Chủ Nhật, 19/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thay đổi lớn nhất kỳ thi quốc gia sẽ nằm ở khâu ra đề thi

Sáng 23/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT về một kỳ thi quốc gia. Các đại biểu về cơ bản đều tán thành phương án thi của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng xung quanh các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và hạn chế thấp nhất tiêu cực thi cử.

Thi theo cụm liệu có xảy ra nơi điểm thấp, nơi điểm cao?

Việc tổ chức thi theo cụm khiến các đại biểu rất lo lắng, băn khoăn. Giao cho các trường đại học đủ năng lực tổ chức các cụm thi, vậy sẽ theo tiêu chí nào? Sẽ có nơi không tổ chức thi nghiêm, vậy nếu xảy ra tình trạng tiêu cực, có chênh lệch điểm thi giữa các cụm thi thì tính sao? Có tổ chức thi lại không để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, các cụm? Về điều kiện xét tốt nghiệp, điểm học lớp 12 chiếm bao nhiêu % trong tổng điểm việc xét tuyển? Bộ kiểm soát việc cho điểm học ở lớp 12 thế nào để không bảo đảm tiêu cực, vì các trường cho điểm rất khác nhau. Các trường đại học được quyền xác định phương án tuyển sinh khác, vậy thì mối quan hệ của các phương án tuyển sinh riêng với kỳ thi quốc gia này ra sao? Thí sinh năm nay đỗ tốt nghiệp nhưng chưa muốn học đại học thì bảo lưu như thế nào?

Giải trình về những câu hỏi nóng trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: Phương án của Bộ hướng đến tổ chức theo cụm thi, nhưng với các học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp thì để tạo điều kiện cho các cháu, Bộ chỉ tổ chức cụm thi ở tỉnh để các cháu đỡ đi lại, tốn kém. Trước đây 2 kỳ thi thì sau khi thi xong tốt nghiệp, học sinh phải đến thi ở cụm. Nhưng lần này các cháu chỉ đi 1 lần đến cụm thi. Với những học sinh ở vùng miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn thì sẽ được thi ở cụm thi địa phương.

Tiêu chí cụm thi, Bộ trưởng cho hay, sẽ căn cứ vào năng lực của các trường đại học (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi. Hiện nay, dư luận chưa tin nếu kỳ thi tổ chức ở tỉnh, không phải tỉnh nào cũng có trường đại học đủ uy tín nên chắc chắc chưa thể tổ chức thi cụm ở từng tỉnh được. Tương lai, khi kỳ thi đã bảo đảm sự tin cậy thì lúc đó có thể tính tiếp việc tổ chức thi ở từng tỉnh.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, không nên băn khoăn, lo lắng các trường sẽ xét tuyển ào ạt. Vì không phải trường nào cũng xét tuyển được, phụ huynh, học sinh bây giờ hiểu biết hơn, không phải là vào học đại học bằng được, mà họ phải tính học trường nào

ra dễ xin việc. Tình hình đã thay đổi, trường cũng được tự chủ, nhưng học sinh cũng tự chủ trong lựa chọn của mình, không phải cứ thích “vơ bèo vạt tép” mà được.

Về việc xét tốt nghiệp, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, năm 2014, Bộ giáo dục & Đào tạo đã làm, điểm thi lớp 12 chiếm 50%. Không có chuyện các trường nâng điểm vì các trường, giáo viên, học sinh có sự giám sát lẫn nhau. Phổ điểm năm 2014 cũng không có sự đột phá so với những năm trước. Về khối thi, người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, qua lắng nghe các trường thì thấy về cơ bản khối thi vẫn ổn định, một số trường có thể xác định thêm môn thi bổ sung. Kết quả thi năm 2015 được bảo lưu theo đúng quy chế.

Đã thiết kế phần mềm để chống hồ sơ “ảo”

