Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu tại Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

Nguồn học liệu tại Trung tâm được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu đặc thù của lực lượng CAND. Tính đến hết năm học 2023-2024, Trung tâm đã quản lý hơn 12.500 đầu sách với tổng số 271.900 cuốn. Trong đó, bộ phận Thư viện quản lý hơn 83.600 đầu sách với hơn 107.000 cuốn, bao gồm giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, báo chí và các ấn phẩm khác. Bộ phận Tư liệu Nghiệp vụ, phụ trách quản lý các tài liệu có nội dung bảo mật, hiện đang lưu trữ hơn 4.000 đầu sách với hơn 164.000 cuốn, bao gồm các giáo trình nghiệp vụ, tài liệu tham khảo chuyên ngành, đề tài khoa học, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và khóa luận tốt nghiệp của cán bộ, học viên Nhà trường.

Nguồn học liệu được bố trí một cách khoa học và ngăn nắp, phân chia theo các danh mục rõ ràng như giáo trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo, chuyên đề tốt nghiệp, luận văn - luận án, đề tài nghiên cứu khoa học, các tạp chí khoa học trong và ngoài lực lượng CAND. Những tài liệu này không chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy của giáo viên mà còn là nguồn tham khảo quý báu cho quá trình nghiên cứu của học viên và cán bộ trong các lĩnh vực liên quan đến nghiệp vụ Công an. Nhiều tài liệu là những cuốn sách quý, có giá trị lớn về mặt học thuật và thực tiễn, được sử dụng rộng rãi để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, giảng dạy và học tập.

Tuy nhiên, quá trình phát triển nguồn học liệu tại Trung tâm cũng đối mặt với một số khó khăn, chủ yếu do những nguyên nhân khách quan. Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ hiện tại trong xu hướng số hóa hiện nay, việc chuyển đổi và số hóa các tài liệu, tạo điều kiện truy cập trực tuyến là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu học tập từ xa. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nguồn đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực, mà hiện tại vẫn chưa đủ để triển khai quy mô lớn. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận và khai thác tài liệu của cán bộ và học viên trong bối cảnh nhu cầu học tập và nghiên cứu ngày càng cao.

Một khó khăn khác đến từ sự thay đổi nhanh chóng trong yêu cầu học liệu của giáo viên và học viên. Nhu cầu tiếp cận những tài liệu mới, chuyên sâu luôn đòi hỏi phải có các đầu sách cập nhật, phong phú. Tuy nhiên, quá trình biên soạn và bổ sung tài liệu thường mất nhiều thời gian, dẫn đến việc không thể đáp ứng ngay lập tức. Ngoài ra, khả năng tiếp cận tài liệu từ các nguồn bên ngoài như các cơ quan, đơn vị nghiên cứu hoặc các nhà xuất bản trong và ngoài ngành CAND vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều tài liệu chuyên ngành hoặc các tài liệu quý hiếm khó tiếp cận do các quy định về bảo mật hoặc hạn chế lưu hành.

Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phát triển nguồn học liệu, Trung tâm Lưu trữ và thư viện đề xuất một số giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của nguồn học liệu trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Thư viện, vai trò của việc xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập của Nhà trường.

Thứ hai, đề nghị Bộ Công an và Nhà trường quan tâm tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường kinh phí mua các đầu sách, tài liệu có giá trị, đặc biệt là các đầu sách nghiệp vụ chuyên ngành; tăng kinh phí chi trả thù lao cho việc biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên, các nhà khoa học biên soạn giáo trình, đặc biệt các đầu sách chuyên khảo.

Thứ ba, phối hợp trực tiếp với các Khoa trong việc xác định các tài liệu học tập trong Đề cương chi tiết học phần, môn học. Theo dõi phiếu yêu cầu của bạn đọc, trên cơ sở đó xác định những tài liệu được khai thác, sử dụng nhiều, từ đó có hướng bổ sung mới, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tra cứu, khai thác của cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường.

Thứ tư, tăng cường các mối quan hệ, phối hợp với các nhà xuất bản, các học viện, trường học, các Cục nghiệp vụ trong ngành Công an, các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài lực lượng CAND, các tác giả lớn, nhà khoa học, nhà viết sách nổi tiếng, có uy tín để có thể tiếp cận được các nguồn tài liệu chuyên ngành, các tài liệu lưu hành nội bộ được bảo quản theo chế độ mật, các tài liệu quý hiếm, có giá trị, tiết kiệm được nguồn kinh phí cho công tác bổ sung vốn tài liệu.

Thứ năm, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, các ngày hội sách… nhằm tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của Thư viện cũng như nguồn tài liệu trong công tác đào tạo của Nhà trường. Từ đó kêu gọi các nguồn đầu tư kinh phí, xã hội hóa từ cán bộ, học viên, các nguồn quyên góp, biếu, tặng…

Trung tâm Lưu trữ và thư viện trường Cao đẳng CSND I luôn coi công tác phát triển nguồn học liệu của Thư viện là công tác tiên quyết hàng đầu, cần phải làm thường xuyên, liên tục. Trung tâm đã đưa ra và tiến hành nhiều giải pháp nhằm phát triển vốn tài liệu và bước đầu đã có những kết quả đáng được ghi nhận, xây dựng thư viện thực sự trở thành trung tâm tri thức của Nhà trường. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đào tạo trong CAND nói riêng.

Bài: Trung tâm lưu trữ và thư viện

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi