Nói về văn hóa Hà Nội những ngày chống “giặc” Covid-19 mà không nhắc đến tình người, những điều tử tế thì thật là thiếu sót.
|
Đồng nghiệp và người thân chia tay đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai từ Hà Nội vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, điều trị các bệnh nhân Covid-19
|
“Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”
Khi TP.HCM bùng phát dịch bệnh, số ca bệnh Covid-19 tăng lên đến con số hàng chục nghìn thực sự tạo nên áp lực rất lớn với hệ thống y tế của thành phố này, thì ở Hà Nội, các đoàn xe chở đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã lập tức lên đường tiếp sức cho tuyến đầu. Ngay tại Thủ đô, người Hà Nội đã đùm bọc, thương yêu lẫn nhau để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người dân nghèo khổ, gặp khó khăn trong đại dịch. Những suất cơm miễn phí, sáng kiến về cây gạo ATM giúp đỡ những người nghèo…. đã kịp thời hỗ trợ, động viên những hoàn cảnh không may vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Khi chúng tôi viết những dòng này thì hàng trăm bác sĩ từ Thủ đô Hà Nội đang chi viện lực lượng y tế cho “miền Nam ruột thịt” ở TP.HCM, Bình Dương - tuyến đầu chống “giặc” Covid-19. Các bác sĩ giỏi của tuyến Trung ương và Hà Nội cùng có mặt ở nơi đầu sóng phương Nam chống “giặc” Covid-19, tham gia các đơn nguyên hồi sức tích cực được thiết lập khẩn cấp nhằm góp phần cứu chữa các ca bệnh Covid-19 trở nặng, cứu sống sinh mạng đồng bào, chiến sĩ của chúng ta trong cơn nguy khó. Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng từ Hà Nội vào Nam cũng có người tuổi không còn trẻ, nhưng trong họ luôn là tinh thần “Mãi mãi tuổi hai mươi”, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
Để góp phần vào thành công chung trong cuộc chiến với “giặc” Covid, bản thân người dân Thủ đô cũng hy sinh hạnh phúc cá nhân với tinh thần “mình vì mọi người”. Trong mùa dịch, có những điều tưởng như đơn giản, rất đỗi bình thường như một buổi tối cả gia đình quây quần bên mâm cơm hay tự tay nấu một bữa ăn cho chồng con bỗng trở nên xa xỉ với người trong cuộc. Và điều đó càng trở nên ước ao, là mong mỏi với các thầy thuốc, nhân viên vào nam làm nhiệm vụ, đương đầu với dịch bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng của biết bao đồng bào ta. Nói như thế để thấy, thành công nào cũng có sự hy sinh của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Người Hà Nội nghĩa tình là thế!
Ở vùng đất văn hiến, nói như Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng, có đại dịch mới hiểu thấu sự tuyệt vời của văn hóa Hà Nội. Đó là yêu mình, yêu người, bảo vệ mình và lo cho người khác. Tức là, có yêu mình mới biết yêu người, có thương mình mới thương những người xung quanh, lo lắng cho đồng bào mình. Trong gian khó của năm thứ hai chống “giặc” Covid-19, Hà Nội là nơi khởi phát của Cuộc vận động đóng góp vào Quỹ vaccine, huy động nguồn lực của nhân dân cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh với công thức “5K+ tiêm vaccine”. Tiếp nối truyền thống đồng lòng chống dịch, ngay tại lễ phát động, các tập đoàn kinh tế lớn, những người dân Hà Nội bình dị đã là những người đầu tiên tham gia đóng góp nguồn lực tài chính vào Quỹ vaccine. Ngay sau đó, phong trào này đã lan rộng ra cả nước.
Sự nghĩa tình của người Hà Nội trong đại dịch còn được thể hiện bằng những hành động san sẻ yêu thương với người dân các vùng dịch. “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” là tinh thần chủ đạo trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 mà những người dân bình thường, các doanh nhân, các các văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô đã thể hiện. Nhớ lại thời điểm Bắc Giang bùng phát dịch là lúc bà con nông dân mất ăn, mất ngủ vì lượng nông sản, đặc biệt là vải thiều đến kỳ thu hoạch. Lúc ấy, công chúng vẫn nhớ các màn livestream bán hàng trực tuyến ấn tượng của NSƯT Xuân Bắc, diễn viên Hà Hương nổi danh với vai diễn chị Nguyệt “thảo mai” trong phim “Phía trước là bầu trời”. Nhập vai một anh nông dân bán vải thiều, bí xanh, mận, NSƯT Xuân Bắc đã giúp bà con nông dân Bắc Giang bán hơn 85 tấn nông sản với hơn 5.000 đơn hàng trong lần trực tuyến này.
|
Trước sự tồn đọng nông sản vì dịch bệnh của tỉnh Hải Dương, tại Hà Nội đã thành lập nhiều điểm bán rau củ quả giải cứu, giúp nông dân Hải Dương yên tâm chống dịch
|
Tấm lòng của người nghệ sĩ
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, anh cảm thấy vui vì được góp công sức nhỏ của mình vào hoạt động giải cứu nông sản bị ứ trệ ở Bắc Giang do đại dịch. Cùng có hoạt động giải cứu nông sản, ca sĩ trẻ Thái Thùy Linh cũng đăng bài bán dưa lưới Bắc Giang với giá 200 ngàn đồng/túi (tối thiểu 5kg dưa). Chỉ trong vài giờ, số lượng dưa lưới đăng bán nhanh chóng hết hàng và được vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Thái Thùy Linh cũng là một gương mặt quen thuộc ở những điểm nóng chống “giặc” Covid-19 trong cả nước. Cô ca sĩ Hà Nội vừa có mặt ở Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi lại hối hả vào TP.HCM, Bình Dương với biết bao chuyến hàng thiện nguyện, bữa cơm, phần quà nghĩa tình san sẻ cùng đồng bào mình. Đồng nghiệp nam giới của Thái Thùy Linh, không ít người cũng bền bỉ và miệt mài làm thiện nguyện thời gian qua như Tuấn Hưng, Tùng Dương - những người đàn ông Hà thành hát - khi tổ chức được nhiều buổi biểu diễn online quyên góp ủng hộ bà con vùng dịch Bắc Giang.
Cũng hướng về tâm dịch Bắc Giang-Bắc Ninh, NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã đứng lên kêu gọi anh chị em nghệ sĩ cùng chung tay, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc chống dịch Covid-19 của hai tỉnh này. “Chúng ta không có tỷ này, tỷ kia, nhưng không phải chúng ta có khó khăn là chúng ta lấy đó làm lý do để chúng ta thờ ơ và bỏ mặc khó khăn nguy hiểm đang cận kề người dân của mình trong vùng tâm dịch"- NSND Thúy Mùi khẳng định. Sau khi huy động được gần 400 triệu đồng, chị cùng NSND Tự Long, NSƯT Thúy Hường, NSƯT Xuân Bắc… đã trực tiếp đi vào tâm dịch để trao tặng nhu yếu phẩm, vật tư chống dịch và số tiền quyên góp được.
Không chỉ có các văn nghệ sĩ trong nước mà các văn nghệ sĩ gốc Hà Nội đang sinh sống ở nước ngoài cũng đóng góp công sức cùng nhân dân cả nước chống dịch. Đó là họa sĩ Công Quốc Hà, một người con của phố cổ Hà Nội đang sinh sống tại Thụy Điển. Từ phương trời Bắc Âu, họa sĩ Công Quốc Hà cho biết, anh sẽ đấu giá trực tuyến 18 bức tranh với nhiều chất liệu, được sáng tác ở nhiều giai đoạn và được chọn lọc với sự tâm huyết để hỗ trợ những trường hợp khó khăn ở Việt Nam trong cơn đại dịch. Con gái họa sĩ, người đứng ra tổ chức đấu giá trực tuyến chia sẻ, cô mong các tác phẩm hội họa của cha cô - họa sĩ Công Quốc Hà không chỉ làm đẹp cho một chốn không gian nào đó, không chỉ góp phần làm giàu đời sống văn hóa, tinh thần của mọi người. Mà hơn thế nữa, những tác phẩm hội họa với tính nhân văn cố hữu của nó, cần hơn bao giờ hết lan tỏa tình yêu, sự gắn bó, đoàn kết và niềm tin về một tương lai bình an, tươi sáng. Tuy làm việc và sống ở nước ngoài nhưng khi “giặc” Covid-19 tràn vào Hà Nội, những cảm xúc buồn lo đã thôi thúc Công Quốc Hà vẽ về Hà Nội để tôn vinh hình tượng phố phường Hà thành và người Tràng An chất chứa tình người và sự tử tế
|
NSƯT Xuân Bắc vào vai một anh nông dân bán hàng đã giúp bà con nông dân tâm dịch Bắc Giang bán hơn 5.000 đơn hàng
|
Người Tràng An tử tế và nâng cao ý thức cộng đồng
Nếu như trước đây, việc đeo khẩu trang đến các nơi công cộng trở nên rất khó khăn với người dân Thủ đô vì nhiều lý do như thời tiết nắng nóng, khó thở, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và có cả sự kỳ thị với những ai đeo khẩu liên tục và thường xuyên. Nhưng đại dịch đã làm thay đổi thói quen này của người Hà Nội. Việc đeo khẩu trang ban đầu là bắt buộc với các biện pháp mạnh tay từ các cơ quan quản lý và bây giờ người dân Thủ đô đã chấp nhận thói quen này và hình thành phản xạ 5K phòng dịch. Những ai ra đường không đeo khẩu trang mới được coi là bất bình thường.
Nhà văn Y Ban chia sẻ, chị rất kinh hãi về thói quen khạc nhổ bừa bãi của người dân khi đến nơi công cộng. Nó là một hành vi rất đáng phê phán, vừa xấu xí lại vừa là làm lây lan các loại bệnh truyền nhiễm cho chính cộng đồng mình. Thói quen này xấu tới mức, không chỉ có ở vùng nông thôn, vùng ngoại thành của Hà Nội mà ngay trong nội đô, ở đâu người ta cũng bắt gặp hình ảnh phản cảm này. Nhưng đại dịch ập về, việc đeo khẩu trang là bắt buộc thì dường như người dân Thủ đô cũng ý thức hơn về hành vi khạc nhổ bừa bãi, hạn chế đi rất nhiều lần tại các nơi công cộng.
“Đại dịch đã chưng cất nên một văn hóa khác-văn hóa thời dịch, vừa giúp củng cố lại văn hóa nơi công cộng của người Hà Nội. Những thói quen xấu cần phải loại bỏ. Ai cũng thế thôi, trước hết phải tôn trọng bản thân, đeo khẩu trang giúp không lây lan dịch bệnh, vừa bảo vệ cho cá nhân lại vừa bảo vệ cho cộng đồng. Virus Corona mang lại cho con người nỗi sợ hãi nhưng cũng cho chúng ta bài học tốt đẹp về việc tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cộng đồng”, nữ nhà văn Y Ban nói.
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình thì cho rằng, đại dịch rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng những thói quen tốt sẽ được giữ lại và tiếp tục được củng cố. Những thiệt hại về kinh tế, về sức khỏe con người có thể đo đếm bằng những con số cụ thể. Nhưng có những giá trị về văn hóa của người Hà Nội đã được thể hiện trong đại dịch không dễ gì có thể cân đong được. Và có một điều chắc chắn rằng, ngay cả trong đại dịch, văn hóa Hà Nội vẫn đang được tiếp tục bồi đắp.
Cuộc sống xô bồ của đời sống hiện đại đôi lúc khiến chúng ta quên điều những điều tử tế nho nhỏ, cư xử thanh lịch của người Tràng An. Một lời nói chân tình đôi lúc lại giá trị hơn cả những phần quà trị giá. Vì đó là tấm lòng, là tình người trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Bạn tôi - một họa sĩ đang công tác ở Bộ Tài nguyên và Môi trường cứ tấm tắc khen mãi lời lẽ, cử chỉ, hành động của cậu Cảnh sát khu vực trẻ tuổi ở Công an phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) tên là Đỗ Tiến Thịnh. Khi Phúc Tân là địa bàn nóng kẹp giữa phường Chương Dương (bị phong toả cả phường vì các ca F0) và phường Phúc Xá (có chợ đầu mối Long Biên bị tạm đóng cửa vì dịch), trong nhóm zalo tương tác của người dân phường Phúc Tân người ta đọc được những lời lẽ chân thành của Đỗ Tiến Thịnh: “Các bác trong thời gian này có vấn đề gì khó khăn cứ nhắn lên nhóm. Cháu và cô Tuyết (tổ trưởng dân phố) sẽ cố gắng hỗ trợ cho các bác tốt nhất có thể ạ!”. Người cảnh sát khu vực kính trọng, lễ phép với nhân dân là đáng quý! Anh ta xưng hô đầy đủ, lễ độ, hành động thì tử tế, chân thành khiến người dân nào nghe thấy cũng mát lòng, mát dạ.
Sự tử tế nhân lên từ những việc nhỏ, có thể thấy ở các địa bàn dân cư hay nơi tuyến đầu và cả trong giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Tất thảy đều thấy trách nhiệm bản thân mình ở trong đó, bằng cách này hay cách khác thể hiện sự nâng niu lan toả tình người, sự tử tế giữa đại dịch.
"Tôi làm phim kêu gọi mọi người sống tử tế chỉ là 50% của vấn đề. 50% còn lại là phải có môi trường tử tế mới có người tử tế chứ”.
NSND, đạo diễn Trần Văn Thủy (Đạo diễn phim tài liệu “Chuyện tử tế” năm 1985)
-“Virus Corona mang lại cho con người nỗi sợ hãi nhưng cũng cho chúng ta bài học tốt đẹp về việc tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cộng đồng”
Nhà văn Y Ban
NSND, diễn viên Lan Hương: Nhớ về thời chống “giặc” Covid-19 là nhớ về tình người Hà Nội
Trước đây, tôi thấy nhiều người nói rằng, họ cảm thấy mọi người sống với nhau lạnh lùng và vô cảm. Cuộc sống hiện đại mang lại đời sống đầy đủ tiện nghi nhưng nhiều người lại cứ nhớ về tình người của thời chiến tranh, thời bao cấp, đùm bọc, che chở lẫn nhau. Khi cuộc chiến với giặc Covid-19 ập về, tôi lại thấy nhận xét này không đúng hoàn toàn. Có trong gian khổ, khó khăn mới hiểu hết tình cảm mà những người dân Hà Nội dành cho nhau và dành cho đồng bào mình. Bạn bè tôi, các nghệ sĩ nổi tiếng có rất nhiều hoạt động kịp thời, động viên bà con vùng dịch, động viên người khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Các bạn tôi còn lôi kéo vợ con, bạn bè mình cùng tham gia tạo nên một phong trào sôi nổi. Không chỉ có văn nghệ sĩ, những người dân bình thường cũng rất nghĩa tình. Trên phố phường Thủ đô có những siêu thị mini 0 đồng, quầy hàng 0 đồng bày bàn trước cửa nhà, ai khó khăn thì đến lấy hay những suất cơm, suất cháo nghĩa tình giúp đỡ các bệnh nhân ở bệnh viện…
Với sức của mình, tôi cũng đóng góp vào các hoạt động này bằng vật chất trực tiếp, với mong muốn được nhường cơm sẻ áo cho những người kém may mắn hơn trong cuộc chiến này. Vẫn biết rằng, cuộc chiến với “giặc” Covid-19 còn dài lâu nên nếu chúng ta không làm ngay, làm luôn để ai cũng có cơm ăn áo mặc mùa dịch thì lòng người sẽ không yên, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Các hoạt động thiện nguyện vừa để động viên, chia sẻ nhưng cũng vừa góp phần vào thành công chung trong cuộc chiến chống giặc
Covid-19. Những điều tử tế vẫn liên tục xuất hiện hàng ngày, hàng giờ như người Hà Nội và mọi người dân cả nước đã từng sống và thể hiện trước đây. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách” và tôi tự hào mình là người Việt Nam. Tôi rất mong, những việc làm tốt, những điều tử tế sẽ tiếp tục nhân lên thành các hành động cụ thể, để mỗi khi nhớ về thời chống Covid-19, ai nấy đều nhớ về tình cảm mà mọi người dành cho nhau, giống như cách chúng ta đã nhớ về thời chống Mỹ hay bao cấp. Khó khăn rồi cũng qua đi, chỉ còn tình người là ở lại.
NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam: Khó khăn đi qua, tình người ở lại
Những việc làm tử tế, nghĩa hiệp của người Hà Nội trong đại dịch là truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái của người Việt Nam. Những hoạt động thiện nguyện mang trong đó những tình cảm trách nhiệm lớn lao của cá nhân với cộng đồng và cũng là cốt cách của người Tràng An. Những cư xử văn hóa, sự hy sinh hạnh phúc cá nhân sẽ làm nên những hình ảnh đẹp trong đời sống và góp phần vào thành công của cuộc chiến chống giặc Covid. Chúng ta nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn trong lúc này mới thực sự đáng quý và đáng trân trọng. Rồi khó khăn sẽ qua đi, điều còn lại là tình yêu thương giữa con người với con người.
Nguồn: Báo ANTĐ