Thứ Năm, 2/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nữ bác sĩ Công an nơi tâm dịch

Sắp đến dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 lần này, chúng tôi muốn kể câu chuyện về Thượng tá, Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Mỹ Phượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Công an TP Hồ Chí Minh.

Một “chữ duyên” với hai màu áo

Hẹn gặp tại trụ sở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, hỏi chị về công việc, chị cười và bảo cứ mỗi khi ai hỏi về chuyện vào ngành, về công việc, chị đều kể khá giống nhau vì cuộc đời chị đã trải qua một khoảng thời gian rất đẹp và đúng như mong muốn của chị được cống hiến trong ngành, làm những việc ý nghĩa, được cùng chồng chăm sóc con cái học tập, thành đạt... nên chị gần như “thuộc lòng”.

Năm 2009, khi cả gia đình đang còn ở Tiền Giang, chị đang là bác sĩ rất có uy tín với đồng nghiệp và bệnh nhân tại Bệnh viện (BV) Đa khoa trung tâm Tiền Giang thì người con trai lớn của chị nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Năng khiếu (lớp 9 lên lớp 10) của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, cứ vào cuối tuần chị lại sắp xếp về TP Hồ Chí Minh, tới nhà trọ của con để nấu ăn, chăm sóc cho con... Lúc đó, nhìn con còn nhỏ mà phải xa nhà, ở nhà trọ để học nên chị đã bàn bạc với chồng về ý định muốn chuyển công tác về TP Hồ Chí Minh để tiếp tục làm việc và có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ con trai và cả đứa con gái nhỏ học tập ở thành phố.

Nữ bác sĩ Công an nơi tâm dịch -0
Thượng tá, Bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng chỉ đạo công tác lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, chiến sĩ.

“Lúc đó, cũng có một số BV ở TP Hồ Chí Minh tôi biết có thể xin vào nhưng khi biết BV Công an TP Hồ Chí Minh đang rất thiếu nhân lực bác sĩ, nhất là bác sĩ có trình độ sau đại học, đang tuyển người nên tôi nộp đơn vào. Do đáp ứng đủ điều kiện và nhất là tôi có bằng sau đại học của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh (chị tốt nghiệp Trường Đại học Y dược, sau đó học Chuyên khoa I, Chuyên khoa II cũng tại trường này), tôi đã được tuyển vào ngành và làm việc tại BV Công an TP Hồ Chí Minh từ tháng 10-2009 cho đến nay”, bác sĩ Phượng kể lại.

Thời điểm đó, do có bằng sau đại học và xét thâm niên công tác nên chị được phong luôn quân hàm đại úy. Sau thời gian đi học nghiệp vụ theo quy định của ngành, bác sĩ Phượng được bổ nhiệm làm Phó trưởng Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu của BV.

Muốn tìm mọi cách giúp BV nâng chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh, chị xác định ngoài việc chính chăm lo để các con tu chí học tập, chị luôn dành nhiều thời gian cho công việc. Tận tụy với nghề, lại vững vàng trong chuyên môn, bác sĩ Phượng không chỉ đặt hết năng lực mà còn đặt trọn cái tâm của người “mẹ hiền” vào việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân là CBCS và nhân dân... 

Yêu nghề, vững vàng trong chuyên môn và tận tình với người bệnh, chỉ sau một thời gian gắn bó với BV, chị được người bệnh và đồng nghiệp tín nhiệm. Công việc của chị bắt đầu từ sáng tới tận chiều muộn. Chồng ở xa, con gái út còn bé, một mình chị xoay xở để lo cho hai con và nhất là gắn bó với công việc. Những hôm trực đêm, chị phải mang theo cả con gái nhỏ vào BV. Được đào tạo chuyên khoa tim mạch lão khoa nên chị còn được giao đảm nhiệm thêm việc chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng thuộc gia đình chính sách của lực lượng và một số thân nhân liệt sĩ.

Từ nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, chị đã được bổ nhiệm Trưởng Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu, rồi Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của BV Công an TP Hồ Chí Minh. Lúc này, chị đảm nhiệm thêm công tác chăm sóc sức khỏe của Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh và xét tiêu chuẩn Chiến sĩ khỏe hằng năm cho CBCS toàn lực lượng, nên hầu hết thời gian của bản thân, chị đều dành cho công việc. Dù bận rộn là thế nhưng vẫn chưa bằng lòng với trình độ chuyên môn của bản thân, chị tiếp tục xin đi học thêm 2 năm (2017-2019) bác sĩ Chuyên khoa II tại Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để nâng cao trình độ, phục vụ công tác hiệu quả hơn nữa.

Chị cười cho biết, ngày tốt nghiệp, chị và con trai lên nhận bằng cùng một ngày, chị thì nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa II, con trai chị tốt nghiệp Chuyên khoa I. “Thực sự, đó là niềm hạnh phúc rất lớn của mẹ con tôi cũng như cả gia đình, vì đó là tâm nguyện của tôi muốn các con học hành đàng hoàng. Hiện, con trai tôi đang công tác tại BV Chợ Rẫy còn con gái của tôi đang học năm 3 đại học”, chị cho biết.

Năm 2018, một số phòng của Công an TP Hồ Chí Minh sát nhập, chị được bổ nhiệm thêm chức vụ Phó Trưởng phòng Hậu cần kiêm Giám đốc Nhà nghỉ dưỡng của Công an thành phố (đóng ở TP Vũng Tàu). Công việc nhiều thêm, trách nhiệm cũng nhiều hơn, chị phải đi lại nhiều giữa các nơi mình phụ trách. Với tính cách làm gì cũng hết sức quyết liệt, nỗ lực để hoàn thành thật tốt, chị đã lên kế hoạch và được cấp trên đồng ý đại tu khu nghỉ dưỡng của Công an TP Hồ Chí Minh tại TP Vũng Tàu. Có nhiều ngày, sáng lên xe từ TP Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu để giám sát công việc, chiều tối chị đã phải có mặt ở thành phố để hôm sau xuống BV trực tiếp khám, chữa bệnh tại phòng khám hoặc sinh hoạt chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên. 

Chưa kể, chịu trách nhiệm phụ trách chuyên môn của BV, cứ 2 năm một lần, chị lại lăn xả, hướng dẫn, chỉ dạy cho cán bộ, đồng đội của mình tập luyện, tham gia và đạt thành tích cao trong các Hội thi Điều dưỡng CAND giỏi, ghi nhiều dấu ấn với các đơn vị bạn.

Nữ bác sĩ Công an nơi tâm dịch -0
Bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng và con nhận Bằng tốt nghiệp Chuyên khoa II và Chuyên khoa I cùng một ngày.

Quên mình lao vào tâm dịch

Thời điểm giữa năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh là tuyến đầu chống dịch. Bản thân chị đã trực tiếp tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố điều phối, vận động các nguồn tài trợ lương thực, thực phẩm và phân bổ cho các đơn vị trực thuộc. Cụ thể, chị đã cùng đồng đội vận động được 120 tấn gạo, 263 tấn rau củ, nhu yếu phẩm và dụng cụ y tế các loại. Chị cũng phối hợp với các bộ phận của BV Công an thành phố tổ chức xét nghiệm định kỳ cho Ban Giám đốc và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các phòng, ban để chống dịch trong trụ sở 268 Trần Hưng Đạo. Chị còn tham mưu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại các trụ sở Công an thành phố, trụ sở cơ quan, đơn vị, các trại tạm giam, nhà tạm giữ, hạn chế tối đa sự xâm nhập và lan rộng của dịch bệnh. Chị cũng tổ chức giám sát chủ động, theo dõi và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho CBCS Công an thành phố và thân nhân, tổ chức tiêm vaccine cho các đối tượng giam giữ...

Khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mọi hoạt động đi lại của người dân gần như tạm ngưng. Bên cạnh việc chính là theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho CBCS Công an thành phố, do quân số đông, khẩu trang không đủ cho CBCS dùng, chị lại lo liên hệ khắp nơi, xin khẩu trang, cồn sát khuẩn từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm để kịp thời cấp phát, đảm bảo cho CBCS yên tâm công tác.

Tiếp đó, các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho các nhà ăn, khu cách ly của Công an thành phố bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch, một lần nữa chị lại cùng các đồng nghiệp xoay xở, đôn đáo khắp nơi vận động xin hỗ trợ, tiếp nhận hay tìm mua thực phẩm để cung cấp đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho CBCS...

Trong tâm dịch, với tinh thần, trách nhiệm của mình, chị luôn sẵn sàng lao vào các BV, nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 để hỗ trợ, nắm bắt tình hình sức khỏe của CBCS đang điều trị. Khi có trường hợp CBCS hoặc thân nhân bị nhiễm COVID-19, chị đều hết lòng hỗ trợ. Không chỉ cấp trên tin tưởng mà đồng nghiệp cũng yêu mến, đánh giá cao năng lực chuyên môn và những đóng góp của chị tại BV Công an TP Hồ Chí Minh. 

Nhớ lại thời điểm đó, chị cho biết CBCS Công an thành phố bị nhiễm bệnh rất nhiều và cũng do chính sách cách ly rất chặt chẽ nên việc theo dõi, bóc tách, chăm sóc các trường hợp CBCS là F0, F1 rất vất vả, căng thẳng. “Như trường hợp đồng chí Phạm Chiến Đấu (cán bộ Công an phường Phú Trung, quận Tân Phú, cán bộ đầu tiên của Công an TP Hồ Chí Minh bị nhiễm COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ), lúc đầu điều trị ở BV Công an thành phố, sau tình trạng chuyển nặng quá phải chuyển qua BV Bệnh nhiệt đới rồi BV Chợ Rẫy điều trị. Dù vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như việc điều trị để báo cáo Ban Giám đốc cũng như cùng phối hợp để bệnh nhân này được điều trị tốt nhất. May mắn là dù phải điều trị ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) nhưng anh ấy đã vượt qua và hồi phục”, bác sĩ Phượng kể lại. 

Sau đó, do có quá nhiều trường hợp CBCS bị nhiễm bệnh nên chị với trách nhiệm của mình phải liên hệ chuyển họ về nhiều BV trên địa bàn thành phố để có điều kiện điều trị tốt hơn. Chưa kể là cả những trường hợp thân nhân của CBCS nhiễm bệnh, chị và đồng nghiệp cũng có trách nhiệm theo dõi, giúp chuyển viện dã chiến để được điều trị, theo dõi tình trạng sức khỏe giúp CBCS yên tâm công tác...

“Thời điểm đó, gần như tôi không có thời gian ăn uống ở nhà, sáng sớm đã đi làm, về đến nhà đã khuya, nên con gái ở nhà toàn phải tự lo ăn uống, nhiều đêm về thấy con ăn mì gói mà xót xa. Chồng tôi thì phải ở lại cơ quan do thực hiện “3 tại chỗ”, con trai tôi cũng tham gia điều trị tại các BV dã chiến nên suốt mấy tháng trời, cả nhà gần như không gặp nhau. Có nhiều đêm khi 11-12 giờ khuya tôi vẫn còn ngoài đường, nhìn các CBCS phải trực cả đêm tại các chốt, trạm kiểm soát, tôi thương quá nên thường mang theo các bịch trái cây hay bánh kẹo đến đưa cho họ ăn cho đỡ đói...”, chị bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian dịch bùng phát. 

Nhưng, cũng do làm việc quá áp lực, mệt mỏi nên chị và đồng nghiệp có lúc quên cả ăn khiến đường huyết bị tụt xuống đến chóng mặt, loạng choạng. Những lúc đói quá, chị và đồng nghiệp chỉ biết ngậm kẹo cho đỡ. Có lần, do căng thẳng và mệt mỏi, chị mở cửa phòng làm việc rồi đóng sầm lại mà quên chưa rút tay khiến cửa phòng dập vào tay chị gây thương tích khá nặng, chảy máu rất nhiều.

Nữ bác sĩ Công an nơi tâm dịch -0
Bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Dù đã nỗ lực cố gắng hết mình nhưng cũng có những việc khiến chị không khỏi day dứt.“Lúc đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mỏng manh. Nhiều đêm đi ngoài đường phố toàn thấy xe cứu thương nên tâm trạng cũng không khỏi lo lắng. Có lúc người quen biết gọi điện nhờ tôi chuyển người thân của họ đi BV dã chiến hay chuyển viện, ngoài những trường hợp tôi giúp đỡ kịp thời thì cũng có trường hợp khi tôi chưa liên lạc kịp thì người thân của họ đã mất rồi... Cũng có người nhờ xin tiêm vaccine nhưng khi đó nguồn vaccine rất hiếm và chủ yếu dành cho CBCS tuyến đầu nên tôi không giúp được... Những chuyện đó khiến tôi cứ day dứt mãi vì không thể giúp hết mọi người”, chị trầm ngâm.

Cuối tháng 1-2022, BV Công an TP Hồ Chí Minh được công bố thành lập chuyển từ trực thuộc Phòng Hậu cần sang trực thuộc Ban Giám đốc Công an thành phố, nâng tầm BV từ đơn vị cấp đội lên đơn vị cấp phòng. Việc này nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển, nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của lực lượng cán bộ y tế BV Công an thành phố. Tại lễ công bố, chị tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc BV Công an thành phố.

Với nhiều thành tích xuất sắc đã đạt được, bác sĩ Phượng được nhận Bằng khen của Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh và nhiều Giấy khen của Công an thành phố cùng các cơ quan, ban, ngành khác...

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi