Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Trắng tay vì mắc bẫy đầu tư kinh doanh mạng

Báo CAND vừa có loạt bài “Nhận diện mô hình đầu lừa đảo gắn mác công nghệ siêu lợi nhuận” viết về các hình thức đầu tư kinh doanh mạng. Trong quá trình thực hiện loạt bài, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn thư bạn đọc tố cáo hình thức lừa đảo đầu tư vào các dự án tài chính trên mạng. Theo đó, với chiêu bài lãi suất lên đến 20%/tháng, thậm chí 1 vốn bốn lời, bỏ 1 được 5…, kẻ lừa đảo đã bẫy được khách hàng, lừa lấy tiền của nhiều người.

 

Theo nội dung mà ông N.P.T ở Lâm Đồng tố cáo thì tháng 12/2019, ông được người bạn tên là Nguyễn Phúc Hoan (tỉnh Đắk Nông) mời đi uống café và giới thiệu gặp một người đàn ông tự xưng tên là Thự, người dân tộc Thái ở Tây Bắc, là chuyên viên đầu tư tài chính. Ông Thự giới thiệu về một dự án đầu tư tên là Skynet 4fx với lợi nhuận lên đến 240%/năm. 

“Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, một mình tôi nuôi 2 con ăn học. Vợ ung thư vừa mới mất, thanh toán tiền bảo hiểm được hơn 100 triệu. Nếu số tiền này đem gửi ngân hàng lãi suất 6%/năm, tính ra mỗi tháng 100 triệu đồng chỉ được hưởng lãi suất có 500 nghìn đồng, không đủ trang trải cuộc sống của 3 bố con; trong khi đầu tư vào Skynet 4fx, chỉ cần gói 1.100 USD, được hưởng lãi suất 20%, mỗi tháng cả nhà cũng có 5 triệu chi tiêu”, ông T kể. 

Skynet 4fx bị tố lừa đảo khách hàng.

Sau tính toán, ông quyết định “xuống tiền”. Thế nhưng ngay từ ban đầu, dấu hiệu lừa đảo đã rõ ràng, khi giá USD không được tính theo tỷ giá ngân hàng mà tính theo Skynet 4fx, với mức 1 USD = 25.000 đồng. Tức là với gói 1.100 USD, ông T phải nộp vào 27.500.000 đồng, thay vì khoảng 25 triệu. Thế nhưng, lợi nhuận đã khiến cho ông T mờ mắt, không nhận ra sự bất thường này. 

Đóng tiền xong, trong 7 ngày đầu, ông được trả lãi bằng tiền Ethereum quy ra tiền Việt Nam là gần 700 nghìn đồng. Sau đó, ông nhận được thông báo là do trong thời gian nâng cấp nên không được trả lãi. Liên tục sau đó, ông nhận được các thông báo sẽ trả lãi mới bằng đồng tiền Skynet 4fx và đồng tiền này sắp sửa lên sàn. Thế nhưng, lên sàn chẳng thấy đâu, mà lãi cũng mất hút. 

Cho đến khi không thể đăng nhập được vào trang web Skynet 4fx, cũng không thể liên lạc được với người đàn ông tên Thự, ông T. mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa trắng tay. “Tất cả cuộc sống của 3 bố con tôi trông vào chỗ tiền bảo hiểm của vợ tôi. Giờ mất nó, chúng tôi không biết lấy gì để sống”, ông T tuyệt vọng.

Thế nhưng, điều đáng nói là song song với việc mời đầu tư vào dự án Skynet, biết ông T. vẫn còn số tiền còn lại, một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Phong Thu (nhà ở Vĩnh Tuy - Hà Nội) thông qua ông Nguyễn Phúc Hoan đã tiếp tục mời ông T ra Hà Nội tham gia lớp “tập huấn nghiệp vụ”. Tại đây, bà Thu giới thiệu cho ông T đầu tư và AT Capital với đồng tiền kỹ thuật số Ethereum. 

Theo đó, chỉ cần bỏ 1 đồng vốn, sẽ được 4 đồng lãi: cứ bỏ vào 1 E thì AT capital bỏ ra 4 E cho lãi trước và trả lãi hàng ngày, nhưng mỗi ngày chỉ 0,001 hoặc 0,002 E, cho đến khi hết 5E nói trên. “Thế nhưng, việc “nhỏ giọt” này khiến cho số tiền tưởng “ngon ăn” trở nên quá bèo bọt, mệt mỏi. Đấy là chưa kể, AT capital còn yêu cầu nhà đầu tư phải phát triển được “tuyến dưới”, nghĩa là gọi thêm các nhà đầu tư khác thì mới được trả lãi. “Khi tôi không đồng ý, thắc mắc với bà Thu là tại sao lúc đầu không nói rõ quy định phải “phát triển tuyến dưới” mới được trả lãi, thì bà Thu khó chịu nói tại tôi không tìm hiểu kỹ và bảo cái gì cũng phải có giá của nó, “không chịu cày thì lấy đâu ra tiền”. Lúc này, chúng tôi hoàn toàn bị kẹt, vì khi tham gia cả 2 hợp đồng trên, tất cả chỉ nói miệng, không có hợp đồng, không có cam kết”, ông T. cho biết.

Trước phản ánh của ông T, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với những người có liên quan. Theo số điện thoại mà ông T cung cấp, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện cho bà Thu nhưng không liên lạc được hoặc không cố tình nghe máy. Còn khi liên lạc với người đàn ông tên Thự và đề cập đến dự án Skynet, ông Thự tỏ ra ngơ ngác và cho biết đó là chuyện từ năm ngoái nên… không nhớ. 

Chỉ đến khi chúng tôi đề cập đến trường hợp ông T có đầu tư dự án bị mất trắng, ông Thự mới loanh quanh thanh minh mình cũng chỉ là 1 nhà đầu tư theo sự giới thiệu của bà Thu, trong thời gian rót vốn vào dự án này, ông đã được nhận tiền lãi. Tương tự, ông T cũng là “khách hàng” của bà Thu, ông Thự vốn không quen biết gì với với ông T, nhưng được bà Thu “nhờ” đến giới thiệu về dự án để kêu gọi ông T góp vốn và giúp bà Thu thu tiền của ông T. 

“Công việc của tôi với ông T chỉ làm đến đó là hết, còn sau đó tôi không biết gì nữa. Riêng dự án Skynet 4fx hiện đã sập từ lâu, không còn hoạt động, chính tôi cũng không vào được nữa”, người đàn ông tên Thự cho biết. Tuy nhiên, dù được chúng tôi cho rằng có chứng cứ chứng minh ông Thự không chỉ đơn giản là một khách hàng, mà là người có liên quan trong việc “bẫy” ông T đầu tư tiền vào dự án, ông Thự vẫn một mạch đổ riết cho bà Thu. 

Khi chúng tôi yêu cầu được gặp trực tiếp để làm việc, ông Thự từ chối vì “tôi suốt ngày di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, hiện tôi không ở Lâm Đồng mà đang ở 1 khách sạn ở Hà Nội, không có địa chỉ cụ thể nên không thể gặp gỡ trao đổi. Nếu có gì, tôi sẽ tự liên lạc sau” và tắt máy. Sau đó, chúng tôi cố gắng liên lạc nhưng đều bị chặn.

Tìm hiểu thêm về hình thức đầu tư tài chính kinh doanh mạng, nhóm PV Báo CAND được biết có rất nhiều trường hợp như ông T bị lợi nhuận làm cho mờ mắt, lỡ sa chân vào các dự án kinh doanh này đều bị mất trắng. Giống như trường hợp Skynet, một số dự án đầu tư nhưng iFan, Sky Mining, BBi, Emas Fintech… cũng đã bị nhiều nhà đầu tư tố cáo nhưng tất cả đều rất khó lấy lại tiền. 

Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phảm sử dụng công nghệ cao cho biết, Bộ Công an và Bộ Công Thương cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo nhiều loại hình lừa đảo nở rộ trong đợt dịch COVID-19 với nhiều thủ đoạn mới, mà nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi (đa cấp - lấy tiền người sau trả cho người trước) và khuyến khích nạn nhân tố giác. Tuy nhiên, các hình thức kinh doanh này đều không hợp pháp nên nhiều người lỡ bị lừa cũng phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”,  không dám tố cáo vì sợ liên lụy. Hiện nay, danh sách nạn nhân của những mô hình lừa đảo này ngày càng dài. 

“Đối với những người bị lừa đảo như trường hợp bạn đọc phản ánh đến Báo CAND nói trên, nạn nhân nên gửi đơn tố cáo lên Công an địa phương, nơi diễn ra hành vi lừa đảo, để cơ quan chức năng tập hợp và tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân phải nâng cao cảnh giác, không để bị “bẫy” vào những hình thức kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ mà mình không hiểu biết. Đặc biệt, phải cảnh giác trước những con số lợi nhuận không tưởng mà các đối tượng môi giới đưa ra, vì không có hình thức kinh doanh nào mang lại siêu lợi nhuận như thế cả”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi