Theo Bộ Công an, hiện nay, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến để thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.
Chính vì vậy, tính bảo mật an toàn thông tin luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử, trong đó bao gồm dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch khác trên môi trường mạng.
Tuy nhiên, việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như CMND, thẻ CCCD, hộ chiếu. Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng là rất cấp thiết; Chính phủ đã chỉ đạo đưa đất nước vào trạng thái "bình thường mới", trong "điều kiện bình thường mới", Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.
Việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Từ ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đã chính thức được đưa vào sử dụng, các CSDL hộ tịch điện tử và một số Cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành khác cũng đang đồng loạt triển khai xây dựng, đây là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử.
Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất; chỉ cung cấp một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLQG về dân cư, CSDLQG và các CSDL chuyên ngành.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 46 điều, quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến định danh và xác thực điện tử.
Theo dự thảo Nghị định, danh tính điện tử người Việt Nam là tập hợp dữ liệu số trong CSDL định danh điện tử quốc gia được so sánh thông tin với CSDLQG về dân cư, CSDL Căn cước công dân cho phép xác định duy nhất một cá nhân trên môi trường điện tử. Đối với định danh điện tử, dự thảo Nghị định nêu rõ, sử dụng mô hình cấp tài khoản định danh điện tử tập trung để cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức của Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài; người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thông tin trong CSDL về xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo cũng quy định, dịch vụ định danh và xác thực điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ Công an là đơn vị thực hiện việc cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử cho công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức của Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài; người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thông tin trong CSDLQG về xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Nguồn: Báo CAND