Thứ Bảy, 28/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bếp ăn thắm đượm tình nghĩa đồng bào

Nhiều người, nửa đêm mới lọ mọ về tới chỗ ở. Chẳng đủ thời gian để được giấc ngủ sâu, họ dậy, sắp xếp chuyện nhà rồi lại di chuyển đến điểm bếp từ thiện, chung tay vo gạo, lặt rau, rửa cá, lột hành, xay tiêu, đập tỏi... Có hôm, mới tờ mờ sáng, mưa tầm tã nhưng hàng trăm bếp đã đỏ lửa. Người rã rời nhưng mắt họ ánh lên niềm vui vì làm được điều do chính con tim thôi thúc, góp phần nhỏ vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch vẫn đang hết sức cam go.

Bữa ăn thắm đượm tình người

Có mặt tại điểm nấu cơm từ thiện Lô CD, chung cư Bình Khánh (phường An Khánh, TP Thủ Đức) vào những ngày đầu tháng 8, PV Báo CAND gặp anh Trường, phụ trách bếp từ thiện này, anh cho biết, tất cả người tình nguyện tham gia nấu đồ ăn ở đây đều là cư dân Block B.

“Khi bệnh viện dã chiến mọc lên ngay cạnh đây, bà con bàn làm cách gì đó để góp sức chống dịch. Ban đầu, các cư dân dự tính quyên góp tiền để mua cơm. Nhưng sau đó, có ý kiến nên tổ chức nấu thì cơm sẽ ngon, giá cũng rẻ hơn”, anh Trường kể. Nhưng cùng lúc nấu hàng trăm suất ăn, thì ai sẽ đứng ra? Nồi lớn, bếp lớn, bao nhiêu thứ cần thiết khác tìm đâu ra lúc này? “Rồi bà con lại nhớ đến tôi. Khi đó, tôi có quán cạnh chung cư mới khai trương ít ngày, phải đóng cửa vì COVID”, anh Trường thông tin thêm.

Sau khi bàn bạc, bà con thống nhất phân công nhiệm vụ cho từng người. Các thành viên của bếp ai cũng cảm thấy vui vì được góp sức. “Em có tay nghề nấu nướng nên tham gia nấu cơm từ thiện với bà con”, Hưng, 30 tuổi, từng là đầu bếp của một nhà hàng trên đường Trần Não gần đó, cho biết.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh tham gia thực hiện hàng trăm suất cơm mỗi ngày để chuyển đến lực lượng tuyến đầu chống COVID-19.

Chị Lợi, một thành viên của bếp bộc bạch, anh ruột và người chị dâu của chị là F0 đang điều trị trong bệnh viện dã chiến này. “Ông anh bị bệnh nền nhưng bà chị lại nặng hơn. Bác sĩ nói chị ấy bị virus làm tổn thương phổi nhưng nay mười phần bớt được bảy rồi, mừng quá. Tôi tình nguyện nấu cơm thật ra cũng như lo cho người nhà mình và cũng là cách để cảm ơn các bác sỹ đã vất vả, cứu sống bao nhiêu mạng người…”

Vừa đảo những miếng thịt heo và đậu đũa trong chiếc chảo lớn, chị Nại, một thành viên khác, kể hai vợ chồng chị bán rau tại chợ nên chị ước lượng được cần bao nhiêu rau, thịt, cá… để cho ra số suất cơm tương ứng mỗi ngày. “Ban đầu, mỗi ngày bếp chỉ nấu vài chục suất thôi. Nhưng qua hơn một tháng hoạt động, giờ tăng lên cả chục lần rồi”, chị Nại cho biết thêm và lý giải vì sao phải cùng lúc làm 2 món mặn: “Người ăn được cá, nhưng cũng có người lại không thích. Nên nếu nấu có một món, người ta bỏ bữa là không được”. Suất cơm luôn có canh, rau luộc, rau xào, trái cây tráng miệng khi thì chuối, khi ổi, thanh long.

Nhìn anh Trường cùng các cư dân của chung cư Bình Khánh như chị Nại, chị Lợi, anh Hưng,… chăm chút từng suất cơm, chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Anh Trường kể, có khi, chín mười giờ đêm rồi, lãnh đạo phường gọi điện thoại hỏi xin cơm cho anh em làm nhiệm vụ. “Nghe vậy, chúng lật đật làm gấp mấy chục suất rồi mang qua phường. Nhìn anh em ăn ngon miệng; lại nhớ đến hình ảnh nhiều y, bác sỹ, nhân viên y tế ngất đi do phải làm việc với cường độ cao, chúng tôi thấy cay cay mắt và biết mình phải cố gắng hơn trong những ngày tới”, anh Trường chia sẻ. Khi hay tin về bếp ăn này, những ngày qua, người chai nước mắm, lọ tương, vài chục quả trứng, người vài kí gạo, con cá, mớ rau tươi, người mua cùng lúc cả mấy túi đầy hàng rồi cho chở thẳng từ siêu thị đến, góp vào bếp. Hôm nào thấy thực phẩm có thể ùn ứ, bếp cho chia sẻ cho bà con đang bị phong tỏa... 

Ở địa chỉ của nhà hàng Cơm Niêu Việt trên đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, chúng tôi gặp anh Trần Thế Dũng (Trần Bùm). Hiện bếp từ thiện tại đây cung cấp miễn phí 2.000 suất ăn cho tuyến đầu, chuyển cơm đến các địa chỉ như: Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, Công an quận Bình Thạnh, UBND phường 1 quận Bình Thạnh, đội phun khử khuẩn số 5 Đinh Tiên Hoàng,…

Anh Trí kể anh mở bếp từ ngày 9/7 sau khi nhận được khoản hỗ trợ 100 triệu đồng của một người em kinh doanh bất động sản ở Long An. “Lúc đầu, tôi không kêu gọi cộng đồng mà chỉ tự tổ chức bếp nấu 500 suất/ngày, gửi đến bà con lao động nghèo tại các khu cách ly và những người vô gia cư. Tuy nhiên, sau 2 tuần giãn cách, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, lực lượng tuyến đầu gần như kiệt sức, trong khi việc ra đường bị siết chặt lại nên chúng tôi quyết định kết nối thêm với nhiều anh em khác”, anh Trí kể.

Lan toả những “bữa cơm yêu thương”

Trong đợt này, tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 2 tháng căng mình chống dịch. Nhiệm vụ trĩu nặng trên vai lực lượng tuyến đầu, nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Hình ảnh những “chiến binh” áo trắng có người lả đi vì kiệt sức đã lay động hàng triệu trái tim người dân.

Giữa tâm dịch, nhiều nghệ sỹ (NS) đã hưởng ứng tinh thần… đỏ lửa các bếp cơm từ thiện. “Bếp ăn Thương Sài Gòn” do Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức nhận được sự đồng hành của nhiều NS, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm. NSƯT Lê Tứ đảm nhận khâu vận chuyển rau củ từ gian bếp đến những bếp ăn khác trên địa bàn; NS Đại Nghĩa tích cực kêu gọi, quyên góp hàng mỗi ngày cả tấn rau củ, đồ hộp gửi đến bếp... Mỗi ngày, bếp nấu khoảng hơn 1.000 phần cơm.

Chung tay chia sẻ với người lao động nghèo, người dân khó khăn trong các khu vực bị phong tỏa, NS Hữu Quốc, nhà thiết kế Phương Hồ cùng nhiều diễn viên, ca sỹ cũng góp sức mở “Gian bếp 0 đồng”. Ban đầu, bếp dự kiến chỉ phát 500 phần cơm chiều (vào ngày thứ tư hàng tuần) nhưng giờ thì đã gấp đôi; bánh mì thì 1.500 phần, tăng gấp 3 so với dự kiến...

Những suất ăn từ “Bếp nhà yêu thương” đầy đủ chất dinh dưỡng gói trọn tình thương cho y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Bếp ăn do CLB Suối mát từ tâm và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với sự tham gia của Hoa hậu Tiểu Vy, Á hậu Kiều Loan, Phương Anh, Ngọc Thảo chung tay, góp sức... đã phát hơn 1.500 suất ăn vào trưa và chiều mỗi ngày. Không trực tiếp vào bếp nhưng ca sĩ Hà Anh Tuấn mới đây đã góp 25 tấn gạo, 50 ngàn quả trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn để "cả Sài Gòn cùng nhau nấu cơm".

Thực tế ngay từ cuối tháng 5/2021, khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, giữa tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo,… bằng tấm lòng thơm thảo của mình, mỗi ngày nấu hàng chục ngàn suất ăn hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, các khu cách ly, điểm phong toả trên địa bàn. Hai anh Nguyễn Hoàng Tú (quận 11) và anh Cổ Văn Long (quận 8) cùng những người bạn tình nguyện của mình đến nay đã nấu hơn 420.000 phần cơm nghĩa tình, gửi tới các “điểm nóng” như quận Gò Vấp, quận 12, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Không chỉ trực tiếp vào bếp nấu cơm từ thiện, ở phường Võ Thị Sáu, quận 3, cụ bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, 78 tuổi còn tích cực vận động thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch.

Chỉ riêng câu chuyện “cơm từ thiện”, đã có nhiều cách làm rất sáng tạo, huy động được sức mạnh của cộng đồng. Kết thúc 2 đợt thành phố thực hiện giãn cách gần đây nhất, dù chỉ mới ra đời tròn 1 tháng, dự án 'Bếp nhà yêu thương” đã nấu được gần 20.000 suất ăn miễn phí chuyển đến lực lượng tuyến đầu và cho bà con nghèo trong các khu cách ly, khu phong toả và Bệnh viện dã chiến số 8.

Người quản lý “Bếp nhà yêu thương” là Lê Tuấn Tú. Tốt nghiệp ngành cơ điện ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh nhưng ít ai ngờ rằng, chàng trai 29 tuổi này lại gắn bó với công tác thiện nguyện từ cách nay hơn chục năm, khi còn là sinh viên phục vụ cho Quán cơm 2000. Dự án “Bếp nhà yêu thương” ra đời thuộc chuỗi hoạt động của Quán cơm 2000 đồng Sài Gòn (quận 10), do tổ chức thiện nguyện “Người tôi cưu mang” tổ chức.

“Trước đây, khi chưa có dịch, quán chủ yếu phát cơm từ thiện cho bà con cơ nhỡ, khó khăn, bán vé số, neo đơn. Khi thành phố phải giãn cách, chúng tôi nảy ý tưởng mở dự án này, bằng cách kết nối các bếp ăn khác nhau do Quán cơm 2000 cung ứng nguyên liệu để nấu và đưa tận tay các suất ăn người khó khăn ở nhiều địa bàn khác nhau”, Tú cho biết.

Địa chỉ chính của Quán cơm 2000 giờ đã trở thành… kho tiếp nhận hàng chục tấn gạo và các nguồn rau, củ quả từ Lâm Đồng, Đắk Lắk chuyển về. Mỗi buổi sáng, từ rất sớm, các thành viên của quán bắt đầu vào bếp nấu ăn. Đến 9h, khâu nấu nướng hoàn tất, các suất ăn được chuyển đi… Đồng thời, nhóm cũng giao thực phẩm miễn phí đến hàng chục, hàng trăm điểm bếp liên kết để các bếp chủ động sắp xếp thời gian và tổ chức nấu theo khả năng.

"Bếp nhà là nơi lan tỏa yêu thương. Mong mỗi bếp ăn sẽ là một cầu nối để những suất ăn đầy dinh dưỡng được chuyển đến lực lượng tuyến đầu và bà con. Một điểm bếp chỉ giúp được vài hoàn cảnh, nhưng hàng chục, hàng trăm điểm bếp sẽ giúp hàng trăm, hàng nghìn người có bữa ăn ngon để cùng nhau vượt qua đại dịch", Tú chia sẻ với PV Báo CAND như vậy và cho hay, chương trình sẽ được tổ chức đến khi thành phố dừng phong tỏa theo Chỉ thị 16. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế, nhóm thiện nguyện sẽ điều chỉnh từng phần hoặc tổng thể cách hỗ trợ bà con ở các nơi.

Chị Trần Thị Nhung, Phụ trách công tác đối ngoại của Bệnh viện Bình Dân - nơi có 300 cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng được điều động đến hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến số 8 - cho biết, chị là người trực tiếp nhận những phần quà, suất ăn nghĩa tình từ dự án “Bếp nhà yêu thương”.

“Thay mặt cho những y bác sĩ của bệnh viện đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu, tôi chỉ biết nói rằng, vô cùng cảm động khi được người dân quan tâm. Chống dịch như chống giặc – với tinh thần ấy, nhân viên y tế những ngày này đều phải khẩn trương, tận dụng từng giây, từng phút để giành lại mạng sống cho các bệnh nhân. Nhận những suất ăn dinh dưỡng, nghĩa tình này, anh em chúng tôi có thêm sức lực, tinh thần mới để chăm sóc cho bệnh nhân được tốt hơn”, chị Nhung nói.

Mà đâu phải chỉ có những suất cơm, theo lời chị Nhung, có lúc các y bác sĩ bất ngờ nhận được nhiều món quà quê gửi tới như hàng trăm ký chanh, thanh long, chuối từ vườn nhà bà con. “Ân tình, kỷ niệm không sao kể xiết. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ sớm vượt qua những ngày khó khăn, để thành phố cùng cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường”, chị Nhung bộc bạch.

Bí thư Đoàn Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh – Nguyễn Văn Tiến, chia sẻ, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống của rất nhiều người lao động nghèo bị ảnh hưởng. Ngay cả anh em làm nhiệm vụ đội nắng, dầm mưa nhưng đôi khi bữa ăn chính chỉ là ổ bánh, gói mì, cái bánh bao.

“Chứng kiến tình cảnh này, anh em trong đơn vị nghĩ mình cần làm một cái gì đó thiết thực hơn, hỗ trợ bà con và anh em đồng chí, đồng nghiệp mình”, Thượng úy Nguyễn Văn Tiến bộc bạch. Từ ý nghĩ ban đầu, Đoàn thanh niên - Hội phụ nữ - Công đoàn của đơn vị đã phối hợp của Bếp ăn lực lượng Phản ứng nhanh thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố hưởng ứng Chương trình “Bữa cơm nhân ái”. Nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn được các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị cùng một số Mạnh Thường qQân chung tay góp sức. Sau những ca trực, các “bóng hồng” CSGT tranh thủ di chuyển đến Trung tâm dịch vụ việc làm-Thành đoàn (đặt tại quận Gò Vấp), mỗi người mỗi việc,…

Mỗi ngày, bếp nơi đây thực hiện 400 suất cơm. Xong, trực tiếp anh em CSGT chuyển đến Bình Chánh – huyện ngoại thành có số ca F0 khá cao chuyển tận tay người dân khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh và lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt. “Để có những suất cơm, canh nóng hổi đầy đủ chất dinh dưỡng, đến với bà con và những anh em đang làm nhiệm vụ, anh chị em tại bếp luôn lưu ý thay đổi thực đơn mỗi ngày mỗi khác, luôn đảm bảo yếu tố dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Chúng tôi mong tất cả chúng ta luôn đủ sức khỏe, tinh thần để tiếp tục với cuộc chiến còn gian nan phía trước”, Đại úy Nguyễn Phạm Anh Thư, Đội CSGT Tân Sơn Nhất chia sẻ.

Trung úy Đậu Minh Trang, cán bộ Đội Tham mưu Phòng CSGT cho biết, do đang trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên mọi công đoạn từ chuẩn bị cho việc nấu nướng cho đến khâu cấp phát thức ăn đều được thực hiện chu đáo, chặt chẽ, an toàn. Thượng úy Nguyễn Văn Tiến cho biết, bếp ăn sẽ được thực hiện cho đến khi các lực lượng tuyến đầu có thể về bên gia đình…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi