Thứ Bảy, 28/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Học Bác để “Tận hiếu với dân”

Nếu Yên Bái là đơn vị Công an cấp tỉnh dẫn đầu cả nước trong thực hiện hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an triển khai, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, thì huyện Trấn Yên là đơn vị dẫn đầu địa phương, được Giám đốc Công an tỉnh biểu dương, ghi nhận.

Kết quả đó là sự đồng tâm, đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Trấn Yên, điển hình là tấm gương học Bác để “tận hiếu với dân” của nữ Trung tá, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Đinh Thị Thu Hương.

Những ngày Tháng Tám đầy ắp hoạt động chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945-19/8/2021), 16 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2021), đặc biệt là 75 năm Ngày thành lập Công an tỉnh Yên Bái (16/8/1946-16/8/2021). Hòa vào niềm vui chung của lực lượng Công an, chúng tôi đã về Công an huyện Trấn Yên để gặp người nữ Đội trưởng được dân tin, dân yêu nhờ thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngay từ phút đầu, nữ Trung tá Thu Hương đã để lại nhiều thiện cảm đối với tôi. Đó là một cô gái có dáng người dong dỏng, xinh xắn, nước da trắng hồng, đôi mắt sáng và vô cùng thân thiện, gần gũi dù chị đang rất bộn bề với việc sắp xếp, chuyển trả khối lượng lớn thẻ CCCD và liên tục những cuộc điện thoại xin ý kiến của cán bộ.

Trung tá Đinh Thị Thu Hương hỗ trợ đồng đội lấy vân tay làm CCCD cho đồng bào dân tộc Mông các xã vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh tư liệu.

Sinh ra trong một gia đình bố làm nhà giáo, mẹ làm ngân hàng, nhưng Hương và anh trai lại theo ngành Công an. Có lẽ vì mê hình ảnh người chiến sĩ CAND từ nhỏ nên cô chọn Trường Trung học Cảnh sát nhân dân I dù thi đỗ và đã vào học gần 2 tháng tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, cô về nhận công tác tại Phòng CSĐT Công an tỉnh, rồi Công an thành phố, làm Cảnh sát khu vực phường Yên Thịnh, Hồng Hà. Năm 2004, trở lại Đội CSĐT Công an TP Yên Bái và năm 2009, được điều sang Đội phó Đội Cảnh sát QLHC về TTXH.

Cuối năm 2019 đến nay, về làm Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Trấn Yên. Nhìn vào chiếc giá tự tạo để sắp xếp những tấm thẻ CCCD của 21 xã, thị trấn theo thứ tự từ vùng cao tới vùng thấp và trình tự các thôn, bản trong từng xã của huyện nông thôn mới Trấn Yên, mới thấy tính khoa học, sáng tạo của Đinh Thị Thu Hương trong công việc. Song, cô chỉ coi đó là việc bình thường, “ai cũng làm được”, kể cả kết quả vượt khó hoàn thành nhiệm vụ cấp thẻ CCCD đứng đầu tỉnh, cô cũng khiêm tốn: “Đã là nhiệm vụ thì Công an huyện nào cũng phải hoàn thành, nhất là nhiệm vụ được phục vụ nhân dân”.

Áp lực công việc lớn, lực lượng mỏng, địa bàn rộng, bí quyết nào giúp Đội của Hương hoàn thành nhiệm vụ? Trả lời câu hỏi của tôi, chị cho biết: Để hoàn thành được nhiệm vụ, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Công an huyện chọn 20 cán bộ trẻ, năng động, biết sử dụng thành thạo máy tính, có ý thức, trách nhiệm. Sau đó, họp quán triệt nội dung nhiệm vụ và xác định rõ mục tiêu của chiến dịch lần này là mình cần dân giúp chứ không phải mình đến giúp dân. Ngoài chọn những anh em chưa lập gia đình để trực ca đêm, chúng tôi phải chọn những anh em có thể lực tốt để vượt suối, trèo đèo, mang phương tiện, máy móc tới tận thôn, thậm chí tận hộ, để phục vụ bà con, nhất là những đối tượng yếu thế, bệnh tật. Tập thể Đội đều coi đây là dịp để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ, dựa vào nhân dân để công tác như lời Bác dạy. Cá nhân tôi cũng chỉ đạo anh em về cơ sở phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân. Khi bắt đầu có dịch bệnh COVID-19, cũng là lúc chúng tôi phải hoàn thành cấp thẻ CCCD ở những điểm cuối cùng trong huyện. Do đó, hành trang mang theo ngoài máy móc, thiết bị, lương thực còn có khẩu trang, nước sát khuẩn phát cho nhân dân, đảm bảo thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Quán triệt phương châm: “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” gắn với lời dạy của Bác: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong chỉ đạo điều hành, người nữ Đội trưởng ấy còn luôn gắn việc thực hiện Chỉ thị 04 của Bộ Công an và Cuộc vận động học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, Đinh Thị Thu Hương đã và đang làm lan tỏa rộng rãi hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của người chiến sĩ CAND Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung tới đồng bào nhân dân các dân tộc trong thực thi nhiệm vụ ở địa phương.

Theo đó, quá trình cấp thẻ CCCD tại 21 xã, thị trấn trong huyện, chị đã điều chỉnh, cải tiến, đổi mới lề lối làm việc của toàn Đội, đảm bảo thuận lợi nhất cho nhân dân, thắt chặt tình cảm của nhân dân với Công an. “Được dân tin, dân ủng hộ nên mặc dù 2h sáng, chúng tôi vẫn mời được đồng bào đến xếp hàng giãn cách để thực hiện nhiệm vụ cấp thẻ CCCD” – Trung tá Hương tâm sự.

Được biết, để hoàn thành nhiệm vụ, chị đã phân công anh em bám địa bàn, rà soát, phân loại đối tượng cấp CCCD để tiến hành theo hình thức cuốn chiếu cho các đối tượng chính sách, Ban Thường vụ các xã, thị trấn, cán bộ, công nhân viên, học sinh, các cơ quan, doanh nghiệp theo địa bàn, người có uy tín ở 100% số xã, thị trấn trước. Đối với đơn vị lực lượng vũ trang như Nhà máy Z183, Trại giam Hồng Ca, Đội bố trí vào tận nơi để làm. Sau đó, thực hiện cấp đại trà cho nhân dân trong huyện. Địa bàn rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, cả Đội chỉ có 2 chiếc máy phải chia thành 2 tổ ở 2 địa điểm riêng, đảm bảo chỉ tiêu 400-500 hồ sơ/ngày khiến chị phải liên tục di chuyển đến hai địa điểm để chỉ đạo và kịp thời xử lý ngay các tình huống phát sinh tại cơ sở.

Để phục vụ nhân dân được chu đáo, tiết kiệm thời gian chờ đợi của bà con, hạn chế bức xúc không đáng có khi xếp hàng, Trung tá Hương đã có sáng kiến ưu tiên các đối tượng thuộc diện chính sách, người có uy tín, người già trên 70 tuổi và phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi cấp trước 22h. Đồng thời, khoán người, khoán việc cho cán bộ, chiến sĩ phối hợp với trưởng thôn, Công an xã đánh số thứ tự cho từng xã, từng hộ vừa để người dân chủ động thu xếp công việc gia đình đến tham gia làm thủ tục, vừa nâng cao tính khoa học, chính xác, chủ động, tạo khí thế thi đua hoàn thành sớm tiến độ cấp thẻ. Với những đối tượng già yếu, bệnh tật, neo đơn không thể ra nhà văn hóa thôn, chị đã linh hoạt tổ chức cho cán bộ mang máy tới tận nhà cấp lưu động khiến người dân rất hài lòng.Với các đối tượng đi làm ăn xa, chị tham mưu cho cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch vận động người dân về tham gia kịp tiến độ.

Tại các thôn người Mông vùng sâu như Đồng Ruộng (Kiên Thành); Khe Ron, Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Hồng Tiến (Hồng Ca)…, chị tham mưu cho lãnh đạo xã và trưởng thôn đến tận nhà vận động dân thu xếp thời gian cuối buổi chiều đến nhà văn hóa thôn để cán bộ làm thông tới sáng. Thống kê đủ số người, chị cùng anh em chuẩn bị sẵn hơn 300 suất ăn miễn phí dặn trưởng thôn thông báo cho bà con để những người đi nương về muộn có thể tới làm ngay và được phục vụ ăn uống tại chỗ.

Trung tá Đinh Thị Thu Hương chia sẻ: “Khi chúng tôi mang đồ ăn vào đã thấy bà con có mặt đầy đủ. Vậy là cả tổ bắt tay vào làm ngay, một số anh em cùng với xã tham gia công tác hậu cần, kê bàn ghế ra sân nhà văn hóa. Người biết tiếng Mông cùng trưởng thôn phiên dịch, điều hành giãn cách cấp thẻ. Hộ nào mang theo trẻ nhỏ, chúng tôi chuẩn bị sẵn cả bánh kẹo cho các cháu. Vậy là người chờ đến lượt sẽ ăn trước, người làm xong ra ăn sau. Cứ thế, 2 chiếc máy và cả đội làm việc hết công suất cho tới 6 giờ sáng hôm sau, nhưng tất cả đều vui vì nhiệm vụ đã hoàn thành”.

“Có được những thành công trong công tác, ngoài sự giúp đỡ, chia sẻ của người bạn đời, cũng là người đồng nghiệp ở Đội Kỹ thuật Hình sự Công an thành phố Yên Bái, có lẽ còn nhờ quá trình tu dưỡng, phấn đấu và gắn bó với nhân dân từ khi còn là Cảnh sát khu vực ở hai phường của thành phố Yên Bái” - Thu Hương chia sẻ. Nhiều năm liên tục được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái tặng Bằng khen. Song, với cô gái sinh năm 1979 hết lòng “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân” ấy, tấm bằng khen quý giá nhất chính là tình cảm yêu mến của đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào nhân dân các dân tộc nơi vùng cao Yên Bái đã dành cho.

Nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi