Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vận dụng thực tiễn trong giảng dạy cácmôn lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

Trong diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương ngày 7 tháng 9 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế. Hơn 50 năm đã trôi qua, những lời chỉ dẫn vẫn nguyên giá trị, mang tính thời sự cho việc chỉ đạo quá trình học tập lý luận chính trị của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong các trường Công an nhân dân nói chung, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng nhằm trang bị cho học viên nhưng kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, học viên vận dụng kiến thức đã học trong công tác để thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, củng cố niềm tự hào, tin tưởng tuyết đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn; nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hình thành bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, phấn đấu trở thành người Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ.

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các môn Lý luận chính trị, những năm qua giảng viên của Bộ môn Lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy để có được bài giảng thực sự có chất lượng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc vận dụng kiến thức thực tiễn vào giảng dạy các môn Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số ít giảng viên chỉ truyền đạt đủ nội dung tinh thần của giáo trình, phần liên hệ thực tiễn còn chưa nhiều, làm cho bài giảng kém phần sinh động.

Xuất phát từ thực tế đó, để nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, trong thời gian tới cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, giảng viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn Lý luận chính trị.

Theo quan điểm  triết học Mác - Lênin, thực tiễn là những hoạt động vật chất có mục đích mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Vai trò quan trọng của thực tiễn được thể hiện, thực tiễn trước hết là cơ sở, mục đích và động lực chủ yếu và trực tiếp của nhận thức nói chung trong đó có lý luận. Thực tiễn còn đề ra nhiệm vụ và phương hướng phát triển của nhận thức, lý luận, chính thực tiễn đòi hỏi phải có tri thức mới, phải tổng kết kinh nghiệm, khái quát lý luận, thúc đẩy sự ra đời phát triển của các ngành khoa học. Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, lý luận còn thực hiện ở chỗ thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Quan điểm này yêu cầu việc nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu đi sát thực tiễn, coi trọng việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn.

Bài giảng có tính thực tiễn sẽ làm cho các nguyên lý, lý luận trừu tượng, khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp thu; làm cho bài giảng khô khan trở nên có sức sống, hấp dẫn, cuốn hút. Do đó giảng viên cần phải nhân thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn Lý luận chính trị.

Thứ hai, giảng viên cần hiểu đúng các yếu tố thực tiễn đưa vào nghiên cứu, giảng dạy các môn Lý luận chính trị.

Hoạt động thực tiễn rất phong phú, song có thể khái quát các hoạt động này thành 3 lĩnh vực: hoạt động sản xuất vất chất, hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học và có thể chia hoạt động thực tiễn thành các cấp độ khác nhau:

- Thực tiễn trực tiếp, đó là những vấn đề mang tính thời sự diễn ra hàng ngày của con người trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Giảng viên thu nhận được yếu tố (số liệu, sự kiện, hình ảnh) của thực tiễn này từ cuộc sống, từ các chuyến đi nghiên cứu thực tế.

- Thực tiễn đa chiều, đó là những vấn đề đã được phản ánh chọn lọc, bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, tạp chí, tin tức thời sự hàng ngày… Giảng viên thu nhận được thực tiễn này qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, theo dõi tin tức hàng ngày.

- Thực tiễn mang tính chính thống, đó là những vấn đề đã được cụ thể hóa trong các văn bản của Đảng và Nhà nước (các văn kiện hội nghị, đại hội Đảng, các luật, bộ luật…) Các yếu tố thực tiễn ở cấp độ này đã được lựa chọn kỹ lưỡng, cơ bản và tin cậy, vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể.

Từ các cấp độ của thực tiễn cho thấy, thực tiễn rất đa dạng, phong phú, việc đưa yếu tố thực tiễn vào bài giảng tùy thuộc vào từng  nội dung bài giảng cũng như tùy thuộc vào năng lực của từng giảng viên.

Thứ ba, giảng viên cần đưa thực tiễn vào giảng dậy các môn Lý luận chính trị như thế nào cho có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “… lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luấn suông”. Vậy, để thực tiễn vào giảng dạy các môn Lý luận chính trị có hiệu qủa cần lưu ý một số điểm sau:

Trong bài giảng cần xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và vận dụng loại hình, cấp độ thực tiễn nào thì phù hợp; những yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải mang tính điển hình, có ý nghĩa chung chứ không phải ngẫu nhiên; các sự kiện thực tiễn phải mang tính thời sự, đang được xã hội quan tâm; mỗi yếu tố thực tiễn đều có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo tính trung thực, khách quan; khi đưa thực tiễn vào liên hệ nên có sự phân tích để học viên thấy được thực tiễn liên hệ có phù hợp lí luận hay không.

Từ những vấn đề trình bày trên cho thấy, việc vận dụng thực tiễn vào bài giảng các môn Lý luận chính trị một cách phù hợp là một yêu cầu, đòi hỏi cao đối với giảng viên. Do đó, để thực hiện được, giảng viên trước hết phải nắm chắc nội dung lí luận chính trị mà mình giảng dạy, để qua đó vận dụng có hiệu quả nguyên tắc “thống nhất giữa lý luận và thực tiễn”; đồng thời phải thường xuyên bám sát thực tiễn, đi nghiên cứu thực tế, tìm đọc các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để đưa thực tiễn vào bài giảng có hiệu quả./.

Đại úy, Ths Đặng Thị Thanh Hoa
Trưởng Bộ môn lý luận chính trị, Khoa học xã hội và nhân văn

Gửi cho bạn bè