. Bạn sẽ thấy những câu văn bắt đầu bằng chủ ngữ hay vị ngữ, bắt đầu bằng động từ hoặc tính từ mà vẫn đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Bạn biết cách dùng những từ ngữ chuyển tiếp một cách khéo léo, uyển chuyển để diễn đạt vấn đề. Bạn cũng sẽ bắt gặp những hình thức viết đúng của những từ ngữ mà bạn phân vân lưỡng lự không biết viết thế nào,…

Thứ ba, đọc sách giúp sống tốt trong xã hội và làm người

Ai cũng biết, người biết suy nghĩ phải trái, biết lý lẽ là những người không sống tùy tiện. Mọi lời nói, suy nghĩ và việc làm của họ luôn hướng tới cái hay, cái đẹp; hướng tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích chung của những người xung quanh. Cách sống đó là món trang sức quý giá nhất mà mỗi người tự trang bị cho mình thông qua học vấn, cụ thể là từ việc đọc sách.

Đọc sách giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách. Sách sẽ giúp bạn nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương, thấu hiểu đồng loại, biết chia sẻ những khó khăn với người khác, biết lên án những thói hư tật xấu, những hành vi trái đạo đức. Từ đó hình thành cho ta cách nghĩ tích cực hơn, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, tới lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với lợi ích của những người xung quanh.

Đọc sách thể dục thể thao, chúng ta biết rèn luyện sức khỏe dẻo dai bền bĩ hơn. Đọc sách triết học, chúng ta nhận ra những quy luật và những diễn biến ý thức hệ trong cuộc sống, từ đó hình thành cách nhìn và cách nghĩ của bản thân. Đọc sách vật lý chúng ta hiểu biết về quy luật vận động của thế giới tự nhiên hơn, từ đó ứng dụng vào cuộc sống. Đọc sách văn học để hình thành cảm xúc, thái độ hợp lý trước mọi cảnh ngộ, cuộc đời; xây dựng đời sống hài hòa, nhân văn, có chiều sâu. Như vậy, sách đem đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp, hòa hợp giữa bản thân với cộng đồng, môi trường xung quanh, xã hội và cả nhân loại.

Chúng ta còn có thể thấy, người đọc nhiều sách có kiến thức sâu rộng, hội tụ nhiều năng lực, lời nói có cơ sở và có uy tín nên được mọi người lắng nghe, xem trọng.

Ai cũng biết đọc sách sẽ rất tốt nhưng không phải ai cũng biết đọc sách thế nào cho hiệu quả. Vậy chúng ta phải đọc sách như thế nào cho hiệu quả?

Thứ nhất, trước khi đọc nội dung cuốn sách

Xác định mục đích của việc đọc sách: Mục đích sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách của chúng ta. Xác định được mục đích, chúng ta sẽ tránh đọc tràn lan tốn thời gian mà chủ yếu tập trung vào nội dung quan trọng chúng ta muốn tìm hiểu. Mục đích đọc sách sẽ quyết định phương hướng khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Vậy, xác định mục tiêu đọc sách là bước đầu tiên quan trọng mà chúng ta nên làm.

Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách: Chúng ta nên đọc trang đầu và trang cuối cuốn sách để biết: Tên cuốn sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản…Việc làm này sẽ rất có ích khi chúng ta muốn giới thiệu với bạn bè một cuốn sách hay mà mình vừa đọc được hay tìm mua hoặc mượn trên kệ sách thư viện.

Xem mục lục: Mục lục phản ánh dàn ý chung, nội dung cơ bản của cuốn sách. Đọc mục lục chúng ta sẽ hình dung sơ bộ về nội dung cũng như thứ tự các phần được sắp xếp logic theo ý đồ tác giả. Lúc này chúng ta đặt câu hỏi: Vì sao tác giả lại sắp xếp theo thứ tự này? Từ đó nó tạo cảm hứng cho chúng ta tìm câu trả lời trong nội dung cuốn sách.

Đọc lời tựa: Chúng ta nên đọc lời tựa để biết cuốn sách viết về vấn đề gì, áp dụng cho đối tượng nào. Qua lời tựa của tác giả chúng ta đoán được ý đồ của tác giả, hình dung khái quát nội dung cơ bản, mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn, biết được vấn đề quan trọng nhất mà cuốn sách sẽ đề cập tới.

Thứ hai, bắt đầu đọc nội dung của cuốn sách

Để nắm được nội dung của cuốn sách, lĩnh hội được kiến thức thì chúng ta  phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Muốn nghiên cứu cuốn sách một cách hiệu quả  chúng ta phải có phương pháp đọc đúng cách:

Tích cực tư duy khi đọc: Tích cực tư duy khi đọc là luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những hình ảnh, sự vật, sự việc cụ thể, tiến hành so sánh, liên tưởng với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế đã có để phát hiện ra bản chất của vấn đề, làm rõ những những thắc mắc và tăng vốn hiểu biết của mình. Từ đó chúng ta sẽ chuyển hóa những kiến thức trong sách thành của mình mãi mãi. Tư duy khi đọc cũng giúp bạn tập thể dục cho não, tăng khả năng ghi nhớ và sự thông minh của mình.

Tập trung khi đọc: Tập trung khi đọc là cách tốt nhất để chúng ta có thể suy nghĩ cặn kẽ, tư duy tích cực và ghi nhớ được nội dung cuốn sách. Để tập trung thì ngoài nỗ lực, nguồn cảm hứng của bản thân thì chúng ta nên chọn một không gian đọc yên tĩnh, thoáng mát, có ánh sáng, đọc trong tư thế thoải mái nhưng không nên nằm vì sẽ hại mắt và giảm khả năng ghi nhớ của bạn.

Rèn luyện kỹ thuật đọc: Kỹ thuật đọc là những thao tác chúng ta sử dụng trong quá đọc. Kỹ thuật phải được rèn luyện thường xuyên để đạt được hiệu quả tốt nhất. trong khi đọc, có một số điểm chúng ta cần phải chú ý: Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng; Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều; Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc; Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt; Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu; Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề.

Chúng ta cũng nên luyện tập để tăng dần tốc độ đọc. Tuy nhiên đọc nhanh không có nghĩa là đọc ngấu nghiến, vội vàng mà đọc nhanh là tóm thật nhanh, đủ, đúng nội dung. Chúng ta nên phán đoán trước khi đọc, nếu đã có mục đích đọc thì phần nào quan trọng bạn đọc kỹ, phần nào không quan trọng bạn đọc lướt qua, tránh lối đọc tràn lan tốn thời gian. Để rèn tốc độ đọc, chúng ta hãy lấy một quyển sách, chọn một trang đọc thật nhanh sau đó ghi ra những nội dung mà mình tóm được. Đọc lại lần nữa để xem mình đã ghi đủ, đúng nội dung chưa. Rèn luyện như thế thường xuyên chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao tốc độ đọc của mình, tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

Ghi chép khi đọc: Ghi chép là khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình đọc sách. Ghi chép sẽ giúp tăng khả năng tập trung, ghi nhớ kiến thức, tổng hợp vấn đề. Đặc biệt ghi chép chính là việc chúng ta tóm gọn nội dung cốt lõi, tâm đắc của cả cuốn sách và sau này khi cần thiết mình chỉ cần đọc lại những ghi chép đó là có thể hiểu được toàn bộ vấn đề tác giả đề cập trong cuốn sách.

Chúng ta nên ghi chép theo thứ tự: Nêu các đề mục cuốn sách; Ghi các luận điểm chính; Ghi những câu nói hay, những đoạn phân tích giá trị, cụ thể, dễ hiểu; Ghi những nhận xét, đánh giá của người đọc về cuốn sách và cuối cùng ghi những kiến thức mình rút ra được từ cuốn sách, những gì mình còn thắc mắc để có thể tìm câu trả lời ở những quyển sách tiếp theo.

Bài: Đào Minh – Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè