Thứ Bảy, 28/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ở hai đầu nỗi nhớ…

Họ là những cặp vợ chồng đặc biệt, bởi họ đều là những chiến sĩ CAND đang ở những mặt trận khác nhau trong cuộc chiến chống COVID-19 khốc liệt...

Có mặt trong cuộc chiến này, gia đình họ đang người Nam - người Bắc. Người là y, bác sĩ đang lăn xả vào chảo lửa Phước Lộc - bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của Bộ Công an. Người ở hậu phương, vừa chăm lo gia đình, vừa lo việc chuyên môn. Đã gần 2 tháng nay, sự kết nối giữa họ là niềm nhớ thương, là những tin nhắn, cuộc gọi ngắn ngủi, là niềm tin về một ngày không xa dịch bệnh được đẩy lùi...

Vợ chồng cùng xung phong chống dịch

Có mặt tại Bệnh viện dã chiến (BVDC) Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) từ những ngày đầu tiên bệnh viện thành lập, đến nay đã gần 2 tháng, Thiếu tá Phan Đình Nghĩa - Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện 19-8 cùng rất nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng đến từ nhiều bệnh viện thuộc lực lượng CAND vẫn đang ngày đêm dồn sức giành giật sự sống cho người bệnh.

Bác sĩ Phan Đình Nghĩa (bên phải) - Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện 19-8 điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến Phước Lộc.

“Hậu phương” của bác sĩ Nghĩa là Đại úy, bác sĩ Phạm Hồng Trang cũng công tác tại Bệnh viện 19-8. Bác sĩ Nghĩa bảo, anh chị đã không ít lần phải ngồi lại “đàm phán” khi cả hai vợ chồng cùng xung phong đi chống dịch. Cuối cùng, nhất trí phương án là anh đi, chị ở nhà vừa đảm đương công việc cơ quan, vừa chăm hai cậu con trai. Hiện tại, bác sĩ Nghĩa và đồng đội đang điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, môi trường làm việc dày đặc F0, công việc rất áp lực và phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm. Ở Hà Nội, chị Trang đang công tác tại Khoa Nội tiết và là thành viên tổ tiêm vaccine COVID-19 của bệnh viện nên có tuần chị đi làm cả Thứ bảy, Chủ nhật, công việc vốn đã bận lại càng thêm bận.

Chị Trang nói rằng vì hai anh chị đều là bác sĩ nên các con thiệt thòi nhiều. Từ bé, các con đã quen với việc bố mẹ thường xuyên đi trực đêm. Nhiều đêm chị đi trực, yên tâm có anh Nghĩa ở nhà trông con. Sáng hôm sau, hết ca trực, chị mới biết đêm qua hai con tự ngủ ở nhà vì anh có ca cấp cứu. Ngay từ tháng tháng 3-2020, khi dịch COVID-19 bất ngờ quay trở lại, anh chị đã phải gửi cậu con trai thứ hai lúc ấy chưa được 1 tuổi về quê ở với ông bà nội ở Ninh Bình. Chuyến về quê ấy cũng kéo dài đằng đẵng đến tận cuối năm 2020 chị mới đón được con lên, thành ra thời gian anh chị ở với con chẳng được bao lâu.

Lần này anh Nghĩa vào Phước Lộc, hai con nhắc bố suốt. Tối đến, khi mẹ bận trông em, cậu con trai đầu có bài khó cần hỏi thì lại gọi Zalo hỏi bố. Nhưng, vì có hôm vào ca trực tối nên không phải lúc nào bố cũng giảng bài được. “Có hôm sau ca trực, mở điện thoại ra thấy cuộc gọi nhỡ của con, biết là con cần bố giảng bài nhưng lúc đó đã khuya quá rồi, thấy thương con vô cùng. Sau ca trực mệt nhoài, khi trút bỏ bộ bảo hộ, cơ thể sũng mồ hôi, hình ảnh những bệnh nhân ra đi vì COVID-19 cứ ám ảnh trong đầu. Những lúc ấy, chỉ mong được gặp vợ con, được trò chuyện để đầu óc bớt nặng nề và có thêm động lực”, giọng anh Nghĩa trùng xuống.

BVDC Phước Lộc được xác định là một trong số các bệnh viện chữa COVID-19 sẽ giải tán sau cùng ở TP. Hồ Chí Minh, nên Ban Giám đốc bệnh viện  cũng như các y, bác sĩ ở đây đều xác định nhiệm vụ chưa thể kết thúc. Hỏi chị Trang có sốt ruột không, chị cười: “Bệnh viện 19-8 đã có 6 đợt y, bác sĩ lên đường chống dịch kể từ đợt dịch ở Bắc Giang. Đâu phải chỉ riêng nhà tôi, các y, bác sĩ lên đường, để lại phía sau mỗi người mỗi hoàn cảnh, những tâm tư không nói được thành lời. Dù là hậu phương hay tiền tuyến thì chúng tôi đều xác định mỗi người góp một chút sức lực để hoàn thành nhiệm vụ chung”.

Sinh nhật online thời COVID-19

Tối 9-10, trong căn nhà nhỏ ở Hà Nội của Đại úy Đinh Bá Tuấn - cán bộ Phòng Tin học, nghiệp vụ và môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Bộ Công an, bữa tiệc sinh nhật online giữa hai miền Nam - Bắc đã diễn ra. Ở điểm cầu BVDC Phước Lộc, qua điện thoại, Đại úy Phạm Thị Thu Hiền là bác sĩ thuộc Khoa Nội 3 Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an thấy các con thi nhau thổi nến và hát mừng sinh nhật bố, bất giác nước mắt chị trào ra.

Anh Tuấn bảo, gần 2 tháng qua, từ khi chị Hiền vào Nam, căn nhà luôn trống trải, lệch nhịp. Anh cũng chẳng có tâm trí nào tổ chức sinh nhật khi chị đang vất vả ngày đêm. Nhưng, chị lại muốn các con vui, vơi bớt nỗi nhớ mẹ nên trước đó đã đặt chiếc bánh sinh nhật và ship về tận nhà tặng anh. Đó là việc duy nhất chị có thể làm được để động viên anh thay chị lo toan mọi việc ở nhà.

Cũng ở mặt trận chống dịch, anh Tuấn đang trong tổ xét nghiệm khẳng định COVID-19 của viện nên cũng bận bịu không kém. Bất kể ngày hay đêm, cứ có nhiệm vụ là anh có mặt ở phòng thí nghiệm. Bởi thế nên từ ngày chị vào Nam chống dịch, cả nhà trong cảnh 4 người 3 nơi. Những ngày trong tuần, công việc bận bịu đi sớm về muộn, anh phải gửi cậu con trai 6 tuổi và con gái 2 tuổi rưỡi sang nhà ông bà ngoại. Chiều tối Thứ sáu, anh Tuấn thường đón các con về nhà. Ba bố con có 2 ngày bên nhau. Bố Tuấn đảm nhiệm từ việc tắm rửa, nấu ăn, dạy con học bài. Những lóng ngóng, vụng về giờ đã thành quen. Chiều Chủ nhật, các con lại sang với ông bà. Ban ngày, công việc cuốn anh đi nhưng đến tối về, khi nhà vắng tanh, mình anh lủi thủi tự nấu ăn, nhớ vợ và thương hai con lắm.

Ở BVDC Phước Lộc, chị Hiền đang điều trị ở khu bệnh nhân trung bình. Khi đã vào ca trực, chị và đồng đội luôn chân luôn tay, từ khám bệnh, kiểm tra chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân đến việc chia cơm, rà soát các xét nghiệm. Những lúc ấy chỉ biết có bệnh nhân, không còn nghĩ đến việc gì khác. Đến khi rời ca, mới lo lắng đến gia đình, con cái ngoài Bắc.

Thương nhất là cậu con trai Đinh Bá Tuấn Khôi chập chững vào lớp 1 và phải học online. Lên đường vào Nam ngay trước thời điểm khai giảng năm học mới, trước đó chị Hiền đã tranh thủ dạy để con đỡ bỡ ngỡ khi mẹ vắng nhà. Bé Khôi ngoan ngoãn và tự giác học bài nên anh chị cũng tạm yên tâm. Chị Hiền bảo vui nhất là hằng ngày vào phần mềm Azota, nhìn thấy nét chữ của con, thấy con được cô giáo khen. Nhiều hôm mẹ trong kíp trực không kịp chụp gửi bài cho con. Cũng may cô giáo biết mẹ đi chống dịch nên tạo điều kiện cho con rất nhiều.

“Hai vợ chồng tôi bổ sung kiến thức về COVID-19 cho nhau để bảo vệ mình và gia đình. Cả nhà đang vượt qua mọi khó khăn để chờ ngày đoàn tụ”, đó là mong muốn lớn nhất của anh Tuấn nhân sinh nhật đặc biệt.

“Mẹ có bị COVID-19 không?”

Gặp Thiếu tá Nguyễn Tất Thắng, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế tại trụ sở Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, thấy anh đang tất bật với công việc. Bỗng nhớ đến cậu con trai, anh bốc máy nhờ gia đình một người bạn cho con ăn cơm tối cùng, xong việc anh sẽ đến đón sau. Từ ngày bà xã là Trung úy Nguyễn Thị Thùy công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện 19-8 vào Nam chống dịch, anh Thắng lúc nào cũng căng như dây đàn.

Khi vợ thông báo sẽ lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, anh Thắng không hề bất ngờ, bởi anh biết từ khi đại dịch COVID-19 tràn đến, có rất nhiều y, bác sĩ - đồng nghiệp của vợ anh đã lên đường. Tuy lo lắng cho các con phải xa mẹ, lo cho sức khỏe của vợ nhưng anh vẫn động viên: “Em cứ đi, ở nhà các con đã có anh lo”.

Chị Thùy làm ở bộ phận quản lý kho thuốc, cấp phát thuốc cho bệnh nhân ở BVDC Phước Lộc. Có mặt tại BVDC từ ngày đầu thành lập, chị và đồng đội đã xây dựng và quản lý kho thuốc mới với rất nhiều danh mục thuốc để điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ trung bình đến nặng, trong đó có nhiều bệnh nhân tuổi cao và kèm bệnh nền. Bất kể ngày hay đêm, khi có ca cấp cứu hay bệnh nhân tử vong thì bộ phận kho dược đều phải có mặt để cấp phát thuốc và trang thiết bị.

Từ khi nhận được tin đồng nghiệp của chị Thùy ở BVDC Phước Lộc bị nhiễm COVID-19, anh Thắng càng thấy bất an. “Ở nhà thì lo người đi xa, còn người đi xa thì lại lo các con ở nhà. Cũng may là có ông bà hai bên trợ giúp chứ không thì tôi cũng không biết xoay xở ra sao”, anh Thắng chia sẻ. Hằng ngày bận công việc, anh Thắng không thể kèm cặp cậu con trai học online nên đành gửi con sang nhà một người bạn, tối anh lại đón con về, dạy con lớn học, chơi với con bé. Vì vợ đi chống dịch nên anh Thắng cũng được cơ quan tạo điều kiện ít phải trực đêm để có thời gian chăm con.

Khi chị Thùy lên đường, con trai thứ hai mới được 18 tháng. Mỗi khi nhìn thấy mẹ trên màn hình điện thoại, cậu bé lại bập bẹ gọi “mẹ... mẹ...” rồi mếu máo khóc. Còn cậu con trai lớn thì lúc nào cũng sốt sắng hỏi dồn: “Mẹ xét nghiệm chưa? Mẹ có bị COVID-19 không? Bao giờ mẹ về?”. Nghe con hỏi thế, chị Thùy chỉ biết động viên con: “Con ở nhà với ba ngoan nhé, mẹ sắp về rồi”. Nói thì nói thế nhưng chị cũng không biết đến khi nào mới có thể trở về. Có nhiều đêm nhớ con đến mất ngủ, nước mắt cứ trào ra.

Không chỉ chị Thùy mà rất nhiều y, bác sĩ ở đây đều mong mỏi dịch sớm qua, để được trở về nhà, được ôm con trong vòng tay, được nấu cho cả nhà một bữa cơm thật ngon để bù lấp những ngày xa cách.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi