Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giải pháp nào cho ngành giáo dục Việt Nam thời COVID-19?

Ngày 19/8 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra hội thảo trực tuyến “Số hóa Giáo dục thời COVID-19 - Giải pháp Facebook hiệu quả cho ngành giáo dục”, thu hút gần 1.000 người tham gia từ các trường đại học, cao đẳng, trường THPT trên cả nước.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo (Bộ Giáo dục – Đào tạo) phát biểu tại hội thảo.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thu Thuỷ - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo (Bộ Giáo dục – Đào tạo), hội thảo được tổ chức kịp thời và hữu ích không chỉ cho các trường đại học ở Việt Nam mà còn cho tất cả các tổ chức giáo dục chuẩn bị cho mùa tuyển sinh và tựu trường sắp tới. Và đại dịch COVID-19 là cơ hội để ngành giáo dục bắt tay vào hành trình chuyển đổi số. Tất cả các cấp học đã và sẽ chủ động hơn trong ứng dụng học trực tuyến, công nghệ số để thay thế lớp học truyền thống.

GS.TS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tại hội thảo.

Với những thông tin hữu ích từ các chuyên gia giáo dục, hội thảo đã cập nhật những hiểu biết chuyên sâu về sự thay đổi hành vi của phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều xu hướng mới trên thị trường giáo dục cũng như đưa ra các nhóm giải pháp hiệu quả giúp nhà trường kết nối với học sinh, sinh viên.

Từ đó nhằm hỗ trợ các nhà trường và doanh nghiệp giáo dục nhanh chóng thích ứng với những thay đổi dưới tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời tận dụng sức mạnh công nghệ để sẵn sàng cho mùa tựu trường mới.

Các chuyên gia giáo dục cung cấp những hiểu biết chuyên sâu về sự thay đổi hành vi của phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khẳng định: “Trong bối cảnh đại dịch vẫn còn tiếp diễn, công nghệ chính là chìa khoá giúp các đơn vị giáo dục vượt qua khó khăn và phát triển lâu dài. Và chính công nghệ sẽ giúp chúng ta đào tạo một thế hệ công dân số. Đó sẽ là những công dân không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt mà còn có ý thức, thái độ, hành vi tốt. Trong kỷ nguyên số và công nghệ, thái độ, hành vi cũng quan trọng không kém, thậm chí là còn quan trọng hơn trình độ, bởi vì chính thái độ và hành vi sẽ định hình nhân cách của mỗi công dân”.

Một thực tế không thể phủ nhận là thời gian qua xu hướng sử dụng công nghệ, cụ thể là các nền tảng trực tuyến trong môi trường giáo dục tăng lên đáng kể. Ngành Công nghệ giáo dục (edtech) có sự phát triển bùng nổ và nhu cầu cho các giải pháp học trực tuyến cũng tăng vọt.

Theo một khảo sát của Comscore, từ tháng 1 tới tháng 2/2020, số lượt xem hàng tháng của các trang web giáo dục đã tăng hơn gấp đôi (103%), và tăng gần gấp 3 (292%) với các trang web về giáo dục dành cho trẻ em và phụ huynh.

Các vị khách mời tại hội thảo.

Cùng với những thay đổi trong thói quen dạy và học, kỳ vọng về quá trình hiện đại hoá và công nghệ hoá trong ngành giáo dục của phụ huynh và học sinh cũng ngày một tăng. Khảo sát HolonIQ 2020 thực hiện vào tháng 3/2020 cho thấy việc sử dụng nhiều công nghệ mới là một trong những chiến thuật phát triển phổ biến nhất cho các doanh nghiệp giáo dục sau giai đoạn COVID (trừ mô hình nhà trẻ). Điều này được đánh giá quan trọng hơn cả một số yếu tố cốt lõi trước đây, như đầu tư vào sản phẩm mới, thị trường, hay phương thức hoạt động.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia giáo dục đã giải đáp các thắc mắc của các đại diện đến từ các trường đại học, cao đẳng, THPT, các tổ chức giáo dục đồng thời cung cấp những kinh nghiệm để tạo sự hiện diện trực tuyến, kết nối và xây dựng cộng đồng phụ huynh và học sinh thông qua các ứng dụng và giải pháp hoàn toàn miễn phí như Facebook Live, Facebook Group, Messenger, Rooms…

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi