Hẹn và chờ đợi mãi tôi mới gặp được Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoàng Lâm. Rồi tri âm, tri kỷ mãi, NSND Hoàng Lâm mới bảo tôi: “Thôi vào việc đi!” - đúng như cái cách “vào việc” cách đây hơn chục năm, khi lần đầu NSND Hoàng Lâm (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm phóng sự phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam) cộng tác với Báo An ninh Thủ đô.
|
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Lâm (ngoài cùng bên trái) và các thế hệ lãnh đạo, phóng viên Báo An ninh Thủ đô tại cuộc gặp mặt tri ân cộng tác viên thường niên vào dịp cuối năm
|
Nhân duyên
NSND Hoàng Lâm kể: Tôi nhớ, khoảng tháng 11-2010, chúng tôi - nhóm làm phim của VTV2 - được dự bữa cơm thân mật với những người đã từng là thần tượng của tôi suốt thời gian dài. Đó là nhà báo Trần Bình Minh, lúc đó vừa từ Nghệ An trở về đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc VTV, phụ trách VTV2; người còn lại là Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an TP Hà Nội thời kỳ đó.
Điều tuyệt vời nhất hôm ấy là chính chúng tôi - nhóm làm phim - mới là nhân vật trung tâm của bữa tiệc ấm cúng. Bởi 2 thần tượng của tôi là đại diện của Công an Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam làm lễ trao và nhận bản quyền phát sống series phim tài liệu lịch sử 6 tập có tên “Ghi dấu cùng Thủ đô”, được thực hiện bởi nhóm tác giả VTV2 - Báo An ninh Thủ đô.
Nguồn cơn từ khoảng 6 tháng trước đó, tôi và nhà báo Tường Lâm, trong một buổi bia hơi sau trận bóng đá phủi, bỗng hứng chí rủ nhau phối hợp làm một series phim tài liệu lịch sử về ngành Công an Thủ đô thông qua các vụ án nổi tiếng từng thời kỳ mà Công an Hà Nội đã lập công phá án. Sau hôm ấy, tôi cũng rất lo vì mình hợp tác với một cơ quan báo chí chuyên nghiệp có tiếng của Thủ đô nhưng lại làm phim. Nhưng lo thì đã muộn vì Tường Lâm đã báo cáo với lãnh đạo của Báo, lúc ấy là Tổng Biên tập Đào Lê Bình khi tôi chưa kịp ngăn lại.
Vậy là ngay lập tức, bữa bia thứ hai tức khắc được tiến hành, cái khác là chính Tổng Biên tập Đào Lê Bình đứng ra tổ chức và khách mời là tôi và Trưởng ban Khoa giáo lúc bấy giờ là nhà báo Phạm Việt Tiến. Lần gặp mặt ấy mọi khúc mắc và lo lắng của tôi được giải tỏa bởi nhà báo Đào Lê Bình, một người đàn ông vừa sôi nổi, vừa thâm sâu. Ông nói thẳng với chúng tôi rằng, chỉ lo sự phối hợp “kém”, chứ không lo “tốn”, anh em bên phía An ninh Thủ đô sẵn sàng chơi “tốn” từ thời gian, con người đến tâm sức cùng với anh em VTV2, để hai bên cùng học hỏi nghiệp vụ lẫn nhau. Cũng với sự thẳng thắn đúng tính cách người Hà Nội, anh Bình nói bên báo sẽ thiếu nhiều yếu tố để đáp ứng nghiệp vụ thực hiện loạt phim này. Cái này thì tôi lại không lo, vì thế mạnh của chúng tôi chính ở những điều còn thiếu của các anh.
Vậy là chúng tôi bắt tay ngay vào việc thực hiện sản xuất phối hợp. Thú thật, trước đó điều tôi ngại nhất chính là làm việc với hệ thống thủ tục và yêu cầu hành chính của ngành Công an nói chung và An ninh thủ đô nói riêng, nhưng những lo ngại này được phía Báo An ninh Thủ đô xử lý hết cho chúng tôi. Tôi nhớ, anh Thanh Bình (lúc đó là Phó Tổng Biên tập), rồi nhà báo Tường Lâm đã đích thân đôn đáo để đáp ứng tất cả những điều chúng tôi khúc mắc. Bắt tay vào làm mới thực sự thấy mình thiếu hụt nhiều kiến thức ngành Công an. May thay các anh, chị Báo An ninh Thủ đô đã chung lưng giải quyết mọi việc đó một cách tốt nhất - cũng với phong cách rất Hà Nội.
Với lợi thế là người đã “thổi hồn” và làm “sống dậy” Bảo tàng Công an Hà Nội, nhà báo Đào Lê Bình đã chọn giúp ê-kíp 6 vụ án đặc trưng, nổi tiếng nhất qua từng giai đoạn phát triển của ngành An ninh Thủ đô, ứng với từng giai đoạn phát triển của Hà Nội, của cả nước. Với mối quan hệ và những va đập các lĩnh vực khác nhau, anh Thanh Bình và Tường Lâm khiến cho công việc của chúng tôi vượt ra khỏi nhiều rào cản tưởng chừng không thể giải quyết. Thậm chí ngay cả khi phim lên sóng, có ý kiến thắc mắc cũng được các anh giải quyết thẳng thắn, hài hòa nhưng không né tránh.
Vậy là 6 câu chuyện, 6 vụ án, 6 tập phim cứ như thế được thực hiện từ khâu lên kịch bản, ghi hình tiền kỳ, hậu kỳ và lên sóng, không kém phần sóng gió; hài hòa nhưng cũng không thiếu những lúc căng như dây đàn… Chúng tôi đã lần lượt đi qua những mốc lịch sử của Thủ đô, của đất nước, từ bước đầu non trẻ nhưng hào hùng của vụ án số 7 Ôn Như Hầu lẫy lừng năm 1946; bước qua khúc bi tráng nhưng không kém thi vị từ tiếng nổ của Thông báo hạm Amio D’ Invine; rồi nỗi đau đớn rất đỗi gần gụi trong vụ án giết người gây choáng váng tại số 7 Phạm Đình Hổ năm 1977, rồi lại bắt cóc con tin người Nhật Bản khi đất nước trong công cuộc đổi mới vươn lên bắt tay với những cường quốc trên thế giới, là vụ án giết người cướp của thời kỳ đất nước thu được trái ngọt của sự phát triển về kinh tế…
|
Từ trái sang phải, các đồng chí nguyên Phó Tổng Biên tập An ninh Thủ đô: Thượng tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tá An Văn Huân, Đại tá Vũ Kim Thành tiếp cộng tác viên tại lễ kỷ niệm 35 năm Báo An ninh Thủ đô ra số đầu
|
Hòa nhịp
Qua mỗi tập phim như vậy, mối quan hệ - hợp tác giữa chúng tôi cũng lặng lẽ và âm thầm khăng khít một cách không phô trương, đúng như kỳ vọng của lãnh đạo Báo An ninh Thủ đô lúc ấy - Tổng Biên tập Đào Lê Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách điện tử - truyền hình Nguyễn Thanh Bình - là một mối quan hệ “tốn” nhiều, nhưng không hề “kém”. Chúng tôi đã tốn thời gian để hai bên tìm tiếng nói chung nghiệp vụ, chúng tôi đã tốn tâm sức để những trái tim hướng về Hà Nội được kết tinh thành kết quả tốt đẹp, chúng tôi đã xài rất “tốn” hệ thống tư liệu của cả hai bên, tốn tâm huyết và sức lực cho từng giây phút của mỗi cụm hình ảnh, tốn bao nỗ lực để tìm gặp những nhân chứng từng giai đoạn… giống như đã dốc cạn tài sản khi đến với nhau, bắt tay nhau - cũng theo cái cách rất Hà Nội.
Sau này, khi nhìn lại sự phối hợp đó, tôi không chỉ nhìn vào sự thành công của series “Ghi dấu cùng Thủ đô”, mà tôi nhìn thấy một điều khác với mỗi chúng tôi khi gặp nhau - đó là sự chân thành. Cứ mỗi đề xuất, mỗi một yêu cầu của hai bên về nghiệp vụ (mà phía VTV thường nhiều hơn) thì chúng tôi đều hiểu như đó chính là việc của mình, của anh em trong một gia đình.
Sự chân thành ấy mãi hôm vừa rồi, trong buổi gặp mặt thân mật giữa báo với các cộng tác viên thường niên, tôi mới gọi được tên nó ra một cách chính xác, cũng nhờ bài phát biểu của Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô hiện tại - nhà báo Nguyễn Thanh Bình - đó là chất Hà Nội. Có lẽ đúng thật, chúng tôi lũ bạn bè mười phương, có đứa Hà Nội gốc, có đứa cha mẹ nơi khác, cũng có đứa làm báo khi vảy bùn vẫn két kẽ móng chân… bỗng có nhân duyên được gặp nhau trong một không gian Hà Nội, nói đúng hơn là một tọa độ rất Hà Nội - tọa độ mang tên Báo An ninh Thủ đô - thì cái cảm nhận mà tôi mãi không gọi tên ra được ấy, chắc hẳn nó là sự “Chân thật của Hà Nội”.
Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, “Ghi dấu cùng Thủ đô” không chỉ là lần duy nhất chúng tôi có điều kiện được “ghi dấu” sự chân thật đặc trưng ấy, dấu ấn mới phải chăng sẽ được đặt nền ngay trong “mùa” dịch
Covid-19 năm 2021 này cũng nên (?).
Sau cái lần “Ghi dấu” đầy nhân duyên ấy, chúng tôi cũng đã hẹn hò làm về “Con đường Đông Dương” đi từ thời kháng chiến chống Pháp đến ngày giải phóng đất nước, thống nhất nước nhà 30-4… do nhiều điều kiện khách quan chưa cho phép thực hiện. Nhưng với cách nhìn nhận và phong cách làm báo đậm chất Hà Nội của Báo An ninh Thủ đô - với 45 năm tuổi đủ chín để “ghi dấu cùng Thủ đô” thân thương! Hy vọng thế!
Nguồn: Báo ANTĐ