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu câu hỏi: Bộ GD&ĐT xây dựng, phê duyệt phương án thi có đúng thẩm quyền không? Vấn đề tác động lớn như vậy nhưng đã nghiên cứu dư luận hay chưa? Có cảm tưởng mục tiêu, hướng đi là đúng nhưng hơi vội vàng? Còn đại biểu Huỳnh Thành Đạt băn khoăn về việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ: Có ngưỡng nào để khống chế đầu vào? Một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tất cả các trường hay không? Vậy giải quyết vấn đề hồ sơ ảo ra sao? Nếu như trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng thì có phải trình Bộ hay không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Thay đổi lớn nhất của kỳ thi năm 2015 là nằm ở đề thi, thi để các cháu không còn học thuộc lòng mà theo hướng vận dụng kiến thức, hướng tới phát triển năng lực học sinh, từ đó thay đổi cách dạy và học. Những thay đổi đề thi sẽ không làm các cháu bị sốc, bất ngờ, lúng túng, nhưng các em sẽ không phải học thuộc lòng, có mang tài liệu vào cũng không làm được. Đề thi vừa có phần cơ bản để có thông số xét tốt nghiệp, vừa có phần phân hóa khó, rất khó để xét tuyển ĐH. Điều này Bộ chắc chắn làm được. Thay đổi thi là vấn đề lớn và nhạy cảm, Bộ đã lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, chứ không phải là chỉ trong ngành. Bộ GD&ĐT tiếp thu một cách cầu thị, sẵn sàng nhận khó khăn về mình để tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Có đại biểu chất vấn, kỳ thi này có tiết kiệm không? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định chắc chắn là tiết kiệm hơn vì các cháu không phải đi thi xa và chỉ còn thi 1 lần. Về việc chống hồ sơ ảo, Bộ trưởng cho biết, đã phối hợp với Hội Toán học để thiết kế phần mềm, thi xong sẽ công bố kết quả thi của thí sinh. Các trường cũng công bố chỉ tiêu, điểm xét tuyển; hằng ngày cập nhật số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Như vậy là công khai tối đa việc xét tuyển để thí sinh biết cũng như để xã hội giám sát. Năm 2014 cho phép tự chủ tuyển sinh riêng nhưng ít trường thực hiện. Qua lấy ý kiến phương án thi, nhiều trường ĐH cũng ủng hộ phương án thi của bộ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn cho hay: Bao nhiêu thí sinh đỗ đại học đã có chỉ tiêu. Còn tỷ lệ tốt nghiệp thì không thể dự báo được, vì hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả thi của học sinh. Nếu chúng ta thi nghiêm túc mà đỗ 100% thì cũng rất đáng mừng. Năm 2016 sẽ tiếp tục có những thay đổi, và Bộ sẽ tiếp tục có những báo cáo đánh giá tác động đến xã hội. Phương án 2015 chưa phải là hoàn chỉnh của đề án nhưng hồn cốt là như vậy.

Kết luận phiên giải trình, GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý, Nghị quyết 29 khẳng định 2 vế độc lập: thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Nên nếu phương án nào không bảo đảm thì hoàn toàn có thể thay đổi theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Kỳ thi này chỉ bắt buộc đối với tốt nghiệp THPT, còn không bắt buộc đối với các trường ĐH, CĐ. Có sử dụng kết quả hay không là hoàn toàn theo quyền chủ động của các trường. Giải pháp giao cho các trường đại học chủ trì cụm thi là giải pháp mạnh, có thể bảo đảm kết quả để xã hội tin cậy. Tuy nhiên, cũng cần có tính lộ trình, phải làm triệt để để bảo đảm tính nghiêm túc. Về cụm thi ở địa phương, cần tính toán kỹ hơn. Nếu để tạo thuận lợi cho thí sinh ở vùng xa, khó khăn, thì vẫn thi ở địa phương. Còn cháu nào muốn vào đại học thì thi ở cụm thi do trường đại học tổ chức. Theo dự báo, ở cụm thi do trường đại học chủ trì, điểm thi sẽ thấp hơn. Vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Bộ phải tính toán để ra đề thi thế nào nhằm bảo đảm điểm xét tốt nghiệp. Cần dự phòng để tính toán, hạn chế việc thí sinh chỉ thi ở cụm thi địa phương, sau đó có điểm cao thì nộp đơn vào các trường tuyển sinh riêng.

 

Cần xác định “ngưỡng” hợp lý, khoa học đối với từng môn thi

Chiều 23/9, Bộ GD & ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 đối với các trường ĐH, CĐ phía Bắc. Tại hội nghị này, những băn khoăn về kỳ thi tiếp tục được các trường ĐH, CĐ nêu và đề nghị Bộ sớm có giải pháp để thực hiện.

Trong đó, các trường cũng nhất trí, đồng thuận với phương án một kỳ thi quốc gia, tuy nhiên còn nhiều điều cần được Bộ GD & ĐT làm rõ như: Vì sao phải tổ chức hai loại cụm thi; xử lý hồ sơ ảo như thế nào, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng trước hay sau khi có kết quả của kỳ thi chung; cách tính ngưỡng đối với từng môn như thế nào.

Nhiều trường ĐH cho rằng, nếu tính ngưỡng điểm từng môn thì với thi tốt nghiệp 5 điểm mới đỗ, nhưng với thi đại học thì không phải là điểm 5. Do đó, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng thí sinh đỗ ĐH, nhưng lại trượt tốt nghiệp. Cũng tại hội nghị này, có ý kiến cho rằng, các trường Công an, quân đội nên được tổ chức thi theo cụm riêng (dành cho những thí sinh chỉ dự thi vào Công an, quân đội).

Tuy nhiên, Bộ cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị với các trường ĐH, CĐ phía Nam để sớm chốt giải pháp kỹ thuật cuối cùng.

Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè