Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến với 10 tỉnh, thành phố có dịch COVID-19 vào chiều 2/2.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo, nếu không phong tỏa nhanh, tăng cường năng lực xét nghiệm thì nguy cơ dịch sẽ lan rộng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, đến nay, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của chúng ta đưa ra rất chính xác, đầu tiên bằng việc phong tỏa TP Chí Linh. Vì thế, ổ dịch ở Chí Linh mặc dù vẫn phát hiện thêm ca nhiễm nhưng đang trong quá trình kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ hiện nay là dịch đã lây lan và xuất hiện thêm ổ dịch khác.
Sẽ phong tỏa toàn bộ thị xã Đông Triều từ 0h đêm nay
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Tiến Hưng cho biết, tỉnh có 5 địa phương phát hiện ca nhiễm COVID-19, đến chiều nay đã ghi nhận 38 ca nhiễm. Quảng Ninh đã truy vết được 58.516 người, trong đó F1 là 1425. Hiện, Quảng Ninh có 2 ca chuyển BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, còn lại điều trị tại tỉnh.
Quảng Ninh duy trì 5 đơn vị xét nghiệm COVID-19 với công suất 2.000 mẫu/ngày, nếu gộp mẫu có khả năng làm được 10.000 mẫu/ngày. Đến nay tỉnh Quảng Ninh đã phong tỏa 6 xã, một số khu phố, bệnh viện và Sân bay Vân Đồn.
Dự kiến vào 0h đêm nay 3/2, tỉnh sẽ phong tỏa toàn bộ thị xã Đông Triều. Quảng Ninh quyết tâm ngăn chặn dịch ở Đông Triều và đến 30 Tết có thể kiểm soát tình hình; đến 28 Tết có thể kiểm soát dịch tại Vân Đồn", ông Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, dịch bệnh tại Quảng Ninh đang diễn biến phức tạp, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ điều trị cho Quảng Ninh những ca bệnh nặng và hỗ trợ cho tỉnh dung dịch khử khuẩn và xét nghiệm.
Nghe đại diện Sở Y tế Quảng Ninh báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, thị xã Đông Triều những điểm có ca nhiễm phải làm chặt hơn; phải giải tỏa sớm công nhân than, xét nghiệm sớm 8.000 công nhân than ở TP Uông Bí đang cách ly để họ trở về sản xuất.
“Nếu 10.000 mẫu xét nghiệm kép là không ổn, phải tăng thêm công suất xét nghiệm, đặc biệt ở vùng lõi Đông Triều”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội có 20 ca COVID-19 trong đó có 1 ca liên quan tới Quảng Ninh và 19 ca liên quan tới Hải Dương. Hà Nội đã rà soát 17.273 trường hợp về từ 2 vùng dịch và lấy 17.058 mẫu, đạt 99% mẫu. Đã làm xét nghiệm và đã có 15.200 trường hợp có kết quả. Các khu vực ổ dịch đã xử lý theo quy định.
Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm mở rộng theo chỉ đạo của Bộ trưởng ngày hôm qua. Về cách ly, tối qua UBND thành phố mở thêm khu cách ly tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai sẽ tiếp nhận các trường hợp F1.
Gia Lai đang là địa bàn khá lúng túng vì hiện nay, ca đầu tiên của Gia Lai được phát hiện từ ngày 18/1 (14 ngày). Với chu kỳ lây nhiễm khoảng 3-4 ngày thì Gia Lai đã trải qua 4 chu kỳ. Gia Lai chưa có kinh nghiệm điều tra, truy vết và năng lực xét nghiệm còn hạn chế.
Báo cáo tại cuộc họp, một số địa phương như Bình Dương, Gia Lai đang có tốc độ xét nghiệm chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ trưởng Y tế yêu cầu các đơn vị này cần phải tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm, chủ động trong xét nghiệm. Một số tỉnh chưa đáp ứng năng lực xét nghiệm như Gia Lai, Bình Dương, Bộ Y tế sẽ điều động nhân lực đến chi viện, thiết lập các labor xét nghiệm tại địa phương để không chuyển mẫu lên trên.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến với 10 tỉnh có dịch COVID-19 |
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Quảng Ninh phải nâng cao năng lực xét nghiệm lên vì làm xét nghiệm gộp mẫu không hiệu quả. Quảng Ninh làm rất quyết liệt, tập trung nguồn lực rất lớn, trên diện rộng nhưng vẫn phải tập trung vào chiều sâu cho khu Đông Triều.
Với Hà Nội, Bộ trưởng mong Thủ đô đẩy nhanh tiến độ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Bởi quan trọng nhất với Hà Nội lúc này là điều phối để không bị dồn mẫu. Ông Long yêu cầu phải có trung tâm chỉ huy điều phối mẫu trên toàn thành phố.
80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đợt dịch lần này do biến chủng mới của virus, qua nắm bắt tình hình điều trị, hiện có 80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, đây là một thách thức với tất cả các bệnh viện. Đến nay, qua rà soát, có 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng, 3 bệnh nhân phải thở máy, 1 bệnh nhân nặng.
"Nếu chỉ chờ người bệnh có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì sẽ bỏ sót. Vì thế, khai thác tiểu sử dịch tễ rất quan trọng. Các cơ cơ sở y tế phải khai thác kỹ tiểu sử dịch tễ tại các cơ sở y tế ngay tại bàn đón tiếp để sàng lọc ngay từ đầu, tránh bỏ sót", Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, virus lần này có tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ và tỷ lệ người không có triệu chứng khá cao vì xuất hiện trên đối tượng trẻ. Vì thế, các địa phương liên tục rà soát lại các điểm có nguy cơ, đặc biệt tại bệnh viện, mở rộng diện xét nghiệm tại các bệnh viện.
"Các địa phương phải thay đổi chiến thuật trong phòng, chống, nâng cao và nhanh hơn một mức trong phòng, chống dịch. Địa phương nào truy vết được thì truy vết. Địa phương nào không truy vết được thì phải giãn cách xã hội, cần thiết lấy mẫu trên diện rộng. Chúng ta phải nhanh hơn, áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
|
Quảng Ninh tăng cường phòng chống dịch COVID-19 |
Người đứng đầu Bộ Y tế yêu cầu Hải Dương cần mở rộng thêm diện giãn cách xã hội sau khi phát hiện ca nhiễm tại Cẩm Giàng với tiểu sử dịch tễ phức tạp. TP Hà Nội cần phải rà soát lại vì còn một số đối tượng đi về nhưng không chịu khai báo y tế với chính quyền địa phương. Hà Nội hiện cũng xuất hiện thêm một số điểm dịch khác nữa, do đó, Hà Nội phải chuyển đổi phương thức truy vết, song song với đó là phong tỏa, cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, nếu không sẽ không kịp với tốc độ lây truyền của virus.
Bộ trưởng yêu cầu, qua bài học Hải Dương, các địa phương cần phải hình thành ngay cơ sở điều trị. Tỉnh nào phức tạp cần phải thành lập bệnh viện dã chiến ngay. Phải triển khai quyết liệt các biện pháp, bắt buộc phải đeo khẩu trang ở tất cả các tỉnh, thành phố; hạn chế tập trung đông người.
“Lây nhiễm lần này hoàn toàn khác so với lần trước cho nên chúng ta không được chủ quan, lơ là mà phải sử dụng biện pháp mới, nhanh hơn, mạnh hơn, dứt khoát hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nguồn: Báo CAND