Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hiếu học, tôn sư trọng đạo là bản sắc văn hoá của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam

Hội Cựu Giáo chức Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu hoặc chuyển ngành, được thành lập từ tháng 7 năm 2004. Sau gần 20 năm thành lập, Hội đã thiết lập được mạng lưới hội viên rộng khắp cả 3 miền Bắc – Trung – Nam với 60 vạn hội viên.

vna_potal_chu_tich_nuoc_nguyen_xuan_phuc_tiep_doan_dai_bieu_hoi_cuu_giao_chuc_viet_nam_6438744.jpg -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu Hội Cựu Giáo chức Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Hội Cựu giáo chức tổ chức rất nhiều hoạt động có ý nghĩa đóng góp cho ngành giáo dục - đào tạo như: đề xuất nhiều cơ chế chính sách đối với nhà giáo nói chung và nhà giáo về hưu nói riêng; triển khai đề tài khoa học về cơ chế chính sách ưu đãi đối với người có công với sự nghiệp giáo dục – đào tạo; thực hiện 4 cùng: cùng tham gia đánh giá phát hiện tình hình, cùng tham gia góp ý, xây dựng chương trình hoạt động của ngành, cùng tham gia triển khai một số công việc có chọn lọc, cùng phối hợp chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu... Nhiều chế độ chính sách đã được ban hành trên cơ sở kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Hội cũng đã vận động hội viên giữ vị thế “Nhà giáo – Người trí thức – Người cao tuổi” trên địa bàn dân cư, làm chỗ dựa cho cấp ủy, chính quyền địa phương, lan tỏa những tấm gương sáng, những giá trị tốt đẹp, những năng lượng tích cực trong xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và tri ân những đóng góp tích cực của các thầy, cô giáo, tuy tuổi cao, điều kiện hoạt động còn khó khăn nhưng vẫn giữ trọn tâm huyết, trách nhiệm đối với ngành giáo dục nước nhà.

Chủ tịch nước nhấn mạnh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam. Với truyền thống đó, người thầy được coi là biểu tượng cao quý cả về đạo đức, nhân cách để học trò noi theo. Xác định vai trò quan trọng và để tri ân công lao của các nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục, năm 1982, Đảng và Nhà nước đã cho phép lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định, Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày hội lớn của các nhà giáo và cũng là ngày vui của toàn thể học sinh trong cả nước. “Có kỷ niệm sâu sắc nào bằng kỷ niệm về tình thầy trò trong những năm học dưới mái trường tuổi thơ. Có niềm vui, niềm hạnh phúc nào bằng được học các thầy giáo, cô giáo tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu” – Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, đây là dịp để mỗi người chúng ta đến thăm hỏi, chúc mừng, bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn các thầy giáo, cô giáo. Cũng là dịp để các cấp lãnh đạo và quản lý nhìn lại việc chỉ đạo, điều hành bộ máy giáo dục và quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các tầng lớp nhân dân cũng có dịp để phát huy ý thức trách nhiệm đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Đối với nhà giáo, đây cũng là dịp thể hiện lòng yêu mến trẻ, rèn luyện phẩm chất, tay nghề, giữ vững lương tâm và trách nhiệm, đem trí tuệ và tài năng cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang là giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ của đất nước.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, đây là dịp để các nhà giáo càng thêm yêu nghề dạy học, mỗi nhà giáo tiếp tục giữ vững phẩm chất và năng lực để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục – đào tạo nước nhà ngày càng phát triển tốt đẹp, đưa đất nước đến đài vinh quang.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hoạt động của Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, để Hội tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và nhiệt huyết của các thành viên đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Chủ tịch nước giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội nghiên cứu để có đề xuất chính sách cụ thể.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi