Sau một khoảng thời gian gần như tê liệt do COVID-19, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giải trí bắt đầu có nhiều chương trình được tổ chức hơn, với nhiều hình thức linh hoạt, mang đến những giây phút thư giãn cho công chúng ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, TP Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kể cả một số chương trình biểu diễn quy mô lớn vẫn được tổ chức, sau nhiều nỗ lực của cả nhà quản lý và các nghệ sĩ. Thay vì tổ chức phục vụ khán giả trực tiếp tại sân khấu, Ban tổ chức các chương trình chuyển sang hình thức ghi hình, biểu diễn không khán giả, phát truyền hình, phát trên mạng internet.
NSƯT Kim Oanh, một trong các giọng ca lâu năm của Nhà hát CAND cho biết, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 các năm về trước luôn là thời điểm nghệ sĩ – chiến sĩ trong lực lượng CAND tất bật nhất. Năm nay, số lượng chương trình ít hơn nhưng vì dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, kế hoạch cũng theo đó thay đổi liên tục nên các nghệ sĩ luôn trong tâm thế chờ đợi và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.
Thời điểm ghi hình “Giai điệu bình yên” số 2 chủ đề “Vinh quang thầm lặng”- chương trình do Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị phối hợp với Cục Truyền thông CAND tổ chức, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Chương trình tập trung đông người. Lịch ghi hình cuối giờ chiều, nhưng buổi sáng cùng ngày, nghệ sĩ vẫn thấp thỏm chờ đợi. Để đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu chống dịch, tất cả nghệ sĩ và các thành viên tham gia trong ê kíp thực hiện chương trình hôm ấy, dù đã được tiêm vaccine phòng dịch cũng đều phải test COVID-19. Thay vì tập trung anh chị em trong đơn vị đến điểm biểu diễn, xe chở các thành viên trong đoàn đến Bệnh viện 19-8. Khi tất cả có kết quả âm tính, hôm sau, chương trình mới được tổ chức.
Nghệ sĩ Nhà hát CAND trong chương trình “Bài ca những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch”.
Nghệ sĩ vào khu vực biểu diễn cũng phải soát danh sách như… khán giả phải soát vé vào xem chương trình. Sau “Giai điệu bình yên” số 2, các nghệ sĩ Nhà hát CAND còn tham gia nhiều chương trình khác, cũng đều là ghi hình, phát sóng hoặc phát online như: “Hoa cài trên lá chắn” năm 2021, “Bài ca những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch”…
Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND cũng cho biết, mỗi khi nhận được kế hoạch biểu diễn mới, dù trong thời gian giãn cách xã hội nhưng các nghệ sĩ trong nhà hát đều hết sức khẩn trương, bàn bạc kế hoạch online, qua điện thoại và chia nhỏ ra tập luyện. Ngày chạy chương trình, mọi người tập trung và chia ca ra tập nhằm giảm tối đa việc tập trung đông người cùng lúc. Trong quá trình tham gia chương trình, tất cả đều được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, từ test COVID-19 đến đảm bảo 5K…
“Dù làm chương trình thời dịch bệnh có vất vả, phức tạp hơn nhưng các nghệ sĩ vẫn luôn phấn khởi, tự hào, nhất là khi thời điểm dịch bệnh căng thẳng, công chúng vẫn có dịp thưởng thức nghệ thuật, giải trí tại nhà” - NSND Thúy Hiền chia sẻ.
Trung tá, NSƯT Trần Thị Út Lan, Phó Giám đốc Nhà hát CAND, người phụ trách thực hiện chương trình “Bài ca những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch” cũng cho hay, khi làm chương trình, ê kíp chủ động chọn các tác phẩm ngợi ca người chiến sĩ, bác sĩ, y tá – những người đã hi sinh rất nhiều, gác lại trách nhiệm với gia đình, kể cả mẹ già, con thơ để xung phong đi làm nhiệm vụ. Các nghệ sĩ Công an luôn ghi nhận và nỗ lực chuyển tải những công hiến, hy sinh thầm lặng đó đến cộng đồng, xã hội, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật một cách sinh động, hấp dẫn nhất trong điều kiện có thể.
Trung úy Trần Thị Thu Hường, một trong số những giọng ca chủ lực và năng nổ của Nhà hát CAND xúc động kể rằng, hình ảnh về đôi bàn tay nhăn nhúm vì mồ hôi quá nhiều, người mẹ trẻ khóc một mình sau lớp khẩu trang và bộ quần áo chống dịch kín mít vì nhớ con… của các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch cứ trở đi trở lại trong tâm trí của nữ ca sĩ. Những hình ảnh ấy theo Thu Hường lên cả sân khấu và khi thực hiện nhiều sản phẩm âm nhạc khác để cổ vũ chống dịch. Vì thế nên không chỉ riêng Thu Hường mà bất cứ nghệ sĩ, chiến sĩ nào có dịp biểu diễn trong khoảng thời gian này cũng đều mong muốn, những lời ca cất lên bằng cả trái tim người nghệ sĩ sẽ chạm đến trái tim khán giả, đem lại nhiều cảm xúc đẹp, nhiều năng lượng an lành, tích cực hơn để vượt qua đại dịch.
Thực tế, đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ quan, đơn vị, nhà đài đã dần chủ động hơn trong bổ sung các món ăn tinh thần mới vào “thực đơn” phục vụ khán giả. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã bước đầu triển khai tổ chức ghi hình, phát sóng trên truyền hình nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Các chương trình biểu diễn, giao lưu nghệ thuật “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, gương mặt giải trí nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực bước đầu được thực hiện thành công, thu hút đông đảo công chúng.
Theo kế hoạch dự kiến, sẽ có khoảng trên 30 chương trình, vở diễn tương tự được thực hiện, phát sóng, livestream để phục vụ khán giả. Viện Goethe tại Việt Nam có chuỗi chương trình phát trực tuyến nhiều chương trình, vở diễn được nghệ sĩ trong và ngoài nước thực hiện trong khuôn khổ dự án “Xưởng văn hóa” qua Youtube của Viện. Với Đài Truyền hình Việt Nam, bên cạnh duy trì định kỳ nhiều chương trình đã trở thành “thương hiệu” trong lòng khán giả, bắt đầu có thêm nhiều chương trình giải trí mới: “Cuộc hẹn cuối tuần”, “Hãy yêu nhau đi”…
Sự xuất hiện của các khách mời là những nghệ sĩ nổi tiếng cùng nhiều tiết mục nghệ thuật, các chương trình giải trí này còn được gửi gắm nhiều kỳ vọng, không chỉ giúp khán giả thư giãn mà còn truyền tải nhiều điều bổ ích, thông điệp về tình yêu thương… Như chia sẻ của NSND Lan Hương trong chương trình “Hãy yêu nhau đi: "Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mỗi một món ăn tinh thần trở nên vô cùng quý giá. Chương trình đem lại cho cuộc sống của khán giả nhiều kiến thức, có giá trị nhân văn, để chúng ta đồng lòng vượt qua những thử thách của hiện tại, hướng tới tương lai".
Nguồn: Báo CAND