Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những kỷ niệm sâu sắc với bác Trần Quyết trên đất Mỹ

Mùa thu năm 2000, mùa thu đầu tiên của Thiên niên kỷ mới, chúng tôi có dịp được đón nhiều khách trong nước tới thăm thành phố New York, nơi tổ chức rất long trọng, hoành tráng lễ kỷ niệm thời khắc nhân loại bước vào Thế kỷ XXI.

Năm ấy, những cán bộ công tác tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở Liên hợp quốc (LHQ) chúng tôi vinh dự được đón các đồng chí: Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang dự các hội nghị và thăm Mỹ... Trong số “khách lẻ” đáng nhớ của một số anh em chúng tôi dạo đó là bác Trần Quyết. Bác sang thăm Mỹ với tư cách là thân nhân của một cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ.

Những kỷ niệm sâu sắc với bác Trần Quyết trên đất Mỹ -0
Đồng chí Trần Quyết đứng chụp ảnh bên cạnh trống đồng của Việt Nam tặng LHQ trong chuyến thăm Mỹ năm 2000.

Khi ấy, là “chân chạy” trong “Công đoàn Cơ quan Đại diện Việt Nam lại Liên hợp quốc” nên tôi được phân công đưa bác Trần Quyết đi thăm New York. Yêu cầu đầu tiên khi bác Quyết tới “Thủ đô thế giới” là đề nghị tôi đưa tới trụ sở LHQ và câu hỏi đầu tiên của bác là lá cờ Việt Nam treo ở đâu. Vì đã có hai năm ra vào hàng ngày ngôi nhà màu xanh này, nên tôi nói ngay: “Thưa bác, hiện LHQ có 189 thành viên (thời điểm đó LHQ mới có 189 thành viên) và có 189 lá cờ được treo dọc Đại lộ 1, trước mặt tiền của toà nhà Ban thư ký. Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đứng thứ 4 tính từ Phía Nam lên, tức xuôi chiều với hướng lưu thông của Đại lộ 1, rất gần cổng ra vào”. Thấy tôi trả lời trôi chảy, bác Quyết có vẻ ưng ý lắm.

Khi đứng dưới lá cờ tung bay trong nắng Thu New York, bác Trần Quyết nói: “Để chúng ta sánh vai được với các cường quốc năm châu, với bạn bè bốn phương, để lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước trụ sở LHQ ở Mỹ, chúng ta đã phải đổ bao xương máu, bao lớp người đã ngã xuống. Các cháu là những cán bộ đại diện cho Nhân dân Việt Nam ở đây, các cháu phải phấn đấu, phấn đấu không mệt mỏi để lá cờ đỏ sao vàng mãi mãi tung bay và các cháu phải giữ cho trái tim mình cũng luôn đỏ như màu cờ này”. Sau khi dặn dò xong, bác Quyết đứng nghiêm ngắn, mặt hướng về lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm trên đất Mỹ. Hình ảnh ấy làm tôi xúc động vô cùng, luôn in đậm trong tôi cho tới hôm nay.

Khi vào thăm bên trong tòa nhà LHQ, để tránh xếp hàng dài, chúng tôi nói với người gác cửa rằng đây là khách danh dự của Phái đoàn Việt Nam, đề nghị ưu tiên cho vào qua cửa chính. Anh lính gác cửa hôm ấy là người gốc Phi, khi nghe nói đến Việt Nam và thấy một cụ già quắc thước, lại được giới thiệu là cựu “Minister" (Bộ trưởng) nên vui vẻ cho vào ngay. Anh ta còn nói thêm giọng hào hứng: “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh” (khi ấy chưa xảy ra vụ khủng bố 11/9 nên việc ra vào trụ sở LHQ không khó khăn như bây giờ, cứ người có thẻ ngoại giao hoặc thẻ phóng viên thường trú đứng ra bảo lãnh là khách được vào -PV).

Những kỷ niệm sâu sắc với bác Trần Quyết trên đất Mỹ -0
Thứ trưởng Trần Quyết cùng con trai - Trung tướng Phạm Ngọc Quảng.

Trong cuộc hành trình, chúng tôi đưa bác tới thăm nơi đặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ, quà tặng của Nhân dân Việt Nam cho LHQ, do Chủ tịch Lê Đức Anh mang sang, bác Quyết nói trong bồi hồi: “Sự có mặt của chiếc trống đồng này ở giữa trụ sở LHQ như một biểu tượng Việt Nam ta đang sánh vai với bạn bè khắp năm châu”. Bên cạnh chiếc trống đồng, tuy bác Quyết chỉ nói ngắn gọn thế nhưng tôi thầm nghĩ rằng câu nói đó còn chứa đựng nhiều hàm ý sâu sắc. Tôi nghĩ, những cánh chim Lạc đã bay tới New York, nó sẽ còn phải bay xa hơn nữa. Những cánh chim này mang thông điệp hoà bình, hữu nghị và phát triển của Việt Nam tới bạn bè trên khắp hành tinh.

Chúng tôi đưa bác vào phòng họp Đại hội đồng, nơi có chiếc ghế dành cho Việt Nam và mời bác chụp một bức ảnh kỷ niệm. Trên đường đi, bác bảo tôi giải thích cho bác rõ hơn về lịch sử và cơ cấu của LHQ. Bác hỏi thế nào là Hội đồng bảo an, thế nào là Đại hội đồng, thế nào là Ban thư ký....? Bên sảnh họp báo phòng họp Hội đồng bảo an, đột nhiên bác Trần Quyết hỏi “Thế theo cháu thì bao giờ Việt Nam có trong Hội đồng bảo an?". Và mong ước ấy đã thành hiện thực, sau nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hơn 8 năm sau đó, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ. Câu hỏi của bác năm ấy tưởng xa vời nhưng chỉ hơn 8 năm sau đã trở thành hiện thực.

Một trong những ấn tượng của bác Quyết về thành phố New York là hệ thống bảng chỉ đường và điều hành giao thông của Cảnh sát. Bác nói, bác từng phụ trách lực lượng Cảnh sát Việt Nam, từng là Đại diện của Bộ Công an ở phía Nam, từng sống ở TP Hồ Chí Minh, bác thấy ta cần học tập cách tổ chức và điều hành giao thông của Cảnh sát New York.

Bác bảo tôi: “Cháu là nhà báo, có những hiểu biết về thực trạng tại thành phố đông dân và có mật độ tham gia giao thông dày đặc vào bậc nhất thế giới, ngoài viết tin bài về LHQ, cháu nên có những bài giới thiệu về cuộc sống của người dân thành phố, về cách tổ chức, chỉ huy của Cảnh sát đối với giao thông cũng như việc chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông. Các bài viết cần nêu mặt tốt, mặt xấu để trong nước có thể rút ra kinh nghiệm, học tập. Xã hội Mỹ, bên cạnh những điểm còn chưa được cũng có những điểm tốt, điểm văn minh mà ta cần học tập. Nhà báo phải có cái nhìn toàn diện theo tinh thần Chủ nghĩa Mác- Lênin…”.

Tôi còn nhớ kỷ niệm khi xe đang chạy chầm chậm trên “Quảng trường thời đại”, trung tâm của Manhattan, trái tim của New York, nơi có tòa nhà nhỏ thó với dòng chữ “Đồn Cảnh sát New York”, thấy Cảnh sát Mỹ được trang bị đầy đủ súng ống, công cụ hỗ trợ đầy người, bác chợt có một so sánh nho nhỏ, Cảnh sát Mỹ khác hẳn Cảnh sát của ta. Cảnh sát nước ta trông rất hiền, rất gần dân vì chúng ta là Cảnh sát của Nhân dân”. Bác giải thích thêm, những người được tuyển vào lực lượng Công an nói chung và Cảnh sát nói riêng cần phải có tiêu chuẩn hình thức nhất định và một trong những điểm cần chú ý là hình dáng và khuôn mặt là phải dễ gần dân, phải hoà đồng với quần chúng.

Bác Quyết đề nghị chúng tôi cho bác tới thăm một ngôi trường tiểu học, bác nói hôm ở California, bác cũng đã đến thăm một ngôi trường cấp hai. Bác muốn đến thăm trường để xem người Mỹ họ giáo dục trẻ nhỏ ra sao. Nhận xét của bác Quyết về trường học Mỹ là khuôn viên trường ở vùng California rất rộng nhưng khuôn viên trường ở New York lại rất hẹp, số lớp học và số học sinh của mỗi trường rất nhỏ so với các trường của ta. Điểm giống nhau ở các trường miền Tây (California) và miền Đông (New York) là có rất nhiều sắc dân khác nhau cùng học tập. Học sinh đủ màu tóc, màu da, màu mắt, chúng vui chơi với nhau tự nhiên, thân thiện và trẻ nhỏ tỏ ra rất tự tin trước người lớn, trước thầy cô giáo. Mỹ là một đất nước đa chủng tộc và khi tới Mỹ, đặc biệt là khi tới New York, du khách không cảm thấy họ là người nước ngoài, rất thân thiện...

Trò chuyện trên đường đi, bác Trần Quyết kể với tôi là trong thời gian ở California, bác đã tranh thủ đến thăm một nhà tù vì bác muốn xem nhà tù Mỹ thế nào. Nhà tù Alcataz là nơi được bác chọn tới thăm. Nhà tù Alcataz nằm ở giữa vịnh San Francisco, nay tuy không còn giam giữ phạm nhân, nhưng nó là một trong những mô hình nhà tù Mỹ trong những năm 70 của thế kỷ XX. Bác nói rằng bác từng bị tù ở nhà tù Hoả Lò, bị giam ở trại giam Nghĩa Lộ, bác từng đến thăm nhà tù Côn Đảo... nay thăm nhà tù Alcataz, mới thấy rõ sự phân biệt giữa nhà tù ở nước sở tại với nhà tù của những khu vực mà Mỹ chiếm đóng...Và còn nhiều câu chuyện cảm động nữa trong cuộc hành trình đặc biệt đầy bất ngờ, thú vị giữa hai bác cháu mà tôi không có điều kiện kể lại hết được nhưng mãi đọng lại những ký ức đẹp trong tôi.

Qua mấy ngày được phục vụ bác Trần Quyết, được gần gũi, được bác hỏi chuyện và được nghe bác kể chuyện, ban đầu tôi cũng thấy bình thường, chỉ nghĩ đó là những câu chuyện ngẫu hứng trên đường hoặc là tình cảm quê hương, bác cháu. Nay càng đi nhiều, đọc nhiều, suy ngẫm lại mới thấy giá trị bên trong của từng lời nói, từng câu chuyện, từng địa điểm mà bác Quyết đề nghị tới thăm. Càng nghĩ, tôi càng thấy sự sâu sắc, đậm chất cách mạng, nhân văn trong con người bác Trần Quyết. Nếu như được ở gần bác Quyết thêm ít ngày, chắc tôi sẽ còn học được thêm ở bác nhiều điều hay. Nhiều lúc, tôi tự nhủ rằng, tôi đã lớn lên từ những câu chuyện nhỏ ngày nào của bác Trần Quyết. Và bài viết này như một nén hương tưởng nhớ người thủ trưởng, người Cộng sản trung kiên, cố Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Trần Quyết nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của bác (12/2/1922- 12/2/2022).

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi