Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những lo ngại mới trên Biển Đông vì hành vi khiêu khích của Trung Quốc

Gia tăng hành động phi pháp

Gần 2 tháng sau khi Luật Cảnh sát biển của Trung Quốc chính thức có hiệu lực, tình hình ở Biển Đông càng trở nên căng thẳng. Trong 2 ngày 29 và 30/3, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự. 

Tờ South China Morning Post đưa tin, Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc đã ra thông cáo về việc phong tỏa giao thông hàng hải ở khu vực nằm giữa Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam để tập trận. Cùng lúc này, Philippines cũng lớn tiếng phản đối khi phát hiện hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại rạn san hô Đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Chưa hết, các bức ảnh vệ tinh được hãng công nghệ không gian Maxar của Mỹ chụp lại gần đây cho thấy, từ ngày 20/2 đến 18/3, Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Một vùng đất hình chữ nhật có diện tích 2,85ha đã xuất hiện ở phần rìa phía nam Đá Subi, bao quanh một đầm phá và có kênh nhỏ cho tàu thuyền ra vào. Ngoài ra, một hình tròn xuất hiện trong góc bên khu đất trên có thể là phần móng một tòa tháp hoặc một mái che radome được dùng để bảo vệ ăng-ten radar... 

Ảnh chụp tự vệ tinh cho thấy hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại rạn san hô Đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, động thái Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Subi cùng với việc hơn 200 tàu được cho là do dân quân nước này neo đậu ở một rạn san hô trên Biển Đông là hành động khiêu khích quân sự hóa khu vực. Và cuộc tập trận càng đẩy căng thẳng leo thang.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, những gì Bắc Kinh đang tiến hành vẫn chỉ nằm trong lộ trình hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến "đường lưỡi bò" trên giấy thành con đường hàng hải của riêng Trung Quốc. Đương nhiên, không có quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới có thể cam chịu trước hành động vi phạm luật pháp trắng trợn như vậy. 

Hôm 27/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã xác nhận tàu hải quân và tuần duyên Philippines đang theo sát nhóm tàu Trung Quốc neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Ông Delfin Lorenzana cũng nhấn mạnh rằng máy bay phản lực không quân Philippines sẽ được điều tới Đá Ba Đầu để giám sát nhóm tàu Trung Quốc "mỗi ngày". 

Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines Jay Batongbacal cảnh báo, việc Trung Quốc cho tàu thuyền neo đậu tại Đá Ba Đầu tương tự như chiến thuật mà nước này đã áp dụng với Đá Vành Khăn vào những năm 1990. 

Đá Vành Khăn nằm trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đường băng, cảng neo đậu và triển khai radar tại đây. 

“Mối lo ngại lớn là Trung Quốc có thể đang chuẩn bị chiếm đóng khu vực này để xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác, như những gì chúng ta đã từng chứng kiến trước đây”, ông Jay Batongbacal nói.

Nhiều nước ngoài khu vực Biển Đông gồm Canada, Australia, Anh, Nhật Bản, Mỹ cũng đồng loạt chỉ trích những hành động gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông... 

Hôm 29-3, Nhật Bản đã có những phản ứng tức thì bằng việc bày tỏ quan ngại mạnh mẽ đối với Luật Cảnh sát biển mới của Trung Quốc và khẳng định, sự gia tăng các hoạt động căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua của phía Trung Quốc đã làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, trong đó có Nhật Bản. 

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: "Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng sử dụng lực lượng dân quân biển để đe dọa và khiêu khích những bên khác, hành động này làm suy yếu hòa bình và an ninh".

Phải tôn trọng chủ quyền của các nước

Theo nhận định của hãng Reuters, bất chấp những phản ứng của các quốc gia láng giềng, Trung Quốc vẫn đang cố tình tiếp tục bác bỏ áp lực quốc tế, hạ thấp hiệu lực của Luật Cảnh sát biển mới gây tranh cãi và dùng "kỹ xảo" để biến những nơi không có tranh chấp trở thành nơi tranh chấp. 

Từ ngày 1/2, Luật Cảnh sát biển Trung Quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 22/1, chính thức có hiệu lực. Theo đó, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc sẽ được phép sử dụng "tất cả các biện pháp cần thiết", trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài được nước này cho là xâm phạm "vùng biển thuộc quyền tài phán" của họ. Đây là điều không thể chấp nhận được. 

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr sau khi gửi công hàm ngoại giao phản đối Luật Cảnh sát biển của Trung Quốc, nhất là việc cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nổ súng vào các tàu nước ngoài ở các rạn san hô mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, đã tweet: “Mặc dù ban hành luật là đặc quyền của quốc gia, nhưng điều này, xét đến khu vực liên quan hoặc đối với vấn đề Biển Đông rộng mở, lại là lời đe dọa chiến tranh bằng lời nói đối với bất kỳ quốc gia nào”.

Tờ Political thì bình luận, từ đầu tháng 11 năm ngoái, khi Trung Quốc công bố lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát biển, đã có nhiều phân tích từ các nhà quản lý và học giả quốc tế cho rằng, một số quy định trong dự thảo không những gây tranh cãi mà còn có thể làm tình hình ở Biển Đông trở nên phức tạp. 

Nghĩa là, dư luận quốc tế không chỉ lo ngại việc Bắc Kinh cho phép lực lượng cảnh sát sử dụng vũ khí với tàu thuyền nước ngoài mà phản đối Điều 17 quy định các tổ chức và cá nhân nước ngoài nếu không có sự chấp thuận của Trung Quốc mà tiến hành xây dựng các công trình, lắp đặt các thiết bị cố định hoặc nổi ở các vùng biển, đảo và bãi đá ngầm thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, có thể bị cưỡng chế tháo dỡ; và Điều 19 nói rằng khi chủ quyền, quyền lợi và quyền tài phán quốc gia bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài xâm phạm thì cơ quan Cảnh sát biển Trung Quốc có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn ngay tại chỗ hành vi xâm phạm, kể cả việc sử dụng vũ khí. 

"Khi Luật Cảnh sát biển Trung Quốc thực thi với những điều nói trên, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ bất chấp luật pháp, coi thường cả Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền trên các đảo nhân tạo phi pháp nói trên", bài báo có đoạn viết.

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) chỉ rõ: “Cảnh sát biển Trung Quốc từng hành xử bạo lực, hung hăng và bất hợp pháp. Luật Cảnh sát biển Trung Quốc không thực sự thay đổi điều đó mà ngược lại, nó là một công cụ nữa để họ thực thi. Đây sẽ là một cái cớ mà Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vào lần tiếp theo khi họ đánh chìm một tàu nước ngoài hoặc tạo ra ít nhất nguy cơ va chạm có chủ đích để ngăn chặn các hoạt động khai thác khí đốt hoặc đánh bắt cá. Trung Quốc phải bị cô lập và bị nêu tên, bị xấu hổ và bị trừng phạt vì hành vi của họ giống như cách chúng tôi xử phạt các chế độ khác”.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi