Những năm sau ngày miền Nam được giải phóng, tình hình kinh tế xã hội, tình hình an ninh chính trị của đất nước có nhiều diễn biến phức tạp: Nền kinh tế đình trệ, đời sống khó khăn, tội phạm hình sự phát triển, các nhóm phản động tiếp tục co cụm và manh động; FULRO phát triển mạnh ở các tỉnh khu V và Nam Trung Bộ với hàng ngàn tay súng, có bộ khung chính quyền rộng khắp...
Trong bối cảnh ấy, các đối tượng phản động quốc tế cho là thời cơ lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân đã đến, ráo riết tiến hành "kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt". Một trong những hướng đánh chủ yếu là "trong nổi dậy, ngoài đánh vào" với thủ đoạn: Đưa gián điệp biệt kích, vũ khí, phương tiện về nước, móc nối với các tổ chức phản động, xây dựng mật cứ, từng bước bạo loạn cướp chính quyền. Tình hình an ninh chính trị của đất nước gặp muôn vàn thử thách và đã xuất hiện những nguy cơ cần phải giải quyết. Nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, giúp Đảng và Nhà nước triển khai các chính sách kinh tế mới, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng là nhiệm vụ trên hết, trước hết và vô cùng cấp bách.
|
Công an tỉnh Yên Bái thực hiện "Bốn cùng" với đồng bào, thường xuyên tuyên truyền pháp luật, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
|
Để đối phó có hiệu quả với tình hình đó, lực lượng an ninh các tỉnh phía Bắc triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh với các loại đối tượng; tham mưu với Đảng, Nhà nước củng cố vững chắc an ninh chính trị đối với các tỉnh phía Bắc; truy bắt hết các đối tượng gián điệp đánh ra Bắc trong kế hoạch hậu chiến; đảm bảo an ninh chính trị nội bộ; trấn áp các tổ chức phản động hiện hành; xây dựng kế hoạch đề phòng bạo loạn. Do chủ động thực hiện tốt các mặt công tác nên mặc dù tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, nhưng đều được kiềm tỏa, an ninh chính trị luôn được giữ vững.
Tại các tỉnh phía Nam, lực lượng An ninh nhân dân tham mưu với Đảng ra Chỉ thị số 04, ngày 2-2-1977 về giải quyết vấn đề FULRO, với quan điểm giáo dục, vận động FULRO trở về với cộng đồng; bố trí công việc những người theo FULRO trở về; cải thiện đời sống đối với đồng bào các dân tộc; tổ chức đấu tranh, bắt bọn cầm đầu ngoan cố.
Từ năm 1981 đến năm 1989, lực lượng An ninh nhân dân phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và an ninh các nước trong khu vực đập tan hướng đánh chủ yếu của "kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt"; xử lý các chuyến xâm nhập của các tổ chức tình báo, gián điệp và tổ chức phản động lưu vong do Võ Đại Tôn, Trần Văn Thanh, Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh, Hoàng Cơ Minh, Trần Quang Đô cầm đầu; đón bắt các chuyến xâm nhập, trấn áp các tổ chức phản động trong nội địa gồm hàng chục ngàn đối tượng tham gia, bóc gỡ hàng chục đầu mối gián điệp (chỉ tính riêng từ năm 1987 đến năm 1989, lực lượng An ninh nhân dân đã phối hợp với quân đội và Bộ đội Lào đập tan 3 cuộc "hành quân Đông Tiến" của Hoàng Cơ Minh và Trần Quang Đô, bắt và diệt 269 tên). Những chiến công đó vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách, vừa mang tầm chiến lược, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị của đất nước trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp; tạo tiền đề giúp Đảng, Nhà nước triển khai đường lối đối nội và đối ngoại, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, thực hiện thắng lợi giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới.
Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay, các thế lực thù địch tập trung mũi nhọn tiến hành "Diễn biến hoà bình", tấn công ta toàn diện trên mọi lĩnh vực hòng xóa bỏ Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Một trong những hướng tấn công chủ yếu của chúng là tuyên truyền đa nguyên đa đảng, thành lập tổ chức chính trị đối lập, lợi dụng dân chủ, nhân quyền, lợi dụng các vấn đề nông thôn, nông dân, tôn giáo, dân tộc, biên giới, biển đảo; kích động biểu tình bạo loạn, khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, nhạy cảm và khó lường càng làm cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia nói chung, an ninh chính trị nói riêng nặng nề hơn; yêu cầu lực lượng An ninh nhân dân phải kiên định lập trường, tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén chính trị, hội nhập quốc tế và không ngừng đổi mới các mặt hoạt động để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, phục vụ đắc lực đường lối kinh tế, chính trị, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Lực lượng An ninh nhân dân đã chủ động, nhanh chóng xác định rõ "đối tượng", "đối tác"; quán triệt quan điểm lấy phòng ngừa là cơ bản, chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công địch; đổi mới tư duy và biện pháp công tác phù hợp với tình hình mới.
Trên lĩnh vực an ninh kinh tế, thông tin và truyền thông, đã tham mưu giúp Nhà nước, các cơ quan ban ngành kịp thời hoạch định chính sách cũng như đề ra các biện pháp quản lý kinh tế phù hợp với môi trường sản xuất kinh doanh mới. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chủ động phòng ngừa kết hợp với khám phá hàng chục chuyên án điển hình về buôn lậu, tham nhũng, hoàn thuế VAT, trộm cước viễn thông, làm và vận chuyển tiền giả; bóc gỡ các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia, phá vỡ mối liên kết các ổ, nhóm tội phạm mang tính quốc tế và nhiều vụ án kinh tế lớn, góp phần hạn chế thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
Điển hình là các vụ án: Nguyễn Đức Tâm sử dụng công nghệ cao để trộm cắp cước viễn thông, TAMEXCO, Tân Trường Sanh... đưa các đối tượng ra xét xử, đồng thời tuyên truyền để răn đe giáo dục. Trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng, an ninh nông thôn, tôn giáo, dân tộc, nhất là ở các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, lực lượng An ninh nhân dân đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục giúp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa nâng cao hiểu biết chính trị, cảnh giác đề phòng với thủ đoạn hoạt động tinh vi của các thế lực thù địch.
Trên lĩnh vực chống xâm nhập, lực lượng An ninh nhân dân tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình; do đó, đã đẩy lùi, vô hiệu hoá và đập tan hoạt động xâm nhập của địch; kiềm toả, vô hiệu hoá các chiến dịch phá hoại tư tưởng; ngăn chặn kịp thời hoạt động của các tổ chức chính trị đối lập, các thế lực thù địch, chống đối trong và ngoài nước.
Đã khám phá hàng chục chuyên án lớn (LH90, PQ55, HC96, SB36, HM26…); trục xuất các đối tượng lợi dụng mở cửa hợp tác quốc tế vào nước ta để phá hoại tư tưởng và hoạt động gián điệp; ngăn chặn và đập tan hàng chục chiến dịch gây nổ, gây bạo loạn, thành lập các tổ chức chính trị đối lập mang tên "Chiến dịch Đông Xuân", "Chiến dịch Hoa Lan", "Chiến dịch Hoa Phượng", "Chiến dịch Hoà Bình",... của các tổ chức phản động lưu vong danh xưng "Liên đảng cách mạng Việt Nam" do Hoàng Việt Cương cầm đầu; "Đảng nhân dân hành động" do Nguyễn Sỹ Bình cầm đầu; "Chính phủ Việt Nam tự do" do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu; tổ chức "Việt Tân"...; tác động, vô hiệu hoá và đẩy lùi hàng chục chiến dịch gây nổ khác khi các đối tượng đang trong quá trình chuẩn bị.
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ vận chuyển vũ khí, chất nổ, tài liệu, vật phẩm phản động, hàng cấm vào Việt Nam. Từ năm 2010 đến 2012, đã kiểm tra, phối hợp với các đơn vị khám phá, bắt giữ, trục xuất 427 đối tượng tội phạm xuyên quốc gia là người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tấn công các ngân hàng và tài khoản của công dân, phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn vào Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, lực lượng An ninh nhân dân đã xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều nước và tổ chức quốc tế (trao đổi tin tức, kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hợp tác đào tạo nghiệp vụ) trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước. Trong đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, quản lý di cư, đã phối hợp với các nước thực hiện chính sách nhập cảnh và cư trú, góp phần ổn định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; bảo đảm an ninh, trật tự trong nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam.
Thực hiện đổi mới mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, thuận tiện, rút ngắn thời gian giải quyết, với phương châm "Ba giảm" (giảm thời gian, giảm thủ tục, giảm chi phí); tạo điều kiện tối đa cho người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, du lịch. Tham mưu xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, hội nghị quốc tế diễn ra tại Việt Nam (bảo vệ Hội nghị cấp cao GMS 6, CLV 10, WEF ASEAN 18, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Việt Nam, Đại hội Đảng…), góp phần nâng cao vị thế, tiềm lực an ninh, đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế.
75 năm vừa chiến đấu, vừa xây dựng và phát triển, mặc dù trải qua các giai đoạn lịch sử với tổ chức, bộ máy, tên gọi khác nhau, tuy nhiên chức năng, nhiệm vụ của lực lượng An ninh nhân dân không thay đổi. Lực lượng An ninh nhân dân đã khẳng định vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia; phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của lực lượng An ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý ghi cho các tập thể, cá nhân thuộc lực lượng An ninh nhân dân, như: Huân chương Sao vàng tặng Lực lượng An ninh nhân dân (1995), Tổng cục An ninh (tặng thưởng lần thứ hai, năm 2006), Lực lượng Bảo vệ Chính trị (2008), Học viện An ninh nhân dân (2011)…; Huân chương Hồ Chí Minh tặng Tổng cục An ninh I (2011), Tổng cục An ninh II (2011), Lực lượng An ninh điều tra (2011), Lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ (2009, 2020)…
Ngày nay, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đang là đòi hỏi khách quan, tạo ra thời cơ, vận hội mới trong xu hướng phát triển, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là trước tác động của Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, những vấn đề an ninh phi truyền thống.
CAND nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng phải luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế… đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị"; "Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021).
Nguồn: Báo CAND