Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nước lũ hồ thủy lợi dâng cao, di dời hàng trăm hộ dân trong đêm

Theo ghi nhận của phóng viên, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trong đêm mùng 9 và ngày 10/11, trên địa bàn huyện M’đrắk có mưa to đến rất to khiến mực nước trên các sông suối dâng cao. Đặc biệt, tại khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng nước từ các sông, suối đổ dồn về khiến mực nước dâng cao từ 3 đến 4m.

Nước dâng cao và lên nhanh đã khiến cho gần 500 hộ dân, khoảng 1.000 nhân khẩu của thôn 9 và thôn 11 sinh sống dưới lòng hồ có nguy cơ bị ngập lụt. Trước tình hình trên, ngay trong chiều 10/11, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện M’đrắk cùng lực lượng Dân quân tự vệ đã có mặt tại đây để hỗ trợ người dân di dời lên vùng an toàn.

Hàng trăm hộ dân tại thôn 9 và 11, xã Cư San đang được cơ quan chức năng hướng dẫn di dời lên nơi an toàn

Có mặt chỉ đạo công tác di dời tại hiện trường, ông Nguyễn Thế Thập, Phó Ban phòng chống lụt bão, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện M’đrắk cho biết, đến tối 10/11, hàng chục căn nhà của người dân nằm sát vùng trũng của lòng hồ đã bị ngập nước từ 1 đến 1,5 mét. “Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời các hộ dân này lên những nhà người quen ở nơi cao ráo hơn. Những nhà không có người quen thì sẽ được đưa vào trường tiểu học ở gần đó tạm trú. Lực lượng chức năng cũng tiến hành túc trực trong đêm để hỗ trợ người dân nếu mực nước tiếp tục lên cao”, ông Thập nói.

Chiếc thuyền máy này là phương tiện duy nhất để liên lạc với bên ngoài của hơn 1.000 nhân khẩu tại thôn 9 và thôn 11, xã Cư San

Cũng theo ông Thập, hiện toàn bộ cư dân của thôn 9 và thôn 11 xã Cư San (khoảng hơn 1.000 nhân khẩu) đã bi cô lập hoàn toàn. Mọi liên lạc với bên ngoài chỉ bằng con thuyền do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT, đại diện chủ đầu tư dự án hồ Krông Pách Thượng thuê của người dân để phục vụ việc đi lại. 

“Hiện mực nước dưới lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng ngày càng lên cao, nước chảy xiết nên thuyền đi lại rất khó khăn. Đặc biệt là vào ban đêm, thuyền không thể di chuyển nếu người dân trong thôn bị đau ốm hoặc cấp cứu đột xuất. Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũng đã điều động 1 chiếc ca nô đến hiện trường để đề phòng trường hợp đột xuất xảy ra”, ông Thuật nói thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến 21h tối 10/11, hàng trăm hộ dân tại 2 thôn 9 và 11 đã được di dời đến nơi an toàn. Ngoài việc di dời người dân, các tài sản khác như heo, bò, lợn, gà… cũng được đưa lên vùng cao ráo an toàn.

Lực lượng Công an, Quân đội đến hỗ trợ người dân di dời

Như Báo CAND đã có loạt bài phản ánh, Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng thuộc dự án nhóm A, với nguồn vốn ban đầu là gần 3.000 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn Trái phiếu Chính phủ, phê duyệt năm 2009 và kế hoạch hoàn thành vào năm 2015. Do tiến độ quá chậm trễ, đến năm 2018 dự án bị đội vốn lên hơn 4.400 tỷ đồng. 

Dự án được chia làm hai hợp phần gồm: Phần đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư do UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định và chịu trách nhiệm; phần xây lắp do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Toàn bộ phần chênh lệch hơn 1.400 tỷ đồng đều dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng.

Một hộ dân tất bật di dời trước khi nước ngập vào nhà
Nhiều nhà dân dưới lòng hồ đã bị ngập nước

Việc giải phóng mặt bằng còn thuận lợi hơn khi Chính phủ phê duyệt một khung chính sách riêng cho dự án. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, hàng nghìn hộ dân sinh sống dưới lòng hồ này vẫn chưa nhận được một đồng đền bù nào, thậm chí tài sản, hoa màu của người dân nơi đây vẫn chưa được kiểm đếm trong khi các hạng mục thi công công trình trong dự án đã bắt đầu hoàn thành. 

Đầu tháng 3/2020 vừa qua, hồ thủy lợi Krông Pách thượng thi công đập chắn chính, đắp đất tiếp đoạn còn lại của lòng sông dài 75m. Qua đó, nước sẽ chảy qua kênh dẫn dòng, cống lấy nước và tích tụ trong lòng hồ. Tuy nhiên, mỗi khi có mưa lớn đã gây ngập ở phía lòng hồ, nước dâng cao, tích tụ không thoát được, gây ngập úng khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống dưới lòng hồ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Nhiều tuyến quốc lộ bị hư hỏng, ngập úng, chia cắt

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Lãnh, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB III.5 cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, từ 16h ngày 9/11 đến 15h ngày 10/11/2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện mưa lớn kéo dài khiến nhiều vị trí trên tuyến Quốc lộ 26 bị sạt lở, ngập sâu gây ách tắc giao thông cục bộ. Ngay sau đó, lực lượng TTGT Chi cục phối hợp cùng lực lượng CSGT địa phương bố trí lực lượng cảnh giới, tổ khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo ATGT. Đến cuối giờ chiều nay, mực nước đã rút, các phương tiện ô tô đã qua lại.

Nhiều tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị sạt lở nghiêm trọng

Theo ông Lãnh, có 2 vị trí bị ngập nước, cấm các phương tiện giao thông qua gồm: Km50+1000 - Km51+150, QL26; Cầu 13 tại Km51+110 ngập kéo dài 300m, chiều sâu ngập chỗ cao nhất 0,8m. Tiếp đó tại km52+600, khu vực Cầu 14 tại Km52+546, quốc lộ 26, nước ngập kéo dài 150m, chiều sâu ngập chỗ cao nhất 0,8m. Ngay sau khi nắm tình hình, Chi cục QLĐB đã chỉ cử người túc trực, phối hợp cùng lực lượng CSGT địa phương trực cảnh giới và đảm bảo ATGT. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng, đưa máy móc thu dọn, khắc phục các vị trí ngập nước, sạt lở. Hiện tại tuyến đường đã thông xe, các phương tiện giao thông qua lại bình thường. Tuy nhiên, mặt đường còn nhiều đất, rác đang tiếp tục được thu dọn.

Theo ghi nhận, ngoài vị trí ngập nước trên, tại khu vực đèo Phượng Hoàng, quốc lộ 26 đã bị sạt lở phía ta luy dương các vị trí Km35+70, Km36+240, Km38+740, Km39+160, Km42+260. Ước tính tổng khối lượng 250m3. Trước tình hình trên, Chi cục đã bố trí lực lượng, phương tiện thu dọn đất đá, khắc phục để đảm bảo ATGT. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, theo dõi diễn biến của bão để có phương án ứng phó.

Theo ghi nhận của phóng viên, do ảnh hưởng của tình hình mưa bão số 12, tại Km 48+300 đến Km49+100, quốc lộ 27 nước ngập cao gần 1m khiến các phương tiện xe máy không thể lưu thông, ô tô qua lại rất khó khăn. Ngoài ra, tại Km 57+700 và Km58+40 xuất hiện tình trạng sạt lở đất, đá và cây cối. Phát hiện tình trạng trên, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lực lượng thu dọn và đảm bảo ATGT.

Ông Võ Ngọc Tuyên, Bí thư huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Từ đêm 9/11 đến nay, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kéo dài khiến một số tuyến đường bị nước sâu, giao thông bị chia cắt. Trong đó, nhiều thôn, buôn vùng sâu có nguy cơ bị cô lập. Hiện có 2 buôn ở xã Đắk Liêng, bị ngập sâu gây thiệt hại nhiều về tài sản của người dân. Huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ đội,…dùng ca nô, thuyền tập trung nhân lực tiến hành di dời khẩn cấp người dân trong 2 buôn bị ngập về nơi an toàn”.

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi