Gần 15 năm giảng dạy tại Học viện An ninh nhân dân (ANND) - C500, mỗi buổi lên lớp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ luôn cố gắng để bổ sung kiến thức và đổi mới phương pháp dạy học để tạo hứng thú học tập cho sinh viên.
Những ngày tháng 11, tháng tri ân những “người lái đò thầm lặng”, tôi được gặp và trò chuyện cùng Thiếu tá, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Huệ, giảng viên Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn (LLCT &KHXHNV), Học viện ANND sau khi kết thúc tiết học trên giảng đường. Chị sinh năm 1988 tại Thanh Hóa trong một gia đình có truyền thống CAND.
Năm 2010 là một dấu mốc đến bây giờ Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Huệ sẽ không bao giờ quên. Thời điểm đó vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH) với thành tích “Sinh viên giỏi toàn khoá”, khi biết thông tin Học viện An ninh nhân dân đang tuyển giảng viên giảng dạy CNXHKH, chị nộp hồ sơ và thi tuyển.
Thiếu tá, TS Nguyễn Thị Minh Huệ luôn đổi mới phương pháp dạy học trong từng tiết giảng.
“Ngay từ thời điểm là sinh viên tôi đã được các thầy cô truyền đạt cho mình một lý tưởng cách mạng và niềm say mê với giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị và đặc biệt hơn là tình yêu với ngành Công an nên đã thôi thúc tôi để cố gắng chuẩn bị bài giảng đầu tiên thật tốt để giảng trước hội đồng. Khi vào giảng nhìn các thầy, cô toàn thượng tá, đại tá ngồi hội đồng duyệt giảng cũng run lắm nhưng với sự tự tin về kiến thức, kỹ năng đã giúp tôi có bài giảng hoàn chỉnh và trúng tuyển làm giảng viên của Bộ môn LLCT & KHXHNV từ ngày 15/11/2010” - Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Huệ bồi hồi kể lại.
Mỗi khoảnh khắc trôi qua thì kinh nghiệm quý lại được rút ra từng ngày, từng giờ và ngay cả trong từng tiết giảng. Trong suốt thời gian giảng dạy tại Khoa LLCT và KHXHNV, Học viện ANND, chị luôn cố gắng tìm tòi, cập nhật kiến thức mới để có thể đưa thực tiễn vào bài giảng và học hỏi những phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng công nghệ nhằm tăng hứng thú học tập cho học viên.
Năm học 2015 - 2016 sau khi hoàn thành hội thi giảng viên giỏi cấp Học viện, chị được cử tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi các trường đại học, học viện của Bộ Công an và xuất sắc đoạt giải Nhất lĩnh vực Lý luận chính trị trong Hội thi năm đó. Chia sẻ về kỷ niệm Hội thi năm đó, chị cảm thấy vừa là vinh dự nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ khi bản thân mới 5 năm thực hiện công tác giảng dạy, kinh nghiệm còn ít nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự hỗ trợ của đồng nghiệp và các học viên, chị đã mang lại thành tích cao cho Học viện.
Trong những năm công tác, chị đã chủ nhiệm 1 đề tài khoa học cấp cơ sở đạt loại xuất sắc, tham gia nghiên cứu 2 đề tài khoa học cấp Bộ, 1 sáng kiến cải tiến và hơn 50 bài báo khoa học, hội thảo... và hàng chục nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) đã được chị hướng dẫn và đều đạt được giải cao trong cuộc thi NCKH của sinh viên. Năm 2019, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và cùng năm đó cũng là nhận chức danh Giảng viên chính. Năm 2021, chị đoạt giải khuyến khích Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Trong vai trò của một giảng viên, người truyền lửa đam mê đến học trò, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Huệ tâm niệm: Đầu tiên, người thầy phải miệt mài nghiên cứu làm nội dung bài giảng của mình phải thực sự đi vào chiều sâu. Mỗi tiết học phải thực sự là một dấu ấn trong lòng của học viên. Cùng với đó là phải có sự liên hệ giữa lý luận với thực tiễn và với nhiệm vụ của lực lượng CAND trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
Mặt khác, trên giảng đường hoặc ngoài giờ lên lớp mỗi thầy cô cũng phải tạo được sự quan tâm, gần gũi với học viên để học viên muốn được trao đổi, trò chuyện, tâm sự. Qua đó biết được học viên có khó khăn và vấn đề gì để hỗ trợ học viên và bổ sung, hoàn thiện mình hơn.
Tuy nhiên, việc giảng dạy ở những môn LLCT nói chung và môn Chủ nghĩa XHKH nói riêng mà chị đang đảm nhận cũng có rất nhiều khó khăn mà chị đang trăn trở. “Việc truyền cảm hứng và đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học viên trong say mê học tập, nghiên cứu là rất quan trọng… từ đây các em sẽ có lập trường tư tưởng chính trị và lý tưởng, bản lĩnh cách mạng” - Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Huệ chia sẻ.
Đến thời điểm này, khi chứng kiến những thế hệ học viên của mình tốt nghiệp và trưởng thành thì đối với mỗi giảng viên như chị luôn cảm thấy bồi hồi, xúc động vì đã trở thành một phần trong chặng đường của mỗi em và chị cũng luôn tự nhủ rằng cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa để có thể đóng góp nhiều hơn đối với công tác giáo dục, đào tạo nước nhà.
Chị mong mỏi rằng: “Những học viên của Học viện ANND luôn thành công, luôn giữ được những tình cảm tốt đẹp dành cho các thầy cô giáo trong trường. Từ đó biến những tình cảm thành những hành động cụ thể, không ngừng phấn đấu trong học tập và trong cuộc sống. Khi các em thành công, đó chính là phần thưởng cao quý nhất, ý nghĩa nhất với tôi…”.
Nguồn: Báo CAND