Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước

Kỳ họp bất thường đầu tiên, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội sẽ khai mạc ngày 4/1/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Việc tổ chức Kỳ họp đã cho thấy sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước.

Giải quyết vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước. Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, Kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Với tính chất "bất thường" nên các nội dung được đưa ra bàn thảo, xem xét tại Kỳ họp đều rất cần thiết và cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Phân tích về tính cấp bách của các nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp bách nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá, có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.

"Năm 2021, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58%, cách xa so với chỉ tiêu đặt ra đầu năm. Do đó, nếu gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế được thông qua đầu năm 2022 sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023 và và dư âm hết cả nhiệm kỳ. Nếu để tới kỳ họp tháng 5 Quốc hội mới xem xét thì sẽ bị chậm", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

1.jpg -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN.

Đối với nội dung "một luật sửa nhiều luật", theo Tổng Thư ký Quốc hội cũng rất cần thiết để giải quyết những điểm cần tháo gỡ, nếu không sẽ tiếp tục ách tắc do vướng trong tổ chức thực hiện. Việc sớm sửa luật chính là giải quyết câu chuyện thể chế cho phát triển.

Ngoài ra, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần được xem xét sớm để thúc đẩy các tuyến giao thông huyết mạch, thúc đẩy giao thương hàng hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm thúc đẩy một địa phương vốn là động lực cho Đồng bằng sông Cửu Long trở thành đầu tàu, tác động tích cực tới các tỉnh trong khu vực cũng như đóng góp cho cả nước.

Chủ động, thích ứng với bối cảnh mới

Theo quy định của pháp luật, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.

Quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách của Quốc hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đại dịch COVID-19 đang diễn ra là một cuộc khủng hoảng toàn cầu tác động đến tất cả các quốc gia, đặt tất cả các cơ quan, tổ chức, trong đó có các nghị viện phải thay đổi phương thức hoạt động như họp trực tuyến, bàn thảo và quyết định những vấn đề cấp bách, mới nảy sinh. Quốc hội Việt Nam không phải là ngoại lệ và cùng với Chính phủ, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là một sự chủ động, xuất phát từ chính vai trò của Quốc hội, từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và của tình hình đất nước. Trên thực tế, từ các kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV và những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tính chủ động, thích ứng với bối cảnh mới, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng do đại dịch đặt ra, có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, trong đó có việc tổ chức kỳ họp bất thường bằng phương thức trực tuyến.

Theo chương trình, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 4-11/1/2022. Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội nối với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội). Đáng chú ý, việc biểu quyết thông qua các nội dung sẽ lần đầu tiên được thực hiện trên hệ thống biểu quyết điện tử của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, đây là quyết định hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khó lường, Quốc hội đã có những thay đổi nhanh và linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để bắt nhịp với diễn biến thực tế, đưa ra ứng phó kịp thời vì lợi ích nhân dân. Thời gian kỳ họp vừa đủ để các đại biểu đưa ra ý kiến với những vấn đề cấp thiết, nóng bỏng về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong dịch bệnh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực tiễn tổ chức kỳ họp bất thường sẽ là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp linh hoạt, chủ động hơn nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.

Có thể nói, các nội dung được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đông đảo quần chúng nhân dân.

Việc tổ chức Kỳ họp một lần nữa khẳng định quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng Quốc hội đổi mới, hành động, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các trọng trách, nhiệm vụ được nhân dân tin tưởng giao phó.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi