Chủ Nhật, 19/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tôn vinh những người thầy

Tôn sư, trọng đạo là một nét đẹp trong truyền thống văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc ta. Những ngày này, nhiều hoạt động kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) được tổ chức nhằm tri ân, tôn vinh các nhà giáo đã luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, đào tạo và đội ngũ các nhà giáo là một chủ trương nhất quán của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều hoạt động đang được triển khai để vừa ghi nhớ, tôn vinh những người thầy, vừa góp phần đổi mới đưa sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước phát triển bền vững…Trong dòng chảy ấy, chúng tôi tháp tùng Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đến thăm Trường THPT Kim Sơn B.

Gần 50 năm trước, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của thời chiến, có một ngôi trường ra đời tại vùng đất can trường hàng trăm năm quai đê lấn biển: Trường THPT Kim Sơn B (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Ngôi trường được xây dựng chủ yếu bằng tranh tre, mái lá trong sự đùm bọc của người dân giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, nên dù gian khổ đến mấy, thầy và trò đều nung nấu ý chí quyết tâm học tập, rèn luyện để mai này góp sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân…

Bộ trưởng Trần Đại Quang ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe cụ Phạm Thạnh,
người thầy giáo cũ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B.

Mái tóc đã phơ phơ bạc, bước chân không còn vững nhưng cụ Phạm Thạnh (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B) vẫn nhắc con gái đưa cụ tới ngôi trường cũ để dự lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cụ bồi hồi, xúc động nhớ lại trường xưa, những lớp học tạm bợ, tản mạn mỗi lớp một nơi; vừa học vừa phải nghe ngóng báo động để xuống hầm tránh máy bay giặc Mỹ… Trong kí ức của người thầy lão thành, có hình ảnh một cậu học trò dáng người dong dỏng, khuôn mặt khôi ngô, cương nghị. Sớm tinh mơ, đã thấy cậu bấm đôi chân trần xuống con đường làng nhiều khi nhão nhoét bùn đất bởi những cơn mưa lạnh dầm dề tái tê. Có những hôm, cậu học trò ấy đến lớp muộn nhưng thầy không trách phạt vì biết cậu đã phải vượt qua một quãng đường dài để tới lớp mà chưa được lót lòng miếng cơm nào. Cậu học trò đó là Trần Đại Quang, hiện là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an... Khi tôi “chạm” vào miền kí ức miên man của cụ, cụ bảo: “Có được người học trò như vậy, tôi tự hào lắm chứ… Anh ấy (Đại tướng Trần Đại Quang – PV) được Đảng, được dân giao trọng trách, chắc bận bịu lắm nhưng ngày Nhà giáo năm nào cũng nhớ đến tôi, gửi lời thăm hỏi và quà cho tôi”… Thầy Thạnh ngừng lời và nhìn ra phía sân trường, nơi những em học sinh đang tíu tít chuẩn bị các hoạt động nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam…

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu đến thăm thầy và trò THPT
Kim Sơn B. (ảnh Duy Hiển).

Được thành lập năm 1966, Trường THPT Kim Sơn B là trường cấp III thứ hai của huyện Kim Sơn, ra đời trong hoàn cảnh ác liệt do cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Mới đầu, để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân các xã tiểu khu I, II (tả sông Vạc – trên cầu Trì Chính), trường được đặt tại khu nhà thờ Khiết Kỷ Thượng (xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn). Năm học đầu tiên (1966-1967), trường chỉ tuyển sinh 3 lớp 8 (148 học sinh), 2 lớp 9 (107 học sinh) và 1 lớp 10 (30 học sinh)… Đến năm học 2013-2014, Trường THPT Kim Sơn B có 30 lớp với 1.127 học sinh. Ngẫm lại quá khứ, nhìn cơ ngơi Trường THPT Kim Sơn B hôm nay mới thấy ngôi trường đã trải qua một chặng đường dài…

Huyện Kim Sơn được hình thành từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ. Đây là vùng đất nằm giữa sông Càn và sông Đáy. Do sự bồi lắng của các dòng sông, hằng năm Kim Sơn “tiến” ra biển từ 80 đến 100m. Vì thế mà Kim Sơn gắn với lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang bồi, quai đê lấn biển; theo sử chép, trong gần 200 năm qua đã tiến hành quy mô lớn 6 lần quai đê lấn biển. Với những đặc điểm tự nhiên và xã hội đó, người dân Kim Sơn luôn có ý chí kiên cường trong dựng nước, giữ nước và truyền thống hiếu học.

Thầy Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự với chúng tôi: Từ khi hình thành, ở mỗi làng, mỗi ấp đều đặt học điều nhằm khuyến khích những người học giỏi, đỗ đạt như họ Trần, họ Vũ, họ Dương… Đến nay, các dòng họ vẫn giữ được truyền thống hiếu học. Thầy Sinh bùi ngùi tâm sự: “Anh ạ, đã có 37 cựu học sinh trường tôi dũng cảm hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ!”. Rồi thầy Sinh tự hào kể: “Trưởng thành từ mái trường Kim Sơn B này, có nhiều giáo sư, tiến sỹ trên các lĩnh vực. Chúng tôi rất tự hào có một cựu học sinh là Đại tướng Trần Đại Quang và nhiều cựu học sinh trở thành những người hữu ích cho xã hội, nhiều người là lãnh đạo các bộ, ngành, có nhiều vị tướng lĩnh…”. Qua tâm sự của hai thầy hiệu trưởng ở hai thế hệ, ngẫm thấy sâu xa vẫn là nhờ truyền thống hiếu học của một vùng đất địa linh, nhân kiệt đã vun đắp nên những thành tựu trong sự nghiệp trồng người.

Trước lúc Đại tướng Trần Đại Quang đến thăm trường (sáng 16-11-2014), chúng tôi rảo bước qua những phòng học rồi tới thư viện. Đến đây, gặp một số giáo viên đang cùng các em học sinh mải mê ngắm những đầu sách mới tinh được bày ngay ngắn trên giá sách. Một số học sinh tìm được cuốn sách mình ưa thích, lặng lẽ ngồi đọc. Một cô giáo khoe với chúng tôi: “Đây là thư viện mới của trường, được bác Trần Đại Quang là học sinh cũ của trường tặng đấy. Cô, trò chúng tôi rất mừng khi có được những cuốn sách quý như Tuyển tập văn học Việt Nam thế kỉ XX, nhiều đầu sách lịch sử Việt Nam, sách về ngoại ngữ, tin học…”. Nữ sinh Vũ Thị Thu Trang (lớp 12B3) tâm sự: “Chúng cháu vui lắm; ngoài sách văn học, lịch sử, khoa học, thư viện còn có nhiều đầu sách ngoại ngữ, tin học, kĩ năng sống… Cháu sẽ năng đến thư viện đọc sách để nâng cao trình độ và kỹ năng sống”.

Ở một góc thư viện, chúng tôi gặp hai học sinh nam, Nguyễn Văn Hiệp và Trần Trung Đức (lớp 12B1). Nói chuyện, các em đều mong muốn được đọc nhiều sách để mở mang kiến thức. “Ngoài thư viện, trường cháu còn vừa khai trương 2 phòng máy vi tính, được nối mạng chú ạ. Chúng cháu cũng biết đó là quà của bác Trần Đại Quang tặng nhà trường”. Đức mơ ước trở thành bác sĩ, còn Hiệp thì lúng túng chưa biết sẽ chọn nghề gì...

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu thăm phòng vi tính.

Chợt nghe những tiếng vỗ tay rộn rã, hân hoan trên sân trường. Chúng tôi nhìn ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu đang bước vào; ông tươi cười đáp lại sự đón tiếp ấm áp, thân mật của thầy và trò nhà trường. Sau khi bắt tay các đại biểu, ông đến bên nhà giáo Phạm Thạnh, lên tiếng chào và đỡ tay người thầy năm xưa đi về phía hội trường… Có mặt trong buổi gặp mặt đầm ấm đó, chúng tôi đều xúc động trước tâm sự của người cựu học trò Trường Kim Sơn B. Sau khi chúc mừng thầy và trò nhà trường đã giành được nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện, ông bày tỏ mong muốn các em học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, biết “tôn sư, trọng đạo”, học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước. Đại tướng tâm sự: “Nhìn ngôi trường hôm nay, tôi bồi hồi nhớ về các thầy cô giáo, bạn bè xưa. Lớp học trống trải, nhiều chỗ không có phên che, nắng dội, mưa dột. Ngày mưa, chúng tôi phải che áo tơi ngồi học; mùa đông gió lùa từng cơn lạnh buốt… Các thầy cô giáo cũng kham khổ, nhưng luôn thương yêu, đùm bọc học sinh chúng tôi”. Ngừng lời giây lát, ông xúc động nói: “Khó khăn gian khổ như vậy nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm học. Ngoài các thầy cô giáo, mẹ tôi cũng luôn nhắc chúng tôi phải chăm chỉ học hành. Mẹ tôi bảo: Các con phải noi gương anh Nhung (Đại tướng chỉ vào GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một người con của quê hương Quang Thiện, Kim Sơn; cũng có mặt trong buổi lễ tại trường Kim Sơn B - PV). Mẹ anh Nhung mất sớm, nhà lại nghèo nhưng anh học rất giỏi, chịu thương chịu khó… Những lời của mẹ và thầy cô khiến tôi thêm nỗ lực, chuyên cần. Từ ngày tôi ra trường, đến nay đã tròn 42 năm. Dù bận nhiều công tác, nhưng tấm lòng tôi luôn đau đáu với quê hương, với trường cũ…”.

Sau lời tâm sự, Đại tướng đã tặng hoa và quà cho nhà trường. Trong số các vị khách ngồi ở hàng ghế đầu, thầy giáo lão thành Phạm Thạnh xúc động khi người học trò năm xưa cầm bó hoa đến tặng, thầy trò đều bùi ngùi bởi con tạo xoay vần để họ có cuộc hội ngộ cảm động hôm nay.

Kết thúc cuộc gặp mặt ở hội trường, chúng tôi theo Đại tướng sang phòng đọc thư viện. Đại tướng trực tiếp trao cho thầy hiệu trưởng hai bộ sách văn học và lịch sử Việt Nam. Tiếp đó là một món quà đặc biệt, bộ lịch năm mới Ất Mùi 2015 có tiêu đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – cuộc đời và sự nghiệp”… Bên các em học sinh, ông như trẻ lại khi thấy những cuốn sách được trân trọng đón nhận. Đại tướng nói: “Đọc sách là một cách rất tốt để trau dồi kiến thức, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Văn hóa đọc ngày nay có nhiều thay đổi, nhưng sách vẫn là kho tàng tri thức. Các cháu có nhiều cách tiếp nhận kiến thức, nhưng đọc sách, nhất là sách lịch sử, sách văn học rất bổ ích và thiết thực. Tôi đề nghị nhà trường nên phát động một phong trào đọc sách, để việc đọc ngày càng trở nên tự giác, say mê và hiệu quả”…

Từ thư viện, các đại biểu đến thăm 2 phòng máy vi tính, nơi các em học sinh đang được hướng dẫn một số kĩ năng. Đại tướng thân mật căn dặn: “Bác mong các cháu sẽ khai thác, ứng dụng hiệu quả phòng máy tính này vào việc học tập, nhất là học ngoại ngữ, học toán, tin học… Các cháu có thể chơi games, nhưng chỉ là chơi để giải trí lúc căng thẳng; phải tránh những thông tin độc hại trên mạng… Chúc các cháu chăm ngoan, học giỏi, phát huy truyền thống của quê hương mình để dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc như mong muốn của Bác Hồ”.

Trích nguồn: Báo CAND online
Biên tập: Mai Loan,  Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè