Thứ Bảy, 12/10/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại trường học trong mùa mưa

Bệnh có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7,8,9,10.

Phun hóa chất diệt muỗi trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Nhận thức rõ sự nguy hại của bệnh sốt xuất huyết. Ngày 12/9/2023 Đội Y tế, phòng Hậu cần đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường ban hành hướng dẫn số 1731/HD-T09-P6 về việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Nội dung trong hướng dẫn sẽ được các đơn vị phổ biến trong các buổi họp, các tiết sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt lớp để tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong Nhà trường.

Cán bộ y tế dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm vườn cây thuốc nam tại Nhà trường.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, CBCS toàn trường cần hiểu và thực hiện biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết như sau:

1. Vật chủ trung gian

- Côn trùng trung gian truyền bệnh chính là muỗi Aedes aegypti. Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

- Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/ xó tối trong nhà, trên quần áo đặc biệt quần áo có mùi mồ hôi, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

- Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước  như bể nước, chum, vại, xô, chậu, giếng nước, hốc cây, hòn non bộ,… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, vỏ sữa chua, máng thoát nước mưa bị tắc,…Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.

2. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

- Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

- Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

- Nguyên nhân tử vong: Shock do thoát dịch ra khỏi lòng mạch máu; Xuất huyết nội tạng: tim, não, thận, xuất huyết tiêu hóa,…

- Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengua gây ra với 4 típ gây bệnh, một người có thể mắc bệnh nhiều lần do nhiễm các típ vi rút Dengua khác nhau.

3. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết

- Giai đoạn sốt cao >39°C - 40°C, đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

- Giai đoạn diễn biến nặng: thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh có thể vẫn sốt cao hoặc đã giảm sốt hơn, khám lâm sàng phát hiện một số dấu hiệu:

+ Xuất huyết dưới da: dạng chấm, nốt hoặc mảng xuất huyết bầm tím.

+ Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen

- Giai đoạn hồi phục: người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, xét nghiệm: các chỉ số trở về bình thường, thèm ăn, huyết áp ổn định, tiểu nhiều.

- Với sốt xuất huyết cần xét nghiệm sớm để xác định nguyên nhân gây sốt.

- Đến ngay y tế nhà trường khi có các dấu hiệu nguy hiểm sau: Mệt mỏi bất thường, nhiệt độ hạ nhanh dưới 36 độ C; da xanh, lạnh và ẩm. Chảy máu mũi hoặc chảy máu lợi, có nhiều nốt xuất huyết trên da. Nôn liên tục hoặc nôn ra máu. Đi ngoài phân đen. Ngủ lì bì hoặc quấy khóc (trẻ em). Đau bụng, khát nhiều (khô miệng), khó thở.

4. Cần làm gì khi nghi ngờ sốt xuất huyết

- Đi khám tại Bệnh xá để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Theo dõi và chăm sóc tại cộng đồng:

+ Hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên bằng Paracetamol, lau người bằng nước ấm khi sốt cao.

+ Uống nhiều nước: dung dịch Oresol, nước trái cây…

+ Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu: Cháo, súp, sữa, thực phẩm giàu Vitamin C.

+ Nằm màn cả ngày cả đêm, nghi ngơi tại giường.

+ Theo dõi hàng ngày các triệu chứng cho đến khi hết sốt 2 ngày.

5. Biện pháp phòng chống dịch

- Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu dựa vào phòng chống véc tơ truyền bệnh.

- Xử lý dụng cụ chứa nước và loại trừ ổ bọ gậy (loăng quăng): 

+ Thu dọn rác, dụng cụ phế thải (chai, lọ, đồ hộp,..) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của đơn vị, đổ rác đúng nơi quy định.

+ Úp các dụng cụ chưa sử dụng như xô, chậu, bát, không để ứ đọng nước.

+ Tăng cường vệ sinh nơi ăn ở, làm việc sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng.

+ Tăng cường công tác vệ sinh môi trường xung quanh đơn vị, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phun hóa chất diệt muỗi.

- Tránh muỗi đốt bằng dùng màn, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi, sử dụng quần áo chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,…

- Khi có các triệu chứng: sốt, đau đầu, nổi mẩn, phát ban, chảy máu cam,.. cần đến ngay y tế nhà trường để khám và điều trị kịp thời.

Tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong Nhà trường là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm giúp CBCS, học viên nắm được những biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, tăng cường ý thức làm sạch để phòng tránh lây nhiễm. Điều này giúp cho trường học trở thành một môi trường an toàn “ Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.

Bài: Đội Y tế, phòng Hậu cần

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi